Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những văn bản có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013
Ngày cập nhật 10/01/2013

Những văn bản có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013:Từ 01/01/2013, tăng lương tối thiểu vùng thêm 250.000 đồng/tháng; Quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có thời hạn 5 năm; Hỗ trợ đến 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa; Hiệu trưởng trường tiểu học phải có ít nhất 04 năm dạy học; Nâng thời hạn đăng ký thất nghiệp lên 03 tháng từ ngày mất việc; Bồi dưỡng 1% lương tối thiểu/tiết giảng thực hành cho giáo viên trường công lập; Bổ sung đối tượng được tuyển thẳng vào đại học; Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp;Trẻ sinh tại nhà vẫn được cấp Giấy chứng sinh; Tăng mức chi hỗ trợ thành lập hợp tác xã; Tăng 1 triệu mức chi hỗ trợ may trang phục cho cán bộ; Bổ sung trường hợp tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;  không được duy trì trạng thái vàng âm; Thêm trường hợp được vay ngoại tệ......

Từ 01/01/2013, tăng lương tối thiểu vùng thêm 250.000 đồng/tháng

Ngày 04/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Theo đó, từ ngày 01/01/2012, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ được áp dụng đối với doanh nghiệp ở 04 vùng như sau: Vùng I là 2.350.000 đồng/tháng; vùng II là 2.100.000 đồng/tháng; vùng III là 1.800.000 tháng; vùng IV là 1.650.000 đồng/tháng (so với quy định cũ tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011 lần lượt là 2.000.000 - 1.780.000 - 1.550.000 - 1.400.000 đồng/tháng). Như vậy, mức lương tối thiểu đối với các vùng sẽ được tăng thêm từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.

Chính phủ cũng quy định mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường; cũng là căn cứ để các doanh xây dựng và điều chỉnh thang, bảng lương với các mức lương trong thang, bảng lương, phụ cấp, các mức lương trong hợp đồng cho phù hợp. Riêng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức tiền lương thấp nhất doanh nghiệp phải trả phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định ở trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2013, thay thế Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011.

Quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có thời hạn 5 năm

Ngày 07/12/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDDT) đã ra Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia bao gồm quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ và quy trình công nhận.

Theo đó, căn cứ vào tiêu chuẩn quy định, các trường trung học đạt danh hiệu tiên tiến năm liền kề với năm đề nghị công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia tự đánh giá và đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Quyết định công nhận này có thời hạn là 5 năm kể từ ngày ký.

Đồng thời, trong thời hạn 5 năm kể từ khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia, phòng GDDT (đối với trường trung học cơ sở), Sở GDDT (đối với trường trung học phổ thông) thực hiện việc kiểm tra định kỳ (1lần/2,5 năm) đối với các trường trung học đã được công nhận và có thể tham mưu với cấp có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh xóa tên trong danh sách trường trung học đạt chuẩn quốc gia nếu không giữ vững và phát huy được kết quả. Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày ký quyết định, các trường trung học làm thủ tục đề nghị các cấp quản lý kiểm tra công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn về tổ chức, quản lý nhà trường; về giáo viên, nhân viên, chất lượng giáo dục của trường trung học đạt chuẩn quốc gia như: Tối đa không qua 45 lớp với 45 học sinh/lớp; tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 55, trong đó tỷ lệ bỏ học không quá 1%...

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2013; thay thế Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010.

Hỗ trợ đến 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa

Đây là nội dung của Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/05/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Theo Thông tư này, từ ngày 10/01/2013, căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách Nhà nước sẽ được trích hỗ trợ cho người sản xuất lúa với mức hỗ trợ hàng năm là: 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Riêng đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng sẽ không được nhận được khoản hỗ trợ này.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng chi hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cụ thể: Hỗ trợ từ 1.750.000 - 2.500.000 lần lượt với diện tích gieo cấy trong phạm vi 45 ngày bị thiệt hại từ 30 - 70% và trên 70%; hỗ trợ từ 3,5 - 5 triệu đồng/ha lần lượt với diện tích gieo cấy trên 45 ngày bị thiệt hại từ 30 - 70% và trên 70%.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định mức hỗ trợ khai hoang, cải tọa đất trồng lúa, trong đó: Hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang và 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2013.

