1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh việc đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
2. Mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, có ít nhất 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng.
Chỉ tiêu xuất khẩu lao động theo từng năm cụ thể:
Năm 2017: 330 người
Năm 2018: 500 người
Năm 2019: 770 người
Năm 2020: 1.000 người
3. Đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng
Đối tượng điều chỉnh:
Tất cả người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp của nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.
Phạm vi áp dụng:
Thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2017 đến năm 2020.
4. Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
4.1.Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài
-Đối tượng và các nội dung hỗ trợ
Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 16, Mục 4 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú ở địa bàn không thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; thân nhân của người có công với cách mạng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Trường hợp người lao động đồng thời thuộc hai hay nhiều đối tượng được hỗ trợ, hoặc các huyện, thành phố, thị xã có mức hỗ trợ cao hơn thì được lựa chọn áp dụng theo mức có lợi nhất cho người lao động và chỉ được hưởng một lần các khoản hỗ trợ.
Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất được bố trí từ nguồn kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cơ quan thực hiện hỗ trợ:
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành, tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc hỗ trợ cho người lao động theo quy định.
4.2 Hỗ trợ vay vốn
-Đối tượng được hỗ trợ vay vốn:
Người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đăng ký đi xuất khẩu lao động nếu có nhu cầu được vay vốn tín chấp với mức vay tối đa 50 triệu đồng/người theo lãi suất cho vay hộ nghèo do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ từ nguồn vốn uỷ thác của ngân sách các cấp chính quyền địa phương cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.
Riêng các đối tượng: người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi xuất khẩu lao động theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng dự toán kinh phí của ngân sách cấp mình uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đi lao động nước ngoài theo hợp đồng để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định tại kỳ họp thường kỳ cuối năm của Hội đồng nhân dân.
- Quy trình, thủ tục, thời gian vay vốn:
Thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội và hướng dẫn tại mục 3 Chương V Nghị định số 61/2015/NĐ-CP 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
4.3.Chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với người bị thiệt hại do sự cố môi trường biển
Thực hiện theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành từ nguồn kinh phí bồi thường do sự cố môi trường biển.
4.4.Xử lý rủi ro khi tham gia lao động ở nước ngoài theo hợp đồng
Đối với những lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.