Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quyết định 2671/QĐ-BYT năm 2023 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19
Ngày cập nhật 11/07/2023

Ngày 26/6/2023, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2671/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 thay thế Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 được ban hành kèm theo tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/11/2022 và Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 27/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo hướng dẫn mới này, trường hợp bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm:

 (1) Người có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau (sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở);

(2) Người có yếu tố dịch tễ và biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do vi rút (SVP) có chỉ định nhập viện;

(3) Người không có đủ biểu hiện lâm sàng như ở điểm (1) nhưng có kết quả xét  nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Theo hướng dẫn mới này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19 gồm: Người nhiễm không triệu chứng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch.

Người nhiễm không triệu chứng: Người bệnh không có triệu chứng lâm sàng. Nhịp thở < 22 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

Mức độ nhẹ: Người bệnh COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, đau mỏi cơ, chảy nước mũi, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Hô hấp không có triệu chứng viêm phổi hay khó thở, không giảm oxy máu; người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương ít.

Mức độ trung bình: Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng như ở mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu thở nhanh 22 - 30 lần/phút, khó thở mức độ trung bình (khi làm việc nhà, lên cầu thang 1 tầng lầu), SpO2 ≥ 94% khi thở khí phòng; nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường; ý thức tỉnh táo; người bệnh không có dấu hiệu suy hô hấp nặng. X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B.

Mức độ nặng: Hô hấp có dấu hiệu suy hô hấp nặng như khó thở ngay cả khi nghỉ, nhịp thở > 30 lần/phút; thở co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng; nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm, HA bình thường hay tăng. Thần kinh bứt rứt hoặc mệt, đừ. X-quang ngực và/hoặc cắt lớp vi tính ngực có tổn thương phổi trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều. PaO2/FiO2 < 300 (hoặc SpO2/FiO2 < 315 khi không có khí máu động mạch).
Mức độ nguy kịch: Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, thuyên tắc mạch cấp, bão cytokine, đợt cấp bệnh mạn tính nặng, suy đa tạng.

Hô hấp có dấu hiệu suy hô hấp cấp nguy kịch với thở gắng sức nhiều, co kéo nặng cơ hô hấp phụ; có kiểu thở bất thường; cần cung cấp oxy > 6 lít/phút để duy trì SpO2 > 92% hoặc nhu cầu oxy tăng nhanh; cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), CPAP hay thở máy xâm lấn; ý thức giảm hoặc hôn mê; nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt; tiểu ít hoặc vô niệu. X-quang ngực và/hoặc cắt lớp vi tính ngực có tổn thương phổi trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều. PaO2/FiO2 < 200 (hoặc SpO2/FiO2 < 235 khi không có khí máu động mạch); PH < 7,3; PaCO2 > 50 mmHg; Lactat máu > 2 mmol/L.

 

Thu Thảo - Phòng Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 24.429