Hiệu trưởng trường tiểu học phải có ít nhất 04 năm dạy học

Đây là tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số  42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Theo đó, đối với mỗi cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT đưa ra 05 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bao gồm: Tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; về cán bộ quản lý, nhân viên và học sinh; về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học…

Trong đó, đối với tiêu chuẩn về năng lực cán bộ quản lý trường tiểu học, Bộ GDĐT quy định hiệu trưởng có số năm dạy học từ 4 năm trở lên, phó hiệu trưởng từ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự); đồng thời khi đánh giá hằng năm phải đạt loại khá trở lên theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học; được bồi dưỡng, tập huấn về chính trị và quản lý giáo dục theo quy định.

Đối với tiêu chuẩn về trình độ giáo viên đảm bảo để dạy các môn bắt buộc trong trường tiểu học, Bộ quy định 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn 20% trở lên đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 40% trở lên đối với các vùng khác.

Ngoài ra, Bộ cũng quy định chi tiết về quy trình, chu trình kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục. Cụ thể, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục bao gồm 04 bước, được tiến hành theo chu trình 05 năm, tính từ thời gian ký quyết định cấp Giấy chứng nhận chất lượng giáo dục…

Thông tư này thay thế Quyết định số 04/2008/QĐ-BGDĐT; 80/2008/QĐ-BGDĐT; 12/2009/TT-BGDĐT; 83/2008/QĐ-BGDĐT và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/01/2013.

Nâng thời hạn đăng ký thất nghiệp lên 03 tháng từ ngày mất việc

Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngày 21/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN.

Theo Nghị định này, để đảm bảo thời gian hợp lý cho người lao động (NLĐ) thực hiện quyền lợi BHTN của mình, Chính phủ đã tăng thêm thời hạn đăng ký thất nghiệp cho NLĐ, cụ thể: Trong thời hạn 03 tháng (so với quy định cũ là 07 ngày làm việc), kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu NLĐ chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì NLĐ thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ quy định khi nộp hồ sơ hưởng BHTN, ngoài Đơn đề nghị hưởng BHTN, bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn..., NLĐ phải xuất trình Sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng BHTN.

Cũng theo Nghị định này, trong thời nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ mười bốn ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2013

Bồi dưỡng 1% lương tối thiểu/tiết giảng thực hành cho giáo viên trường công lập

Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao.

Theo đó, từ ngày 01/01/2013, giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ngoại trừ các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 01% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành.

Riêng giáo viên, giảng viên thể dục thể thao còn được áp dụng chế độ trang phục, cụ thể: Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách sẽ được cấp 02 bộ quần áo thể thao dài tay/năm; 02 đôi giầy thể thao/năm; 04 đôi tất thể thao/năm; 04 áo thể thao ngắn tay/năm; đối với giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm thêm môn thể dục, thể thao, số lượng trang phục được cấp ít hơn giáo viên chuyên trách ½.

Thủ tướng cũng quy định rõ chế độ bồi dưỡng bằng tiền được chi trả cùng thời điểm trả lương hằng tháng còn chế độ trang phục được cấp 1 lần/năm vào thời điểm đầu năm học.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Bổ sung đối tượng được tuyển thẳng vào đại học

Ngày 19/11/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011.

Trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung đối tượng được tuyển thẳng vào các trường đại học. Theo đó, ngoài học sinh là thành viên đội tuyển Olympic và khu vực; học sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký và các trường đại học, cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) quy định cho từng môn thi…, học sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức cũng được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký từ ngày 04/01/2013.

Cũng theo Thông tư này, các thí sinh được tham dự kỳ thi chọn vào đội tuyển Opympic không chỉ là những học sinh được Bộ GD&ĐT tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm, mà còn bao gồm những học sinh dù không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm nhưng đã tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm trước đó. Số lượng thí sinh dự thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic mỗi môn do Bộ GD&ĐT quyết định theo từng năm, không ấn định tối đa là 12 thí sinh như trước đây.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/01/2013.

Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp

Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.

Theo đó, từ ngày 01/01/2013, người lao động lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, trong độ tuổi lao động và có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo mức quy định của pháp luật; hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian đi học; hỗ trợ tiền đi lại 01 lượt đi và về từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15 km và được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả các chi phí cần thiết để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật…

Người lao động được hưởng các chính sách sách hỗ trợ nêu trên trong thời hạn 03 năm kể từ sau khi có Quyết định thu hồi đất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Trẻ sinh tại nhà vẫn được cấp Giấy chứng sinh

Đây là nội dung được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24/10/2012 quy định cấp và sử dụng Giấy chứng sinh (GCS).

Thông tư này quy định thẩm quyền cấp, cấp lại GCS bao gồm: Bệnh viện đa khoa có khoa sản; bệnh viện chuyên khoa phụ sản; bệnh viện sản - nhi; nhà hộ sinh; trạm y tế xã; các cơ sở khám, chữa bệnh được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ. Theo đó, trước khi trẻ sơ sinh về nhà, các cơ sở này có trách nhiệm ghi khai đầy đủ các nội GCS theo mẫu để lưu tại cơ sở 01 bản và giao cho bố, mẹ trẻ 01 bản. Trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc nơi khác thì người thân của trẻ có trách nhiệm điền vào mẫu Đơn đề nghị cấp GCS và nộp cho trạm y tế xã, phường để được cấp GCS cho trẻ.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết các trường hợp cấp lại GCS, cụ thể: Trường hợp cấp lại do nhầm lẫn khi ghi chép GCS, bố, mẹ trẻ phải làm đơn Đề nghị cấp lại GCS theo mẫu, kèm theo giấy tờ chứng minh sự nhầm lẫn, gửi cơ sở cấp GCS lần đầu để được cấp lại; khi đó, GCS được cấp lại sẽ được đóng dấu "Cấp lại". Trường hợp do mất, rách, nát, bố, mẹ trẻ phải làm Đơn có xác nhận của Tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn và thực hiện theo theo cách thức tương tự.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Tăng mức chi hỗ trợ thành lập hợp tác xã

Ngày 22/10/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 173/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2006/TT-BTC ngày 17/07/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã.

Theo quy định tại Thông tư này, các hướng dẫn viên, cộng tác viên không phải là cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các sáng lập viên của các hợp tác xã chuẩn bị thành lập sẽ được hưởng mức thù lao là 15 nghìn đồng/giờ hướng dẫn trực tiếp và hưởng chi phí đi lại tối đa 15.000 đồng/ngày trong trường hợp đi, về trong ngày (tăng 5.000 đồng so với quy định của Thông tư số 66/2006/TT-BTC). Đối với cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn vẫn được hưởng mức bồi dưỡng 30.000 đồng - 70.000 đồng/buổi hướng dẫn trực tiếp.

Đối với các giảng viên, báo cáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng hợp tác xã thì thù lao, phụ cấp tiền ăn, tiền phương tiện đi lại, thuê phòng nghỉ cho giảng viên sẽ được thực hiện theo mức chi hiện hành về quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Riêng đối với đối tượng học viên là các chức danh thuộc hợp tác xã nông nghiệp, ngoài khoản hỗ trợ tiền tiền vé tàu, xe đi và về bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ máy bay) từ trụ sở hợp tác xã đến cơ sở đào tạo và hỗ trợ kinh phí mua giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ chương trình khóa học (không bao gồm tài liệu tham khảo), còn được hỗ trợ 50% chi phí ăn, ở theo mức cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá mức chi công tác phí do tỉnh quy định ở từng thời kỳ và phải bảo đảm trong phạm vi dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013

Tăng 1 triệu mức chi hỗ trợ may trang phục cho cán bộ

Ngày 22/10/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 171/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 57/2005/TT-BTC ngày 15/07/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với các tổ chức cung ứng lao động được chỉ định thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó, đáng chú ý là quy định tăng mức chi hỗ trợ may sắm trang phục cho bộ phận cán bộ thường xuyên phải tiếp và làm việc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài từ 500.000 đồng/người/năm lên 1,5 triệu đồng/người/năm, tăng 01 triệu so với quy định hiện hành.

Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung thêm một số khoản chi trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quản lý người lao động do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các tổ chức cung ứng lao động được chỉ định thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, chi đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lao động hợp đồng; chi tặng phẩm đối ngoại đối với văn phòng, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong một số dịp đặc biệt (nhân ngày quốc khánh hoặc ngày thiết lập quan hệ hai bên), tặng phẩm đối với các trưởng đại diện văn phòng, tổ chức khi kết thúc nhiệm kỳ về nước. Trong đó, mức chi tặng phẩm đối ngoại được thực hiện theo mức chi tặng phẩm hiện hành quy định tại chế độ tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013

Bổ sung trường hợp tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Ngày 20/10/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trong đó đáng chú ý là quy định về các trường hợp được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Theo đó, ngoài các trường hợp được quy định theo pháp luật hiện hành như: Có 01 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; chỉ có 1 con mà người đó là liệt sĩ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn bổ sung thêm một số trường hợp bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Cụ thể như: Có 02 con trở lên là liệt sĩ; chỉ có 02 con mà 01 con là liệt sĩ và 01 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 01 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Cũng theo Pháp lệnh này, người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và hưởng các chế độ ưu đãi như: Được tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng; được hưởng khoản tiền 01 lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; khi từ trần được tổ chức lễ tang trang trọng…

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013

Không được duy trì trạng thái vàng âm

Ngày 28/12/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 38/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trạng thái vàng của TCTD được hiểu số dư vàng miếng vàng phát sinh từ hoạt động mua, bán vàng miếng của TCTD được quy đổi sang đồng Việt Nam theo giá vàng quy đổi trạng thái. Thông tư quy định, TCTD không được duy trì trạng thái vàng âm. Đồng thời, trạng thái vàng cũng không được vượt quá 2% so với vốn tự có của tháng liền kề trước kỳ báo cáo của TCTD. Trong những trường hợp cần thiết, TCTD được duy trì trạng thái vàng khác với giới hạn này, nhưng phải được sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trạng thái vàng của TCTD được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc. Chậm nhất đến 14 giờ của ngày làm việc, TCTD phải gửi báo cáo trạng thái vàng của ngày làm việc liền kề trước đó về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2013.

Thêm trường hợp được vay ngoại tệ

Ngày 28/12/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 37/2012/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, thay vì chỉ cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu và cho vay đối với các nhu cầu vốn được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, Thông tư này đã mở rộng các trường hợp được vay ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất – kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam; cho vay để đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư…

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/12/2013, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2013, có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ tể thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất – kinh doanh để trả nợ vay.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 và thay thế Thông tư số 03/2012/TT-NHNN ngày 08/03/2012.

Được sử dụng đến 50% thu tiền sử dụng đất cho Quỹ phát triển đất

Ngày 24/12/2012, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 222/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

Về phân cấp nguồn thu, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện ổn định tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo mức Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định năm 2011, ngân sách Trung ương cũng sẽ bổ sung cho ngân sách địa phương để thực hiện cải cách tiền lương đến mức lương tối thiểu 1.050.000 đông/tháng.

Đồng thời, năm 2013 sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng; các địa phương cần sử dụng tối thiểu 10% nguồn thu này để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sử dụng 30% đến 50% nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất để thành lập Quỹ phát triển đất theo đúng quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng quy định năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục thực hiện thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa sản xuất trong nước từ ngày 01/01/2013 xác định thuế bảo vệ môi trường từ hoạt động xuất nhập khẩu do cơ quan hải quan thu là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 và áp dụng đối với năm ngân sách 2013. 

Năm 2013, áp thuế suất 0% cho 70.000 tấn thóc gạo nhập từ Lào

Nội dung này được nêu tại Thông tư số 37/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2013 với thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào.

Theo đó, Bộ Tài chính áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 đối với hai nhóm mặt hàng có xuất xứ từ CHDCND Lào bao gồm: 70.000 tấn quy gạo gồm thóc và gạo các loại (tỷ lệ quy đổi 2 thóc = 1,2 gạo); 30.000 tấn lá và cọng lá thuốc lá các loại với thuế suất nhập khẩu bằng 0%.

