Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2012
Ngày cập nhật 30/08/2012

Những văn bản có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2012 với các nội dung:  Mua BHYT cho người có công với cách mạng từ 01/01/2013; Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho DN sử dụng trên 300 lao động; Áp thuế suất thuế TNDN 10% đối với DN có thu nhập từ hoạt động xuất bản; Hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng nâng cấp cơ sở chăm sóc người tâm thần ; Thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 25%; KBNN không chịu trách nhiệm về số lượng tài sản gửi còn niêm phong; Hướng dẫn đánh giá điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở chế biến điều; HĐQT công ty đại chúng tối thiểu phải có 1/3 là thành viên độc lập; Trứng gia cầm bày bán phải có chứng nhận kiểm dịch; Ban hành danh mục thủy sản phải kiểm dịch; Bổ sung 224 loại phân bón được kinh doanh tại Việt Nam; Áp thuế nhập khẩu ưu đãi 10% đối với xe thiết kế chở tiền; Miễn 2 năm thuế TNDN đối với Tổ chức tài chính Tình Thương; Từ 01/09, miễn thuế xuất khẩu dừa ; Bảo hiểm xã hội được sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư; Từ 01/09, cấm nhập khẩu micro đã qua sử dụng; UBND hỗ trợ kinh phí hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp; Địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ việc làm cho thanh niên, cụ thể như sau:

Mua BHYT cho người có công với cách mạng từ 01/01/2013

Ngày 16/07/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong đó, đáng chú ý là quy định Nhà nước mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) và khám, chữa bệnh theo chế độ quy định của pháp luật về BHYT cho các trường hợp: Người có công với cách mạng và thân nhân của họ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người phục vụ bà mẹ Việt Nam Anh hùng; người phục vụ thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng bổ sung thêm một số chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng như: Trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân của 02 liệt sĩ trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh và tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề đối với con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; điều dưỡng phục hồi sức khỏe 02 năm/lần đối với bệnh binh. Trường hợp bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm.

Riêng đối với người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì tiếp tục hưởng chế độ cho đến ngày 31/12/2012 và được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% kể từ ngày 01/01/2013.

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 02/07/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2012.

Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho DN sử dụng trên 300 lao động

Ngày 30/07/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị định số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2012 là DN có tổng số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm 2012 trên 300 người trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 03 tháng; DN nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Trường hợp DN nhỏ và vừa có hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực thì số thuế TNDN được giảm không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ hoạt động kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng theo Nghị định này, trong cùng 01 thời gian, nếu DN được hưởng các mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng 01 khoản thu nhập thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất. Trường hợp DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật thì số thuế TNDN được giảm theo quy định tại Nghị định này được tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế TNDN đang được hưởng ưu đãi.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/09/2012.

Áp thuế suất thuế TNDN 10% đối với DN có thu nhập từ hoạt động xuất bản

Ngày 27/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 123/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) có phát sinh thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động kể từ kỳ tính thuế năm 2012. Đồng thời, Thông tư cũng cho phép các DN đang hoạt động có áp dụng mức thuế suất cao hơn mức thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động xuất bản kể từ kỳ tính thuế năm 2012.

Cũng theo Thông tư này, các thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản của các DN được thành lập và cấp giấy phép đầu tư về hoạt động khai thác khoáng sản từ ngày 01/01/2009 sẽ không được áp dụng ưu đãi thuế TNDN. Trường hợp DN khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày 01/01/2009 đang hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế TNDN hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp thì tiếp tục được hưởng các mức ưu đãi này cho thời gian còn lại.

Việc giải quyết những tồn tại về thuế, quyết toán thuế, miễn thuế, giảm thuế và xử lý vi phạm pháp luật về thuế TNDN trước kỳ tính thuế năm 2012 thực hiện theo các quy định tương ứng hướng dẫn về thuế TNDN ban hành trước kỳ tính thuế năm 2012.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2012.

Hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng nâng cấp cơ sở chăm sóc người tâm thần

Ngày 18/07/2012, Liên bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, Liên bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương để nâng cấp, mở rộng, nâng công suất và mua sắm trang thiết bị chuyên môn cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Cụ thể, hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/cơ sở đối với Dự án nâng cấp, mở rộng công suất cơ sở từ 300 lên 500 người tâm thần; 02 tỷ đồng/ cơ sở đối với Dự án mua sắm trang thiết bị chuyên môn và hỗ trợ tối đa 05 tỷ đồng/ cơ sở đối với Dự án mua sắm thiết bị chuyên môn và đồ dùng ban đầu.

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế và đóng góp của gia đình người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần.

Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương, căn cứ nguồn kinh phí được phê duyệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát, dự kiến phân bổ ngân sách cho các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03/09/2012 và được áp dụng từ năm ngân sách 2012.

Thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 25%

Đây là một trong các tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015.

Ngoài việc có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo phải từ 25% trở lên và có ít nhất 02 trong 03 yếu tố sau: Trên 80% lao động chưa qua đào tạo nghề; Trên 50% số hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh; Trên 30% số hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thôn được công nhận là thôn đặc biệt khó khăn còn phải đáp ứng một số tiêu chí khác.

Cụ thể, thôn đặc biệt khó khăn phải chưa có đường giao thông từ thôn đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn; chưa đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo theo quy định hoặc chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn hay có trên 30% số hộ chưa có điện sinh hoạt và đáp ứng ít nhất 02 trong các điều kiện sau: Trên 20% số hộ thiếu đất sản xuất; Trên 50% diện tích đất canh tác có nhu cầu tưới tiêu, nhưng chưa được tưới tiêu; Dưới 10% số hộ làm nghề phi nông nghiệp hoặc chưa có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thôn, bản.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/09/2012.

KBNN không chịu trách nhiệm về số lượng tài sản gửi còn niêm phong

Ngày 27/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122/2012/TT-BTC quy định việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá do Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhận gửi và bảo quản.

Theo quy định tại Thông tư này, KBNN không chịu trách nhiệm về số lượng, trọng lượng, chất lượng tài sản trong gói còn nguyên niêm phong cũng như quyền sở hữu hợp pháp tài sản của cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi KBNN bảo quản.

Cũng theo Thông tư này, từ ngày 15/09, mức thu phí bảo quản tài sản sẽ được xác định theo 02 loại: Tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá. Cụ thể, mức thu phí đối với tài sản quý hiếm bằng 0,05%/giá trị tài sản/tháng, nhưng tối thiểu không dưới 100.000 đồng/túi (gói)/tháng, tối đa không quá 1.000.000 đồng/túi (gói)/tháng; mức thu phí đối với giấy tờ có giá bằng 0,04% mệnh giá ghi trên giấy tờ có giá/01 tháng nhưng tối thiểu không dưới 80.000 đồng/túi (gói)/tháng và tối đa không quá 500.000 đồng/túi (gói)/tháng.

Trong trường hợp không xác định được giá trị tài sản bảo quản, KBNN cùng khách hàng thỏa thuận, thống nhất mức phí hợp lý.

Phí bảo quản tài sản, bên gửi phải trả cho KBNN theo quy định tại hợp đồng bảo quản tài sản. Trường hợp gửi quá hạn hợp đồng, bên gửi phải chịu mức phí gửi quá hạn bằng 150% mức phí trong hạn cho số ngày quá hạn hợp đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2012 và thay thế các Thông tư số 80/1999/TT-BTC ngày 29/06/1999, Thông tư số 27/2000/TT-BTC ngày 06/04/2000.

Hướng dẫn đánh giá điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở chế biến điều

Ngày 27/07/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-BNNPTNT bổ sung Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/03/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.

Theo đó, các cơ sở chế biến điều được đánh giá và phân loại điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo 04 mức độ khác nhau: Đạt, lỗi nghiêm trọng, lỗi nặng và lỗi nhẹ, tương ứng với việc đáp ứng hoàn toàn các quy định; sai lệch so với quy chuẩn, gây ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm; sai lệch so với quy chuẩn, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, nhưng chưa tới mức nghiêm trọng và sai lệch so với quy chuẩn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc gây trở ngại cho việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.

Việc kiểm tra, đánh giá và phân loại này được thực hiện dựa trên các chỉ tiêu cụ thể như: Địa điểm xây dựng không bị ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm, không bị ngập nước, đọng nước khi trời mưa hoặc nước triều dâng cao; kết cấu nhà xưởng vững chắc, phù hợp với tính chất, quy mô sản xuất; mái nhà được lợp bằng vật liệu bền, chắc, không dột, đọng nước; vật liệu làm các kết cấu trong nhà xưởng có thể tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp với sản phẩm không được chứa hóa chất độc hại; thiết bị, dụng cụ phải đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp các yêu cầu chế biến của từng công đoạn...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2012.

HĐQT công ty đại chúng tối thiểu phải có 1/3 là thành viên độc lập

Đây là quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/07/2012 về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.

