Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quyết định về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày cập nhật 05/08/2023

Ngày 14/7/2023, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 847/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên toàn bộ phần diện tích đất liền và một số đảo đông dân cư, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh (Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo), theo các vùng phát triển kinh tế-xã hội, theo các lưu vực sông, cụ thể như sau:

a) Vùng trung du, miền núi phía Bắc: gồm 14 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái) thuộc thượng, trung lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và một phần thượng lưu lưu vực sông Mã.

b) Vùng Đồng bằng sông Hồng: gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh) thuộc hạ lưu của lưu vực sông Hồng - Thái Bình và các sông độc lập ven biển Quảng Ninh.

c) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, các sông ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận, một phần hạ lưu lưu vực sông Ba và sông Đồng Nai. Chia thành 02 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

d) Vùng Tây Nguyên: gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) thuộc lưu vực sông Sê San, sông Srêpốk, phần thượng lưu lưu vực sông Ba và một phần thượng lưu lưu vực sông Đồng Nai.

đ) Vùng Đông Nam Bộ: gồm 6 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) chủ yếu thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn, lưu vực sông Ray và phụ cận.

e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: gồm 13 tỉnh, thành phố (Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) phần lớn thuộc lưu vực sông Cửu Long, một phần thuộc lưu vực sông Đồng Nai.

g) Các đảo: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo nhỏ khác được nghiên cứu thực hiện trong các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và quy hoạch tỉnh.

Với quan điểm

- Phát triển hạ tầng thủy lợi, nâng cao năng lực cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế trên cơ sở khả năng nguồn nước. Củng cố, xây dựng hạ tầng phòng, chống thiên tai nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.

- Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi phải thống nhất, đồng bộ hệ thống quy hoạch quốc gia; có tầm nhìn và định hướng dài hạn, tổng thể, làm cơ sở lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thủy lợi, phòng, chống thiên tai và quy hoạch tỉnh.

- Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi nhằm giải quyết tồn tại, thách thức trong công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai liên vùng, liên tỉnh; cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống thủy lợi; quản lý, sử dụng nguồn nước theo lưu vực sông kết hợp với đơn vị hành chính.

- Công trình hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai kết hợp, đồng bộ với công trình giao thông, công trình hạ tầng khác theo hướng phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nâng cao tỷ trọng nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa.

Với mục tiêu:

Bảo đảm cấp nước, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia.

 Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Về cấp nước

+ Cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt; cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư. Chủ động nguồn nước tại chỗ cho sinh hoạt ở các khu vực bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chú trọng một số vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng. Chủ động kiểm soát mặn, ngọt tại các vùng cửa sông, vùng ven biển.

+ Cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất đảm bảo 85%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng đảm bảo 85-90%, đối với các vùng khó khăn về nguồn nước và giải pháp thủy lợi (miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo) bảo đảm 75-85%; kết hợp các giải pháp tưới tiết kiệm nước.

+ Cấp nước tưới đảm bảo cho 70% diện tích cây trồng cạn, nâng dần tần suất đảm bảo tưới cho rau màu lên 90%, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm 90-95%. Đảm bảo cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con. Cấp nước và thoát nước chủ động cho 1,35 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.

+ Bổ sung nguồn nước trên sông, kênh, hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm, góp phần cải tạo môi trường, đảm bảo chất lượng nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước.

- Về tiêu, thoát nước: Bảo đảm tiêu, thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích đất đô thị, công nghiệp với tần suất mưa thiết kế 10%. Chủ động tiêu, thoát nước ra sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực; duy trì diện tích chứa, điều hòa nước mưa, nhất là các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

- Về phòng, chống lũ, ngập lụt và các loại hình thiên tai khác

+ Hệ thống sông Hồng-Thái Bình: chống lũ với tần suất 0,33% đối với khu vực chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng lưu, 1% đến 2% đối với khu vực ít chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa lớn. Một số thành phố thuộc tỉnh như: Yên Bái, Sơn La chống lũ với tần suất 5%; Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang chống lũ với tần suất 2%; Việt Trì, Lạng Sơn chống lũ với tần suất từ 0,33% đến 1%. Trung tâm thành phố Hà Nội phía hữu ngạn sông Hồng chống lũ với tần suất 0,2%. Các khu vực sông không có đê ở thượng nguồn đảm bảo tần suất thoát lũ theo quy định ở từng khu vực.

+ Hệ thống sông Mã, Cả: vùng hạ lưu chống lũ với tần suất từ 0,6% đến 1%, sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu chống lũ với tần suất 2%; sông Hương đảm bảo thoát lũ với tần suất 7%; hạ lưu sông Trà Khúc đảm bảo thoát lũ với tần suất 10%, hạ lưu các sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba đảm bảo thoát lũ với tần suất 5%.

+ Các sông còn lại chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ để bảo vệ dân cư, chống lũ sớm, lũ muộn với tần suất 5% đến 10% để bảo vệ sản xuất.

+ Các đô thị lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai chống lũ chính vụ với tần suất 5%, Thành phố Cần Thơ và đô thị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo chống lũ với tần suất 1%, các khu vực sản xuất cả năm chống lũ với tần suất 2%, các vùng khác chủ động chung sống với lũ.

+ Từng bước nâng cao năng lực phòng, chống lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Tầm nhìn đến năm 2050

- Cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức đảm bảo 100%; cấp và tạo nguồn cấp nước cho khu vực nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư.

- Cấp nước tưới chủ động cho toàn bộ diện tích lúa được tưới với tần suất đảm bảo tối thiểu 85%, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đảm bảo 90% đến 95%, chủ động với các kịch bản cực đoan, nâng cao tỷ lệ tưới tiết kiệm nước.

- Nâng diện tích cây trồng cạn được tưới lên 100% với tần suất đảm bảo tưới từ 90% đến 95%. Đảm bảo cấp đủ nước cho 13 triệu con gia súc, gia cầm. Cấp, thoát nước chủ động cho trên 1,4 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.

- Khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh, hệ thống thủy lợi.

- Chủ động tiêu, thoát nước qua công trình thủy lợi cho cây trồng, thủy sản và diện tích đất đô thị, công nghiệp, nâng dần tần suất mưa thiết kế lên từ 5% đến 10%.

- Chủ động cấp đủ nước cho sinh hoạt khi xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn. Giải quyết dứt điểm nước sinh hoạt cho các vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước.

- Phòng, chống lũ, ngập lụt: hệ thống sông Hồng-Thái Bình, từng bước xem xét nâng mức bảo đảm chống lũ với tần suất 0,2% cho khu vực chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng lưu; trung tâm thành phố Hà Nội phía hữu ngạn sông Hồng đảm bảo chống lũ với tần suất 0,14%, vùng cửa sông chống lũ với tần suất 0,33%. Chống lũ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương với tần suất 1%.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thu Thảo - Phòng Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 21.791