Để được hưởng thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan 0%, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của CHDCND Lào cấp và được thông qua các cặp cửa khẩu 02 phía Lào và Việt Nam như: Nậm Xôi và Na Mèo; Nậm Phao và Cầu Treo...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến hết 31/12/2013.

Sân tập luyện bóng đá phải có mật độ tối thiểu 25m/người

Ngày 10/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BVHTTDL quy định điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bóng đá, trong đó đáng chú ý là những quy định về sân tập luyện, thi đấu bóng đá.

Theo yêu cầu của Thông tư này, sân tập luyện bóng đá phải đảm bảo mật độ tối thiểu 25m­2/ người; nếu có tường tập sút cầu môn thì kích thước tối thiểu của tường có chiều rộng 5m, chiều cao 2,5m và phải được làm bằng vật liệu bền chắc. Sân tập luyện và thi đấu bóng đá phải đảm bảo khoảng cách xung quanh an toàn, không có chướng ngại vật, khoảng cách tối thiểu từ đường biên của sân đến hàng rào hoặc sân liền kề là 2,5m. Sân bóng đá liền kề nhà ở, công trình công cộng, đường giao thông phải có hàng rào cao tối thiểu 3m bao quanh sân. Tập luyện, thi đấu buổi tối phải đảm bảo ánh sáng tối thiểu 150 lux.

Ngoài ra, sân tập luyện, thi đấu bóng đá phải có nội quy hoạt động với những nội dung cơ bản như: sử dụng trang phục thể thao khi tập luyện, thi đấu; không hút thuốc, uống rượu, bia trong sân; không được mang các vật cứng, sắc, nhọn có thể gây thương tích vào sân…Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2013. Các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bóng đá đã thành lập nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện tại Thông tư này phải bổ sung, hoàn thiện trong thời gian 06 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Xử lý tang vật tạm giữ phải lập Hội đồng định giá

Nội dung này được quy định tại Thông tư số 215/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 12/12/2012 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính.

Theo đó, sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm định giá tang vật, phương tiện theo giá niêm yết, giá thị trường, giá trị thực tế... theo Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008; trường hợp không áp dụng được các căn cứ trên thì người có thẩm quyền xử phạt phải thành lập Hội đồng định giá tài sản để định giá. Việc định giá tang vật, phương tiện phải được lập thành Biên bản và được sử dụng làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; đồng thời chuyển giao cho các cơ quan tổ chức quản lý, sử dụng và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, Hội đồng bán đấu giá cấp huyện để bán đấu giá.

Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định 03 trường hợp phải thành lập Hội đồng để xác định hoặc xác định lại giá khởi điểm để bán đấu giá như: Thời điểm dự kiến tổ chức bán đấu giá quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật, phương tiện tại Biên bản định giá; hoặc trường hợp giá trị đã được xác định tại Biên bản định giá chênh lệch từ 10% trở lên so với giá của mặt hàng cùng loại theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm chuyển giao để bán đấu giá...

Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã chuyển giao để bán đấu giá mà không bán được thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, cơ quan của người ra quyết định tịch thu phải thành lập Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện việc thanh lý như: Bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua; phá dỡ, hủy bỏ đối với tang vật, phương tiện không tiếp tục sử dụng được và không bán được...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2013. 

Tàu quân sự nước ngoài vào Việt Nam phải đưa vũ khí về trạng thái bảo quản

Ngày 05/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2012/NĐ-CP quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định chỉ rõ, tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc như: phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chương trình hoạt động của tàu và thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận, thì khi đến lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu sau: Các tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch; Bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu; Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản; Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhậ cảnh; Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm cho an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký; Đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang theo quy định.

