1- Quy định về việc treo Quốc kỳ như sau:
- Hình Quốc kỳ : “...Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh...”
- ... Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau...”
- Cách treo: Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định. Không được treo Quốc kỳ rách, vá, bạc màu hoặc có nhiều đường xếp nếp, không để ngược ngôi sao.
- Thời gian treo:
+ “…Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.
+ Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của trung ương và chính quyền địa phương
+ Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức míttinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng
+ Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơii trang trọng trước cửa cơ quan,
+ Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Cột cờ Hà Nội, trụ sở UBND các cấp (trừ UBND phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày.
+ Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày
+ Tất cả các cơ quan và đơn vị nói trên, đặc biệt là các cơ quan đối ngoại, khi có khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng trở lên đến thăm chính thức phải treo cờ quốc gia của khách cùng với Quốc kỳ…”
- Treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác:
+ Treo cờ nhiều nước và hàng cờ theo hàng ngang, vị trí cho cờ đầu tiên, nếu đứng từ ngoài nhìn vào hàng cờ, có thể sắp xếp như sau: bắt đầu từ bên trái sang hoặc bắt đầu từ giữa trở ra hai bên, theo thứ tự bên trái, bên phải (Đây là cách thông thường trong lễ tân ngoại giao treo cờ nhiều nước cùng cờ của nước chủ nhà, cờ nước chủ nhà thường nằm ở vị trí trung tâm).
+ Treo Quốc kỳ của nước ta với Quốc kỳ của nước khác: các cờ phải làm đúng kiểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp.
- Dùng Quốc kỳ về việc tang:
+ “…Khi có quốc tang thì đính vào phía trên Quốc kỳ một dải vải đen, dài bằng chiều dài Quốc kỳ, rộng bằng 1 phần 10 chiều rộng Quốc kỳ.
+ Quốc kỳ để phủ lên linh cữu những người chết được Chính phủ quyết định làm lễ quốc tang. Những trường hợp khác được phủ Quốc kỳ lên linh cữu những người chết sẽ được quy định riêng…”
2. Quy định về những nơi treo, rước và dùng Quốc huy trên các giấy tờ: “…Treo Quốc huy tại các cơ quan hành chính nhà nước, rước Quốc huy, hình Quốc huy in hoặc đóng bằng dấu nổi trên: Bằng huân chương, Bằng khen, Hộ chiếu…”.
3. Quy định về việc treo ảnh, chân dung lãnh tụ như sau: Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao.
4. Quy định về việc sử dụng Quốc ca, Quốc thiều:
- Quốc ca nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bao gồm cả nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”. Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và quốc tế…
- Quốc thiều là nhạc của bài “Tiến quân ca” (Quốc ca). Quốc thiều được sử dụng trong các buổi lễ thượng cờ, lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các nghi lễ cấp Nhà nước…
Các địa phương khi thực hiện cần tra cứu đầy đủ hướng dẫn số 3420/HĐ-BVHTTDL ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Phan Thị Hoa