Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
KẾ HOẠCH Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thị xã năm 2023
Ngày cập nhật 29/03/2023

Thực hiện Công văn số 216/LĐTBXH-TTr ngày 9/01/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Công văn số 669/UBND-VH ngày 31/01/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em kịp thời, hiệu quả, Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thị xã năm 2023 với những nội dung sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Kiểm tra tình hình triển khai thực hiện của các địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức của các cấp, các ngành về chính sách, pháp luật về trẻ em.

- Đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, hoạt động phối hợp liên ngành triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

- Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện để đề xuất các giải pháp khắc phục.

2. Yêu cầu

- Công tác kiểm tra, giám sát phải bám sát mục tiêu thực hiện các quyền của trẻ em theo Công ước quốc tế về trẻ em và Luật Trẻ em.

- Hoạt động giám sát, đánh giá phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Công tác giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.

II. Nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, giám sát

1. Nội dung kiểm tra, giám sát

a. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em

- Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành

- Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án

b. Công tác đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em

- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng

- Việc bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em

- Việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn

- Trách nhiệm của UBND các xã, phường trong việc đảm bảo quyền của trẻ em

- Công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo

c. Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

- Công tác quản lý, tiếp nhận, xử lý thông tin, xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

- Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ

- Kinh phí hoạt động

2. Đối tượng: các xã, phường trên địa bàn thị xã Hương Trà.

3. Thời gian kiểm tra, giám sát

- Các xã, phường tổ chức tự kiểm tra, giám sát: Từ ngày 10/03/2023 đến ngày 31/03/2023.

- Cấp thị xã tổ chức kiểm tra, giám sát: Từ ngày 01/04/2023 đến ngày 31/12/2023.

III. Tổ chức thực hiện

1. Phòng Lao động - TB và XH thị xã

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch này.

Đảm bảo chế độ, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, hỗ trợ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do COVID-19.

Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát gửi Ủy ban nhân dân thị xã và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chương trình về giáo dục.

Chỉ đạo các trường học tuyên truyền về quyền, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm công dân, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục của cấp học, bậc học phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em.

Giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho học sinh.

Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai và thực hiện các nội dung theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2018 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

3. Phòng Văn hóa và Thông tin

Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được tiếp cận môi trường văn hóa lành mạnh..

Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc xuất bản các sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp với trẻ em, có các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

4. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm xâm hại và xâm hại tình dục trẻ em, từng bước giảm dần, tiến tới làm giảm cơ bản loại tội phạm này trong khu vực nhà trường và tại cộng đồng khu dân cư ở địa bàn trọng điểm, góp phần làm giảm tội phạm hình sự nói chung, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

5. Công an thị xã

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại trẻ em; can thiệp khẩn cấp nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại và bạo lực đối với trẻ em theo Kế hoạch số 411/KH-CAT-PC02 ngày 22/01/2021 đã đề ra.

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhằm tạo môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho trẻ em, kịp thời phát hiện trẻ em lao động trái quy định, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.

Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tiếp nhận, xử lý những thông tin liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

6. Uỷ ban nhân dân các xã, phường

Căn cứ nội dung của Kế hoạch này, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tự kiểm tra, giám sát trên địa bàn.

Thực hiện các chế độ, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật nhà nước.

Xây dựng các biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đảm bảo thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. 

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, nhân dân tham gia tích cực công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa bàn.

IV. Chế độ báo cáo

Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em từ năm 2021 đến thời điểm báo cáo (theo đề cương báo cáo và các phụ lục đính kèm) gửi Ủy ban nhân dân thị xã (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã) trước ngày 31/03/2023 để tổng hợp.

Tập tin đính kèm:
Ngọc Bích - Phòng LĐTB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 8.743