Ngoài ra, cũng theo Nghị định này, các tổ chức, cá nhân, phương tiện (trừ cán bộ, nhân viên và phương tiện  của các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, cảng quân sự đang thực hiện nhiệm vụ) ra vào, hoạt động trong khu vực tàu quân sự nước ngoài neo đậu, xuống tàu quân sự nước ngoài để làm việc…phải có giấy phép do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy phép này chỉ được cấp trong các hoạt động nằm trong chương trình hoạt động chính thức của tàu quân sự nước ngoài hoặc được Trưởng đoàn/Thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài đề nghị, chấp thuận bằng văn bản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2012 và thay thế Nghị định số 55/CP ngày 01/10/1996.

Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm 35 tín chỉ

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 46/2012/TT-BGDĐT ngày 04/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông.

Theo Thông tư này, những người có bằng tốt nghiệp đại học có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học phổ thông (THPT) day các môn học phù hợp với ngành được học phải trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm với tổng khối lượng kiến thức tối thiểu là 35 tín chỉ, bao gồm: tối thiểu 30 tín chỉ khối kiến thức bắt buộc và 05 tín chỉ khối kiến thức tự chọn.

Nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu sẽ bao gồm các học phần về: Quản lý hành chính Nhà nước và quản lý ngành Giáo dục, công tác quản lý trong trường THPT; Tâm lý học người giáo viên; Lý luận dạy học...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2013.

Nghiêm cấm ghép mô, bộ phận của người mắc bệnh truyền nhiễm

Quy định này được nêu tại Thông tư số 28/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 04/12/2012 quy định "Danh mục bệnh mà người mắc bệnh đó không được lấy mô, bộ phận cơ thể để ghép cho người bệnh".

Theo đó, Bộ Y tế loại trừ và nghiêm cấm việc ghép mô, bộ phận cơ thể của người hiến mô, bộ phận mắc các bệnh trong nhóm A cho người bệnh khác, bao gồm các bệnh như: HIV dương tính; nhiễm retrovirus; viêm gan virus B,C đang hoạt động; viêm não, màng não do virus; bệnh dại; giang mai; bệnh lao đang điều trị; ung thư; sốt rét...

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý khám, chữa bệnh tiếp tục tiến hành loại trừ các bệnh thuộc danh mục bệnh của nhóm B bao gồm các bệnh của người hiến mô, bộ phận không được lấy để ghép cho từng bệnh, cụ thể: Không ghép giác mạc của người bị viêm nội tâm mạc do vi khuẩn hoặc nấm, bênh bạch cầu, bệnh não toàn bộ bán cấp; không ghép da của người bị mắc các bệnh nhiễm trùng, phong, ấu trùng sán lợn dưới da, nấm sâu; không ghep sụn của người bị mắc bệnh loãng sương, thoái hóa sụn...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, và được áp dụng trong ghép đồng gen và ghép đồng loài (không áp dụng trong ghép tự thân và ghép dị loài).

Không ghi ngành học trên Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp

Ngày 30/11/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 44/2012/TT-BGDĐT về việc ban hành mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi là mẫu Bằng tốt nghiệp).

Theo quy định tại Thông tư này, mẫu Bằng tốt nghiệp vẫn giống như mẫu trước đây, gồm 04 trang, mỗi trang có kích thước 17cm x 12,5cm. Trang 1 và trang 4 có nền màu đỏ; trang 1 có hình Quốc huy, các chữ in trên trang 1 có màu vàng; trang 2 và trang 3 có nền màu vàng, hoa văn viền màu vàng đậm, tên bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp bằng tiếng Việt và tiếng Anh có màu đỏ, các chữ khác có màu đen; hình trống đồng in chìm chính giữa trang 2, hình Quốc huy in chìm chính giữa trang 3.

Tuy nhiên, nội dung ghi trên mẫu Bằng có sự thay đổi, cụ thể: Tại trang 02 và 03, không ghi Ngành đào tạo và Số vào sổ gốc cấp bằng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2013. Thông tư này thay thế Thông tư số 20/2009/TT-BGDĐT ngày 12 /08/2009. Các phôi bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp đã in, cấp phát theo mẫu quy định tại Thông tư số 20/2009/TT-BGDĐT trước ngày Thông tư này có hiệu lực, có giá trị sử dụng đến hết năm học 2012-2013.

Kiểm ngư được xử lý các VPPL về thủy sản trên biển

Đây là nội dung được Chính phủ quy định tại đã ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư.

