Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Tham nhũng vặt – Niềm tin bị đánh cắp!
Ngày cập nhật 28/09/2021

Tham nhũng “vặt” là vấn nạn của đất nước, đã và đang “gặm nhấm”, làm suy đồi đạo đức xã hội, mục ruỗng thể chế chính trị. Nhận diện, chỉ rõ thực trạng, hệ lụy, nguyên nhân và đề ra giải pháp để từng bước triệt tiêu vấn nạn này là yêu cầu cấp thiết của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trước hết là của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp.

 

Hằng ngày, người dân ở mỗi vùng, miền, với nhu cầu công việc bản thân, đều có những việc cần thực hiện thông qua giao tiếp với bộ máy chính quyền các cấp, với đội ngũ công chức, viên chức - những người trực tiếp hướng dẫn, giải quyết công việc của nhân dân. Những nhũng nhiễu do một bộ phận này gây ra cho người dân, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “tham nhũng vặt” (trong Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng).

 “Tham nhũng vặt” khi trở thành cách ứng xử với nhân dân của những người đảm nhận cương vị trong bộ máy chính quyền các cấp, đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của công chức, viên chức trên mỗi cương vị. Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, đạo đức của Đảng nói chung, bởi đội ngũ công chức, viên chức chính là đối tượng phát triển đảng của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan chính quyền.

Vì vậy, “Tham nhũng vặt” tồn tại ở cấp cơ sở, nếu xét dưới góc độ lãnh thổ hành chính; ở các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị (chủ yếu trong các cơ quan hành chính) cấp quận, huyện, tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ với công dân. Nó biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý “bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu, các khoản phạt trái quy định pháp luật… Hình thức này không những có lỗi “tham nhũng vặt”, mà bước đầu đã hình thành “nhóm lợi ích” lợi dụng quyền hạn để mưu lợi trái pháp luật.

Theo đó, UBND thị xã Hương Trà thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, chú trọng việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị có cán bộ, nhân viên sai phạm, có hành vi “tham nhũng vặt”, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, chủ động rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, “tham nhũng vặt” và có giải pháp phòng, chống phù hợp.

Mặt khác, đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt”; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, thanh tra chuyên ngành đối với các ngành, lĩnh vực thường xuyên có dư luận về tiêu cực “tham nhũng vặt” như: Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Công tác cập nhật biến động, chuyển mục đích, cấp giấy chứng nhận về đất đai, nhà ở. Hoạt động cấp phép, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị,… phát hiện, xử lý nghiêm và công khai một số vụ việc “tham nhũng vặt” điển hình.

Đồng thời, rà soát, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng để quá hạn, từ chối hoặc trì hoãn giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định pháp luật; kịp thời điều chuyển, thay thế ngay các cán bộ, công chức, viên chức thuộc mình quản lý cố tình hoặc thường xuyên vi phạm thời hạn giải quyết công việc, không đủ phẩm chất, uy tín giảm sút, có nhiều yếu kém về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng.

Nguyên nhân cụ thể đó là:

Hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật về kinh tế của chúng ta còn thiếu và chưa đồng bộ; không ít văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thể áp dụng bởi chưa có văn bản hướng dẫn; văn bản pháp luật chung chung, thiếu cụ thể, mỗi nơi áp dụng một kiểu. Thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn kém, bất hợp lý đang là “kẽ hở” để những người thoái hóa biến chất lợi dụng tham nhũng, lãng phí.

Việc kiểm tra, giám sát từ bên trong bộ máy nhà nước để phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu, chưa phát huy tác dụng; chế tài xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ, rõ ràng, còn nhiều sơ hở. 

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý kinh tế còn yếu về nghiệp vụ, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức.

Cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách mặc dù đã được quy định khá chi tiết trong nhiều văn bản pháp quy, đặc biệt là Quy chế dân chủ ở cơ sở, ở cơ quan xí nghiệp, đơn vị, xã, phường, thị trấn vẫn cần tiếp tục hoàn thiện bởi vì chế tài vẫn chưa rõ, rất khó quy trách nhiệm và xử phạt khi sai phạm xảy ra.

Chính vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên trong các cấp ủy, các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”. Đại hội chỉ rõ: “các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng chống tham nhũng... phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng... ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.

Một là, chỉ đạo xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Cần kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, của ủy ban kiểm tra cấp ủy, thanh tra các cấp. Cần đưa trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ này vào đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Hai là, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, quản lý. Chú trọng khắc phục việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đánh giá và thay thế kịp thời những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, cũng như thực hiện “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” để ngăn chặn ngay từ đầu một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn “tham nhũng vặt”.

Ba là, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng. 

Bốn là, Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, nhất là cấp cơ sở; nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Năm là, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí với kiên quyết đấu tranh với tệ nạn bè cánh, ô dù, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sáu là, chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng làm tốt công tác nắm tình hình nhất là những lĩnh vực, vị trí thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, dễ có điều kiện phát sinh tham nhũng vặt; xử lý tốt tin báo, tố giác tội phạm, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm phát hiện, ngăn ngừa những hành vi tham nhũng.

Bảy là, hằng năm chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ở nước ta hiện nay, công cuộc PCTN đang ngày càng quyết liệt và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng liên quan đến nhiều quan chức các cấp, trong đó có cả đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm tăng niềm tin của nhân dân ta với Đảng … Nhân dân hài lòng với công cuộc “đốt lò” phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Văn Thu Thảo-Phòng TP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.275.161
Truy câp hiện tại 1.000