Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2012, theo đó, đối tượng được hưởng là công chức, viên chức; người lao động; học sinh, sinh viên thực tập hay học nghề, tập nghề (gọi chung là người lao động) làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả người làm công tác cơ yếu; trừ người lao động làm việc trong các ngành, nghề được hưởng chế độ ăn định lượng ban hành kèm theo Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước và Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg, ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg.
Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau: làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành; đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh.
Theo Thông tư, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất và có giá trị bằng tiền tương ứng với 4 mức sau: mức 1 là 10.000 đồng, mức 2 là 15.000 đồng, mức 3 là 20.000 đồng, mức 4 là 25.000 đồng.
Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca hoặc ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện và vệ sinh. Không được trả bằng tiền; không được đưa vào đơn giá tiền lương.
Người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại từ 50% thời gian tiêu chuẩn trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trong trường hợp phải làm thêm giờ, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm.
Như Hải