Nhằm đảm bảo sự cân đối trong cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của các công ty đại chúng quy mô lớn và công ty niêm yết, Bộ Tài chính yêu cầu HĐQT phải có tối thiểu 1/3 là thành viên độc lập. Trong đó, thành viên HĐQT độc lập là thành viên Hội đồng quản trị đáp ứng các điều kiện như: Không điều hành và không phải là người có liên quan với Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó Tổng giám đốc), kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được Hội đồng quản trị bổ nhiệm; không phải là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc) của các công ty con, công ty liên kết, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát; không phải là cổ đông lớn hoặc người đại diện của cổ đông lớn hoặc người có liên quan của cổ đông lớn của công ty…

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nhấn mạnh trách nhiệm trung thực và ngăn ngừa xung đột quyền lợi giữa các thành viên của HĐQT, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành và cán bộ quản lý khác trong các công ty đại chúng, cụ thể: Các thành viên phải công khai các lợi ích liên quan theo quy định pháp luật; không được phép sử dụng những cơ hội kinh doanh có thể mang lại lợi ích cho công ty vì mục đích cá nhân; không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hay để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác; thực hiện công bố thông tin về nghị quyết Đại hội đồng cổ động trong thời hạn 24 giờ trên trang thông tin điện tử của công ty và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/09/2012; thay thế Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/03/2007 và Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/03/2007.

Trứng gia cầm bày bán phải có chứng nhận kiểm dịch

Ngày 20/07/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Theo đó, trứng gia cầm thương phẩm được bày bán tại cơ sở bán lẻ phải được làm sạch, khử trùng, đóng gói, có nhãn mác theo đúng quy định khi bày bán; phải có nguồn gốc rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định và phải còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư này, cơ sở bán lẻ trứng gia cầm thương phẩm phải đáp ứng các điều kiện trứng bày bán, về khu vực bày bán và một số yêu cầu khác như: Có giá, kệ để bày bán trứng; không bày bán trứng dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp hoặc gần các nguồn nhiệt; thường xuyên làm sạch và khử trùng nơi bày bán trứng, dụng cụ chứa đựng trứng; bảo quản trứng ở nơi thoáng mát và người bán hàng phải có Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở thu gom, bảo quản, kinh doanh trứng gia cầm dùng làm thực phẩm có đăng ký kinh doanh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/09/2012.

Ban hành danh mục thủy sản phải kiểm dịch

Ngày 20/07/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 32/2012/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản; Danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch.

Danh mục thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch bao gồm các loại cá, giáp xác, thân mềm, lưỡng cư, bò sát, xoang tràng, da gai, hải mien, động vật có vú sống dưới nước và các loại thủy sản khác theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập như: Mực, bạch tuộc, ốc, trai, sứa, thủy tức, san hô, hải sâm, cầu gai…

Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành danh mục các sản phẩm thủy sản và các phương tiện, vật dụng có liên quan đến vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản phải kiểm dịch. Cụ thể như: Sản phẩm thủy sản ở dạng tươi sống, sơ chế, đông lạnh, ướp lạnh; thủy sản nhồi bông, bơm hơi; các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường xe lửa, đường sông, đường biển, đường hàng không; chất độn, chất thải trong quá trình vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/09/2012.

Bổ sung 224 loại phân bón được kinh doanh tại Việt Nam

Ngày 20/07/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 31/2012/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam bao gồm 224 loại phân bón, trong đó có 04 loại phân khoáng đơn, 01 loại phân đa yếu tố, 09 loại phân hữu cơ, 07 phân vi sinh vật, 28 phân hữu cơ vi sinh, 13 phân hữu cơ sinh học…

Ngoài ra, Thông tư cũng ban hành Danh mục 238 loại phân bón thay thế các loại phân bón đã có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại phân bón nêu trên khi có đủ các điều kiện quy địnhcủa pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/09/2012.

Áp thuế nhập khẩu ưu đãi 10% đối với xe thiết kế chở tiền

Ngày 20/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.

Theo quy định tại Thông tư này, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 10% đối với xe thiết kế chở tiền chính thức được áp dụng từ ngày 03/09/2012.

Xe thiết kế chở tiền được áp dụng mức thuế suất nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau: Có xác nhận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) về đảm bảo tiêu chuẩn xe thiết kế chở tiền do NHNNVN quy định; đối tượng sử dụng loại xe thiết kế chở tiền là NHNNVN và các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam …

Đối với các lô xe thiết kế chở tiền nhập khẩu từ ngày 01/08/2012 trở đi nếu đáp ứng các điều kiện về đối tượng sử dụng và có văn bản xác nhận của NHNNVN về đảm bảo đủ điều kiện là xe thiết kế chở tiền theo quy định của pháp luật thì thực hiện phân loại và tính thuế nhập khẩu theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/09/2012.

Miễn 2 năm thuế TNDN đối với Tổ chức tài chính Tình Thương

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 116/2012/TT-BTC ngày 18/07/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng thí điểm chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với Tổ chức tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 01 thành viên Tình Thương.

