Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Văn bản hợp nhất Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Ngày cập nhật 23/10/2023

Ngày 02/10/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BXD về việc hợp nhất Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Theo đó, Trình tự đầu tư xây dựng được quy định như sau:

1. Trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014, được quy định cụ thể như sau:

a) Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đê phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;

b) Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; vận hành, chạy thử; nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; bàn giao công trình đưa vào sử dụng và các công việc cần thiết khác;

c) Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc: Quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình, bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan và các công việc cần thiết khác.

2. Trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định này. Trình tự thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có cấu phần xây dựng (sau đây gọi là dự án PPP) thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đối với các dự án còn lại, tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của dự án, người quyết định đầu tư quyết định trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp đồng thời đối với các hạng mục công việc quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, phù hợp với các nội dung tại quyết định phê duyệt dự án.

3. Theo tính chất của dự án và điều kiện cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện tại giai đoạn chuẩn bị dự án hoặc thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai.

Phân loại dự án đầu tư xây dựng

Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, được quy định chi tiết nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này như sau:

1. Theo công năng phục vụ của dự án, tính chất chuyên ngành, mục đích quản lý của công trình thuộc dự án, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Phụ lục IX Nghị định này.

2. Theo nguồn vốn sử dụng, hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại gồm: dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP và dự án sử dụng vốn khác. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp gồm nhiều nguồn vốn nêu trên được phân loại để quản lý theo các quy định tại Nghị định này như sau:

a) Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có tham gia của vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP;

b) Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác: trường hợp có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác.

3. Trừ trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

b) Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất);

c) Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng

1. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải thuyết minh rõ các nội dung sau:

a) Sự phù hợp của dự án đầu tư đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt (nếu có);

b) Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở; tỷ lệ, số lượng các loại nhà ở (biệt thự, liền kề, căn hộ chung cư) và sự tương thích của số lượng các loại nhà ở với chỉ tiêu dân số được phê duyệt;

c) Diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;

d) Phương án kinh doanh các sản phẩm nhà ở và các sản phẩm khác của dự án;

đ) Sự phù hợp với định hướng phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị được phê duyệt (nếu có); kế hoạch xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật trước khi khai thác nhà ở (nếu có), công trình hạ tầng xã hội và các công trình khác trong dự án; kế hoạch và danh mục các khu vực hoặc công trình và dịch vụ công ích sẽ bàn giao trong trường hợp có bàn giao cho Nhà nước;

e) Phương án phân kỳ đầu tư để đảm bảo yêu cầu đồng bộ đối với các dự án gồm nhiều công trình xây dựng triển khai theo thời gian dài có yêu cầu phân kỳ đầu tư;

g) Đối với khu đô thị không có nhà ở thì không yêu cầu thực hiện các quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản này.

3. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện đối với toàn bộ dự án hoặc từng dự án thành phần, từng giai đoạn thực hiện của dự án (đối với một hoặc một số công trình thuộc dự án) khi dự án có phân kỳ đầu tư nhưng phải bảo đảm phù hợp với quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp; Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án thành phần hoặc theo giai đoạn phải thể hiện được các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, bảo đảm yêu cầu đồng bộ của toàn dự án.

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư

1. Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Hội đồng thẩm định hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tổng hợp kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Nghị định này, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án.

3. Đối với các dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người quyết định đầu tư giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án khi không có cơ quan chuyên môn trực thuộc làm cơ quan chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Người quyết định đầu tư được giao cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ quan chủ trì thẩm định trong trường hợp có cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc.

4. Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, trình hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều này để tổ chức thẩm định. Kết quả thực hiện thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tham khảo theo Mẫu số 02a Phụ lục I Nghị định này. Quyết định phê duyệt dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thực hiện theo Mẫu số 03a Phụ lục I Nghị định này.

5. Theo yêu cầu riêng của từng dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải thực hiện các thủ tục, yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan ở giai đoạn chuẩn bị dự án, trình cơ quan chủ trì thẩm định làm cơ sở xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm:

a) Văn bản thoả thuận cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, đấu nối giao thông, các văn bản thỏa thuận về kết nối hạ tầng khác (nếu có);

b) Văn bản chấp thuận độ cao công trình theo quy định của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam (nếu có);

c) Kết quả thẩm định đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

d) Văn bản thẩm duyệt hoặc ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

đ) Kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

e) Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng;

g) Kết quả thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung theo quy định tại Điều 57 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, trong đó một số nội dung được quy định cụ thể như sau:

a) Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu của pháp luật có liên quan theo quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Đối với dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc có ảnh hưởng xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ, cơ quan chủ trì thẩm định gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, Điều 16 và Điều 17 Nghị định này;

c) Việc xác định tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

7. Cơ quan chủ trì thẩm định tổng hợp kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; ý kiến của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan (nếu có), trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.

Xem chi tiết Nghị đinh tại đây.

Vĩnh Phú - Ban QLDA
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 17.660