Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

KẾ HOẠCH Thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương trên địa bàn thị xã Hương Trà năm 2023
Ngày cập nhật 10/03/2023

Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân thị xã ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn thị xã Hương Trà năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

a) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng, giảm nguy cơ bị mua bán và tăng cường kỹ năng phòng, tránh mua bán người;

b) Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững.

2. Chỉ tiêu

a) 100% các xã, phường triển khai kế hoạch, đảm bảo yêu cầu về nội dung và đạt được các chỉ tiêu đề ra.

b) 100% trường hợp sau khi được xác định là nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của nạn nhân, giúp nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, phòng tránh bị mua bán trở lại.

c) 100% cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn và các kỹ năng liên quan.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của chính quyền các cơ quan, đơn vị, người dân, nhất là người có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về

a) Đẩy mạnh truyền thông về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về như: âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người vì mục đích thương mại; chính sách, pháp luật, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về; các mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông; triển khai Kế hoạch đến các thôn, bản, tổ dân phố; được chuyển hóa thành tài liệu tuyên truyền, hàng tháng ít nhất một lần được phát trên các hệ thống loa phát thanh; chú trọng truyền thông trực tiếp tại những địa điểm khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra hoạt động mua bán người, nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm; chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.

b) Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) hàng năm.

c) Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên không gian mạng Internet thông qua cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

2. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong các giải pháp tạo việc làm tại địa phương để hạn chế việc đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài

Thực hiện hiệu quả Quy chế số 3586/QCPH-SLĐTBXH-CAT-BĐBP-SNgV ngày 8/12/2022 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Ngoại vụ về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn thị xã Hương Trà.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trơ nạn nhân

Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp.

4. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm; phòng chống tệ nạn xã hội; trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác

a) Lồng ghép truyền thông phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân với các hoạt động truyền thông phòng, chống tội phạm; phòng chống tệ nạn xã hội.

b) Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho những nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

c) Hỗ trợ, cung cấp kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em đối với trẻ em bị mua bán.

d) Tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán vay vốn từ các chương trình cho vay của ngân hàng chính sách xã hội và các chương trình vay vốn khác tại địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

đ) Tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân về di cư lao động hợp pháp, an toàn và hiệu quả; tập huấn cho cán bộ địa phương trong việc hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống lừa đảo việc làm trong nước và ngoài nước, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xác minh, điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không có chức năng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân; thống kê số liệu về hỗ trợ nạn nhân

a) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm minh các hoạt động môi giới, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

b) Thực hiện công tác rà soát, thống kê số liệu nạn nhân bị mua bán trở về, chú ý phân tích số liệu thống kê các nhóm: giới tính, độ tuổi, mục đích bị mua bán, các chế độ, chính sách đã được nhận… để kịp thời hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

6. Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân

Thực hiện công tác tiếp nhận, thông tin, thông báo tố giác về mua bán người tới tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; xử lý thông tin, tư vấn, chuyển tuyến các nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán.

7. Tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

a) Tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin; tham gia các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; chủ động trao đổi thông tin về chủ trương, chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng.

b) Huy động và thực hiện có hiệu quả sự tham gia, đóng góp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp; nguồn lực tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị, các địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước; lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình khác của thị xã. Huy động các nguồn lực xã hội; hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch. Phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các quy định hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán; hỗ trợ các địa phương  xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng.

- Phối hợp tổ chức tập huấn lập hồ sơ quản lý, kỹ năng tiếp cận, tư vấn can thiệp tâm lý đối với nạn nhân bị mua bán cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại các địa phương có nguy cơ cao, có nạn nhân bị mua bán trở về. Tổ chức kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thị xã; kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn thị xã; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

2. Công an thị xã

- Thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

3. Phòng Tư pháp

Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ về pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, hướng dẫn cách thức đăng ký các loại giấy tờ bị mất; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người không còn phù hợp, bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Trung tâm Y tế thị xã

Phối hợp với các cơ sở y tế địa phương hỗ trợ việc khám, chữa bệnh ban đầu tại điểm tiếp nhận và cung cấp các dịch vụ y tế cho nạn nhân bị mua bán trở về.

5. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Căn cứ vào dự toán kinh phí thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thị xã trình Hội đồng nhân dân thị xã phân bổ để đơn vị thực hiện. Hướng dẫn công tác thanh quyết toán tài chính hàng năm.

6. Phòng Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn các trường học và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tạo điều kiện thuận lợi để học sinh là nạn nhân học văn hóa, học nghề để hòa nhập cộng đồng.

7. Các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ kế hoạch để xây dựng, lồng ghép các giải pháp phù hợp vào kế hoạch đơn vị.

8. Đề nghị y ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã và các tổ chức thành viên

- Tham gia giám sát thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư trong việc phòng, chống mua bán người.

- Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã: Xây dựng kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại địa phương nơi nạn nhân cư trú; tổ chức cho chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt hội; giúp đỡ cho vay vốn tín chấp từ các nguồn vốn sẵn có ở địa phương, đặc biệt là từ nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng.

9. y ban nhân dân các xã, phường

- Trên cơ sở nội dung tại Kế hoạch này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người vào các chương trình an sinh xã hội của địa phương như kế hoạch giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất giúp cho nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong hệ thống chính trị của địa phương về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức phù hợp góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm trong nhân dân trên địa bàn; bố trí nguồn kinh phí đảm bảo chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và nội dung Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các xã, phường, các cơ quan, ban ngành có liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương trước ngày 28/02/2023; báo cáo kết quả thực hiện gửi Ủy ban nhân dân thị xã (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp.

 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Văn phòng HĐND&UBND thị xã chịu trách nhiệm đôn đốc, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã về tình hình, triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã) để có hướng dẫn cụ thể.

Tập tin đính kèm:
Ngọc Bích- Phòng LĐTB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 8.975