1. Tại sao phải số hóa truyền hình?
Chất lượng âm thanh hình ảnh tốt hơn; Truyền hình chất lượng cao như HDTV, 3DTV, truyền hình số di động….; Nhiều chương trình truyền hình hơn; Tận dụng được cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình; Sử dụng hiểu quả tài nguyên tần số VTĐ; Tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các Đài Phát thanh truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.
2. Hỗ trợ của Nhà nước như thế nào với Đề án này?
- Hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư triển khai các máy phát số để phát các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo cho doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng TH số;
- Hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
- Ưu đãi về tài chính, thuế theo quy định của pháp luật về tài chính, thuế và pháp luật về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu TV.
3. Lợi ích với người dân trong việc số hóa truyền hình ?
- Giảm nhiễu và cho hình ảnh sắc nét; Người tiêu dùng dễ dàng sử dụng thêm các dịch vụ giá trị gia tăng khác; Người dân xem được 40 kênh truyền hình số mặt đất miễn phí; Số lượng kênh phong phú hơn và chất lượng kênh được nâng cao từ SD lên HD, Full HD, 3D, 4K …
4. Khi chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, người dân phải làm gì để có thể xem được các chương trình truyền hình ?
- Khi chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, người dân phải trang bị thêm đầu thu STB theo chuẩn DVB-T2 hoặc mua TV có tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2.
5. Cách nhận biết Tivi và Set – Top - Box đã tích hợp chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2 ?
- Theo quy định, từ 1/5/2014, các dòng sản phẩm Tivi và đầu thu STB đã tích hợp chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2 phải được dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình để nhân dân có thể dễ dàng nhận biết khi mua các sản phẩm này trên thị trường
Các Tem nhận biết dán trên tivi và STB:
6. Lợi ích cho Quốc gia như thế nào?
- Tiết kiệm tài nguyên tần số; Giảm chi phí đầu tư (01 kênh tần số có thể phát cùng lúc nhiều chương trình khác nhau); Xã hội hóa hệ thống truyền dẫn phát sóng.
7. Thời gian áp dụng cho tivi sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2:
- Các chủng loại máy thu hình sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 63:2012/BTTTT theo thời điểm cụ thể như sau:
+ Từ ngày 01/04/2014 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inch;
+ Từ ngày 01/04/2015 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình từ 32 inch trở xuống.
Không quy định bắt buộc tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với máy thu hình sử dụng công nghệ màn hình CRT sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam.
Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT ngày 18/3/2013 của Bộ TT&TT
8. Thời điểm nào quy định phải tích hợp cho tivi chức năng thu truyền hình số mặt đất được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam sử dụng ?
- Từ ngày 01/01/2013, tất cả các máy thu hình được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệt hình ảnh và âm thanh MPEG-4 (có hỗ trợ thu MPEG-2 đến 31/12/2015)
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
9. Thời điểm nào áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên toàn quốc ?
- Từ 01/01/2016 áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 và phiên bản tiếp theo của các tiêu chuẩn trên.
10. Thời gian nào Thừa Thiên Huế sẽ chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất ?
- Đến trước ngày 31/12/2018, kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 27/9/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Triển khai thực hiện "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
11. DVB- T2 là gì?
DVB-T, là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Digital Video Broadcasting – Terrestrial, đây là một chuẩn quốc tế về phát sóng số mặt đất, được sử dụng trong truyền hình kĩ thuật số. DVB- T2 là chuẩn thu truyền hình thế hệ thứ 2 có khả năng cung cấp cho người xem những kênh truyền hình ở độ nét cao. Ngoài ra, một trong những ưu điểm khác của DVB- T2 chính là nó hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nếu so với Analog (Truyền hình Analog là loại truyền hình thông dụng thu bằng ăn- ten ngoài trời, chất lượng hình ảnh sẽ bị ảnh hưởng khi thời tiết xấu).
12. Tivi kỹ thuật số chuẩn DVB- T2 có cần ăng-ten không?
Đáp án là có. Vì cũng tương tự các tivi khác, tivi sử dụng chuẩn truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DVB- T2) vẫn phải sử dụng ăn- ten để thu được tín hiệu. Tuy nhiên, việc lắp đặt và sử dụng ăn- ten của tivi lại đơn giản hơn so với tivi thường. Đến với tivi DVB- T2 bạn chỉ cần sử dụng một ăn- ten râu (hình dưới) là có thể thu được tín hiệu kỹ thuật số. Nhưng theo một số lời khuyên, thì nếu bạn sử dụng ăn- ten ngoài trời thì số kênh KTS thu được có thể thu được nhiều kênh hơn (Theo số liệu được cung cấp từ Samsung số kênh mà tivi Samsung tích hợp đầu thu kỹ thuật số có thể thu được trong điều kiện tốt nhất có thể trên 40 kênh.
13. Tivi DVB- T2 có xem được các kênh trả phí?
Các tivi kỹ thuật số chuẩn DVB- T2 sẽ cung cấp cho bạn số lượng kênh truyền hình miễn phí ít nhất là 15 kênh. Tuy nhiên, nếu muốn xem thêm các kênh trả phí, chính là nhờ vào khe cắm bộ giải mã truyền hình kỹ thuật số (CI+). Khe cắm bộ giải mã kỹ thuật số ra đời nhằm mục đích cắm vào các thẻ kỹ thuật số (thẻ CAM) để có thể giải mã được các kênh truyền hình kỹ thuật số có tính phí (các kênh truyền hình kỹ thuật số hiện nay bao gồm các kênh miễn phí và thu phí - nếu muốn xem được các kênh thu phí phải trả thêm tiền cho nhà mạng, các kênh thu phí nổi tiếng hiện nay như Star movies, HBO, Star Sport…)
Khe cắm CI+ là gì?
Khe cắm CI+ là một thành phần thuộc tivi mà bạn có thể cắm các thẻ dịch vụ vào và xem các kênh truyền hình có thu phí trên tivi.
Khe cắm CI+ - Common Interface Plus - hay còn gọi là khe cắm bộ giải mã truyền hình kỹ thuật số là thường nằm ở mặt lưng tivi kỹ thuật số (còn gọi là TV tích hợp DVB-T2) mà bạn có thể cắm các thẻ dịch vụ vào để xem các kênh truyền hình miễn phí và có thu phí (như HBO, Star Moview, Disney Channel) mà chỉ cần anten hoặc cáp chứ không cần đến đầu giải mã chuyên dụng.
Mặt lợi của tivi có khe cắm CI+ ở chỗ bạn có thể xem các kênh truyền hình tính phí (thường là kênh nước ngoài hoặc một số kênh đặc thù chất lượng cao) đơn giản, không cần phải tốn tiền mua và lắp đặt thêm một đầu giải mã cạnh tivi, tránh tốn diện tích và bất tiện khi phải kết nối với dây nhợ phức tạp và phải sử dụng 2 remote: một remote tivi và một remote đầu giải mã.