Theo Nghị định này, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật (VPPL) và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Nhiệm vụ chính của Kiểm ngư là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý VPPL về thủy sản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi VPPL thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; đồng thời tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định, công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên sẽ được cấp Thẻ Kiểm ngư, trang phục, các thiết bị chuyên ngành và phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu Kiểm ngư theo quy định; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý VPPL về thủy sản...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2013

Ngân hàng hợp tác xã có thời hạn hoạt động tối đa 99 năm

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về Ngân hàng hợp tác xã.

Theo đó, ngân hàng hợp tác xã có thời hạn hoạt động tối đa là 99 năm và chỉ hoạt động trên phạm vi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Ngân hàng hợp tác xã có tính chất là một loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo mô hình hợp tác xã với hoạt động chủ yếu là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên.

Để trở thành thành viên ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tín dụng khác không thuộc đối tượng áp dụng kiểm soát đặc biệt tại thời điểm đề nghị tham gia là thành viên. Đối với các pháp nhân khác, phải hoạt động kinh doanh có lãi trong năm liền hề năm đều nghị tham gia là thành viên. Bên cạnh đó, các đối tượng này phải đóng góp đủ mức vốn góp, có đơn đề nghị và cử đại diện hợp pháp tham gia.

Riêng việc góp vốn, Thông tư quy định cụ thể như sau: Mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 10 triệu đồng. Mức vốn góp thường niên đối với các thành viên ngân hàng hợp tác xã tối thiểu là 01 triệu đồng (mức vốn góp cụ thể do Đại hội thành viên quyết định). Các thành viên ngân hàng hợp tác xã không phải góp vốn thường niên trong năm tài chính đầu tiên kể từ khi tiến hành khai trương hoạt động. Tổng vốn góp tối đa của một thành viên không vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng hợp tác xã tại thời điểm góp vốn và nhận chuyển nhượng, trừ trường hợp đối với phần vốn của Nhà nước tại ngân hàng hợp tác xã.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Cấp tối đa 1 GPKD bán lẻ rượu/1000 dân tại quận, huyện

Ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu nhằm kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu trong nước, trong đó, tiêu biểu là các quy định về kiểm soát số lượng giấy phép kinh doanh (GPKD) rượu.

Theo đó, Chính phủ quy định số lượng GPKD bán lẻ sản phẩm rượu tại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn một quận, huyện, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá 01 giấy phép/1.000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu; số lượng GPKD phân phối sản phẩm rượu cũng được xác định theo số dân cả nước theo nguyên tắc không quá 01 GPKD/400.000 dân; còn số lượng GPKD bán buôn sản phẩm rượu được xác dịnh trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá 01 GPKD/100.000 dân.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình biến động dân số từng thời kỳ, cơ quan có thẩm quyền phải công bố số lượng GPKD đang còn hiệu lực và số lượng còn lại chưa được cấp (nếu có).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu kể từ ngày 01/01/2014, tất cả sản phẩm rượu sản xuất và nhập khẩu để tiêu thụ trong nước phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính (trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu chế biến lại rượu). Tem sản phẩm rượu chỉ được cấp cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu, GPKD phân phối sản phẩm rượu.

Nghị đinh này thay thế Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07/04/2008, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Tổ chức tôn giáo được công nhận phải sinh hoạt tôn giáo tối thiểu 23 năm

Ngày 08/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đó, Chính phủ quy định tổ chức muốn được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo phải có đủ các điều kiện như: Có sinh hoạt tôn giáo ổn định từ 20 năm trở lên kể từ ngày UBND cấp xã chấp nhận sinh hoạt tôn giáo, không vi phạm các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo; có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, đường hướng hành đạo và hoạt động gắn bó với dân tộc; không thuộc hoặc trùng tên tổ chức tôn giáo đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận; có người đại diện là công dân Việt Nam…

Đồng thời, Nghị định cũng quy định thời hạn để công nhận tổ chức tôn giáo là 03 năm kể từ ngày được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo mà không vi phạm các quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức tôn giáo vi phạm quy định về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác… thì sẽ không được xét công nhận mà phải đăng ký lại và xin xét công nhận sau 01 năm tiếp theo.