Cụ thể, Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH01 thành viên Tình Thương được miễn thuế TNDN trong 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với phần thu nhập có được từ việc thực hiện hoạt động tài chính vi mô. Thời gian miễn thuế, giảm thuế này được tính liên tục từ kỳ tính thuế năm 2012.

Hết thời gian miễn thuế, giảm thuế nêu trên, Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH01 thành viên Tình Thương sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 20% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập có được từ việc thực hiện hoạt động tài chính vi mô.

Chính sách ưu đãi thuế thí điểm đối với Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH 01 thành viên Tình Thương quy định tại Thông tư này được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2012 đến khi Luật Thuế TNDN, số 14/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2012.

Từ 01/09, miễn thuế xuất khẩu dừa

Ngày 18/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 114/2012/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dừa quả thuộc nhóm 0801 trong Biểu thuế xuất khẩu.

Theo quy định tại Thông tư này, thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dừa quả giảm xuống còn 0% từ ngày 01/09/2012 (giảm 3% so với quy định cũ). Việc miễn thuế xuất khẩu dừa quả nêu trên là nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa xuất khẩu trước tình hình giá dừa quả liên tục giảm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2012.

Bảo hiểm xã hội được sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư

Ngày 17/07/2012, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 113/2012/TT-BTC quy định chi tiết về hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) quản lý.

Theo quy định của Thông tư, nguồn vốn thực hiện hoạt động đầu tư tăng trưởng hàng năm của BHXHVN là toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm do BHXHVN quản lý. BHXHVN có trách nhiệm tập trung các khoản thu, cân đối thu, chi các quỹ bảo hiểm và xác định số tiền tạm thời nhàn rỗi để thực hiện hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm theo quy định.

Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể quy trình, thủ tục cho vay đối với ngân sách Nhà nước (NSNN), các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, đối với khoản vay của NSNN, thời hạn cho vay do BHXHVN và Bộ Tài chính thỏa thuận nhưng tối đa không quá 10 năm; lãi suất cho vay bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn phát hành tại thời điểm cho vay; định kỳ 05 năm 01 lần, các bên xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay cho phù hợp. Thời hạn cho vay đối với các ngân hàng tối đa không quá 05 năm và chỉ được gia hạn 01 lần với thời hạn tối đa không quá 06 tháng (nếu có); lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lãi suất huy động bình quân cùng kỳ hạn của 04 sở giao dịch hoặc chi nhánh trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc 04 ngân hàng thương mại Nhà nước tương ứng.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể đối với các hình thức đầu tư khác như đầu tư theo hình thức mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của ngân hàng thương mại Nhà nước; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, dự án có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2012.

Từ 01/09, cấm nhập khẩu micro đã qua sử dụng

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BTTTT ngày 17/07/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định từ ngày 01/09/2012, cấm nhập khẩu một số sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng như: Micro và giá đỡ micro; loa đã hoặc chưa lắp ráp vào trong vỏ loa; thiết bị điện khuyếch đại âm tần; bộ tăng âm điện; ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến; máy thu dùng cho phát thanh sóng vô tuyến; đèn điện tử…

Quy định nêu trên không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu để làm dịch vụ sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới và tái xuất khẩu sản phẩm sau quá trình sản xuất; nhập khẩu để làm phương tiện sản xuất trực tiếp hoặc làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu - phát triển; tái nhập khẩu sau khi đưa ra nước ngoài để bảo hành, bảo trì hoặc sửa chữa, làm mới; nhập khẩu phục vụ các mục đích đặc biệt khác…

Thông tư này thay thế Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2012.

UBND hỗ trợ kinh phí hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/07/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp như hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ Hội, tổ chức sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ phụ nữ giải quyết những vẫn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước, UBND các cấp còn phải thực hiện một số trách nhiệm khác.

Cụ thể, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tổ chức các cuộc họp để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách…

Nghị định này thay thế Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 07/03/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/09/2012.

Địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ việc làm cho thanh niên

Ngày 06/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 101/2009/TT-BTC ngày 20/05/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các dư án, chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”.

Theo đó, kinh phí triển khai dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp; Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”; “Chương trình giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên” tại địa phương sẽ do ngân sách địa phương thực hiện. Đối với các nội dung dự án, chương trình do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh thực hiện, kinh phí thực hiện sẽ do ngân sách Trung ương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cấp qua Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các nguồn huy động khác.

Về việc lập dự toán ngân sách đối với việc thực hiện các dự án vẫn theo quy định cũ. Riêng đối với kinh phí thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên kiểu mẫu của Đoàn thanh niên”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập dự toán kinh phí thực hiện dự án gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản Chương trinh để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng, Quốc hội phê duyệt theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2012.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.288.287
Truy câp hiện tại 10.505