Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 08/04/2022

Ngày 31 tháng 3 năm 2022, Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch số 1090/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thị xã, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Triển khai có hiệu quả Kết luận số 76/KL-TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hương Trà lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn thị xã.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Yêu cầu:

Các hoạt động triển khai phải đảm bảo hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện; đảm bảo bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chiến lược; gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn thị xã trong từng giai đoạn.

II. NHỮNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Cùng với cả nước xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...  Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Thư viện; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

- Đầu tư tu bổ, tôn tạo 2-3 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị trên địa bàn đang bị xuống cấp góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phấn đấu ít nhất 85% đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

- Phấn đấu hàng năm có từ 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 95% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

- Phấn đấu tin học hóa 100% thực hiện hoạt động văn hóa trong đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa.

- Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách hằng năm.

2. Nhiệm vụ và giải pháp:

a) Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa:

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thị xã về vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; văn hóa thực sự đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên hệ thống cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh và của thị xã. Tăng cường, đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị văn hóa, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

- Phát huy những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.

- Chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên.

b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa:

- Rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho lĩnh vực văn hóa của thị xã phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị để thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã.

- Ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thị xã nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng, đồng thời phát triển sâu rộng hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương.

c) Xây dựng con người phát triển toàn diện:

- Chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn thị xã, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, thích ứng với tác động của thiên tai, dịch bệnh…, nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội.

- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Đẩy mạnh truyền thông thực hiện phong trào “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, khuyến khích phát triển hệ thống thư viện từ thị xã đến xã, phường nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao dân trí. Nâng cao chất lượng thể thao cơ sở, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Duy trì và phát triển các câu lạc bộ, điểm nhóm tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe trong nhân dân.

- Tăng cường giáo dục, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện truyền thông.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt, kịp thời phê phán những hành vi sai trái, tiêu cực; khen thưởng và xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định.

d) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế:

- Tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Phát huy tốt vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt để lan tỏa trong cộng đồng.

- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Nêu cao vai trò, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng trong việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức, thực sự là tấm gương sáng, là hạt nhân trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

- Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có. Khuyến khích đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô, giá trị nghệ thuật cao, gắn với việc bảo tồn, bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, yêu cầu hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới với những phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.    

đ) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa:

- Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chủ động tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy năng lực sáng tạo. Đổi mới các hoạt động văn hóa phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và biến đổi xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh... Huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các nguồn lực, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa.

- Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới của đất nước, của tỉnh và của thị xã.

- Xây dựng, tổ chức hoạt động có hiệu quả các phong trào, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ tại địa phương; định kỳ tham gia Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phát triển, giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Tiếp tục đầu tư xây dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các xã miền núi.

- Ngăn chặn, xử lý những hoạt động sáng tác, truyền bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.

- Tăng cường xã hội hóa, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở ngoài công lập.

e) Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc:

- Phối hợp thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa, bảo quản, tu bổ các di tích được phân cấp quản lý trên địa bàn nhằm phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.

- Tập trung Huy động các nguồn lực xã hội hóa chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn gắn với phát triển du lịch bền vững. Phục dựng các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán độc đáo của các địa phương; xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống nhằm phát duy giá trị các di sản văn hóa.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản văn hóa.

g) Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác phát huy văn hóa, di sản phát triển du lịch:

- Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Du lịch văn hóa, quảng cáo… và các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

- Khuyến khích hình thành các quỹ quy mô vừa và nhỏ trong hoạt động sáng tạo công nghiệp văn hóa. Nâng cao ý thức thực thi pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

- Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, một số sản phẩm văn hóa có tiềm năng như: lễ hội, nhiếp ảnh, nghề may đo Áo dài truyền thống Huế, dịch vụ văn hóa phát triển du lịch...

- Triển khai thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”; “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “Phát huy và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc”.

h) Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa:

- Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 312/CTr-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch của thị xã đến các hội chợ trong tỉnh, khu vực, trong nước, quốc tế…

i) Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật: Quan tâm phát triển nguồn nhân lực văn hoá, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Có chế độ đãi ngộ để thu hút nhân lực làm việc trong các thiết chế văn hóa như: Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao, thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở.

k) Đẩy mạnh công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

- Nâng cao năng lực cơ bản cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa nghệ thuật các cấp, phục vụ nhiệm vụ quy hoạch định hướng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển của tỉnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền công bố trong nước và quốc tế các công trình khoa học về văn hóa, nghệ thuật.

- Tạo điều kiện, khuyến khích nghiên cứu khoa học về văn học, nghệ thuật.

- Thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

l) Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa:

- Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa đầu tư cho văn hóa. Tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao công lập. Thành lập và phát huy vai trò của các Câu lạc bộ văn hóa, thể thao, du lịch. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn thị xã.

- Quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tôn tạo các di tích cấp quốc gia cấp tỉnh trên địa bàn trực tiếp quản lý; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Trực tiếp tham mưu tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các lĩnh vực văn hóa; tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được Ủy ban nhân dân thị xã giao nhiệm vụ.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã, Sở Văn hóa và Thể thao theo quy định.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã

Chủ trì tham mưu triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, chương trình giáo dục địa phương. Phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc, Liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hàng năm và các hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội... của các địa phương, thúc đẩy phong trào đọc sách nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

3. Phòng Nội vụ thị xã

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã triển khai, hướng dẫn về văn hóa công vụ, văn hóa ứng xử trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã

Chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin và các cơ quan, ban ngành liên quan cân đối, tham mưu bố trí nguồn vốn đầu tư các chương trình văn hoá theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.

5. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã

Tuyên truyền các nội dung tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh, của thị xã về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên hệ thống truyền thanh từ thị xã đến cơ sở.

6. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thị xã

Tham gia tổ chức triển khai Chiến lược; thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về vị trí, vai trò, đóng góp, “sức mạnh mềm” của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

7. Ủy ban nhân dân các xã, phường

Cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này đảm bảo phù hợp với nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tập tin đính kèm:
Mỹ Lệ - phòng VHTT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 16.172