1. Chỉ đạo, triển khai đầy đủ các nội dung, điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, đồng thời phổ biến, quán triệt Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm trấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót, vi phạm về PCCC. Chú trọng việc trang bị phương tiện PCCC và CNCH; tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ; rà soát, củng cố, xây dựng mới và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.
- Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH tới các cơ quan, đơn vị, địa phương và quần chúng nhân dân trên toàn tỉnh; đẩy mạnh phong trào xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” tiến tới xã xã hội hóa công tác PCCC và CNCH.
- Đánh giá và khắc phục những bất cập, khó khăn, tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH để đề ra các giải pháp nhằm củng cố, phát huy hiệu quả việc vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác PCCC&CNCH. Đưa hoạt động phòng cháy và chữa cháy thành một tiêu chí trong việc xây dựng khu phố, tổ dân phố, gia đình văn hóa để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác PCCC&CNCH, tiến tới xã hội hóa công tác PCCC&CNCH.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp với Công an tỉnh, UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ, thị xã Hương Trà và các huyện và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phân công lực lượng thường trực, tuần tra canh gác và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rừng nhất là trong mùa hanh, khô hạn chế số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
3. Sở Xây dựng: phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các huyện khi thẩm định các dự án yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định liên quan đến PCCC trong công tác đầu tư, xây dựng; thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn PCCC và giải pháp thoát nạn cho công trình theo quy định pháp luật
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: thẩm định, đề xuất nguồn vốn đầu tư mua sắm trang bị bổ sung phương tiện PCCC, phương tiện cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đồng thời cân đối ngân sách cho các hoạt động tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và các hoạt động khác phục vụ công tác PCCC&CNCH khi có yêu cầu.
5. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh: phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan, ban ngành có liên quan cường triển khai các biện pháp PCCC và CNCH đối với các khu, cụm công nghiệp; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục thành lập và duy trì tốt hoạt động của Đội PCCC chuyên trách trong các khu công nghiệp theo quy định. Xây dựng kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) đảm bảo 70% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có Đội PCCC cơ sở làm việc theo chế độ chuyên trách; đảm bảo chế độ, chính sách cho đội PCCC tại các cơ sở theo quy định.
6. Công an tỉnh:
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành Đề án thành lập Sở Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế; tham mưu, triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an và hướng về thành lập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh; hoàn thành các thủ tục, quyết định về biên chế, tổ chức bộ máy của các Phòng và các Trung tâm theo quyết định của Bộ Công an.
- Thực hiện tốt công tác tham mưu, hướng dẫn các cấp chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về PCCC tại các ngành, địa bàn, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra đối với các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cao về cháy nổ, dễ xảy ra cháy lớn, cháy lan, nơi tập trung đông người như: chợ, trung tâm thương mại; khách sạn, nhà cao tầng; cửa hàng kinh doanh, kho chứa xăng dầu, khí hóa lỏng; nhà máy thủy điện, trạm biến áp; nhà xưởng công nghiệp…. Bên cạnh việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở cần phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy góp phần hạn chế, không để xảy ra các sự cố cháy, nổ lớn, cháy lan trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước năm 2015.
- Chủ trì, tổ chức thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại các đơn vị, cơ sở; tập trung kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cháy nổ cao và các cơ sở tồn chứa các loại hóa chất, vật liệu dễ cháy, nổ hiện đang nằm xen kẽ trong các khu dân cư, gần khu vực tập trung đông người… Tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ về công tác PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng trên địa bàn.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các huyện nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo kết quả UBND tỉnh theo quy định./.