Như vậy, thời gian sinh hoạt tôn giáo tối thiểu của tổ chức tôn giáo muốn được công nhận phải là 23 năm. Chủ thể có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo là Thủ tướng Chính phủ đối với tổ chức có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố; chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với tổ chức có phạm vi hoạt động chủ yếu ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cũng theo Nghị định này, Chính phủ yêu cầu người đại diện hoặc ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi bản đăng ký hoạt động tôn giáo diễn ra vào năm sau đến UBND cấp xã trước ngày 15/10 hàng năm.

Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Nâng hạng Giấy phép lái xe phải có xác nhận số km an toàn

Nội dung này được quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với quy định đáng chú ý là cá nhân muốn học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian hành nghề và số kilômét (km) lái xe an toàn.

Cụ thể, người muốn sát hạch để nâng hạng giấy phép lái xe phải có giấy xác nhận thời gian lái xe và số kilômét lái xe an toàn do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xác nhận; trong đó: Từ B1 lên B2 phải có thời gian hành nghề từ 01 năm trở lên và tối thiểu 12.000 km lái xe an toàn; từ B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng phải có thời gian hành nghề 03 năm trở lên và tối thiểu 50.000 km lái xe an toàn; từ B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề 05 năm trở lên và tối thiểu 100.000 km lái xe an toàn.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, ngoài các câu hỏi lý thuyết liên quan đến quy định pháp luật giao thông đường bộ, nội dung sát hạch lý thuyết còn các nội dung khác liên quan như: Cấu tạo và sửa chữa, nghiệp vụ vận tải thông thường đối với hạng A3, A4 và thêm nội dung đạo đức người lái xe đối với xe ôtô hạng B1, B2 trở lên...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013, thay thế các Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT; 15/2011/TT-BGTVT.

Thu phí lưu ký giấy tờ có giá trước ngày 10 hàng tháng

Ngày 07/11/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra Thông tư số 30/2012/TT-NHNN quy định về việc thu, nộp phí lưu ký giấy tờ có giá tại NHNN, ấn định phí lưu ký giấy tờ có giá sẽ được tính và thu theo tháng, trước ngày 10 của tháng kế tiếp.

Theo Thông tư này, phí lưu ký giấy tờ có giá được thu trên tổng giá trị giấy tờ có giá tính theo mệnh giá của thành viên lưu ký được lưu ký trực tiếp tại NHNN và lưu ký tại tài khoản của NHNN mở tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (không bao gồm giấy tờ có giá NHNN đã mua và đang thuộc sở hữu của NHNN).

Về phí lưu ký giấy tờ có giá, NHNN vẫn giữ mức phí cũ là 0,2 đồng/100.000 đồng mệnh giá giấy tờ có giá/tháng nhưng đã bỏ quy định trước đây về mức phí tối thiểu 100 nghìn đồng/tháng, tối đa 10 triệu đồng/tháng tại Quyết định số 58/2006/QĐ-NHNN.

Thông tư này thay thế Quyết định số 58/2006/QĐ-NHNN ngày 15/12/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa giải quyết việc dân sự

Ngày 05/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, quy định mức bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa và dao động từ 35.000 - 90.000 đồng/người.

Cụ thể, mức bồi dưỡng đối với Thẩm phán chủ tọa, Hội thẩm; người giám định được Tòa án mời tham dự; Thẩm phán, Kiểm sát viên, người làm chứng được Tòa án triệu tập và Thư ký tòa án, cán bộ, chiến sỹ công an, cảnh vệ bảo vệ phiên tòa lần lượt là 90.000 đồng; 70.000 đồng; 50.000 đồng và 35.000 đồng… Riêng người phiên dịch tiếng dân tộc do Tòa án mời dịch tại phiên tòa được hưởng mức bồi dưỡng bằng 200% mức lương tối thiểu chung, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.

Cũng theo Quyết định này, mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên họp giải quyết việc dân sự bằng 50% mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

                                                                                   Minh Thi (Tổng hợp từ văn bản Luật)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.276.927
Truy câp hiện tại 2.553