Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng mô hình tín dụng tiết kiệm của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 07/09/2015

Xuất phát từ tình hình thức tế của địa phương, nắm bắt nhu cầu về đời sống, việc làm, thu nhập của chị em phụ nữ; Hội phụ nữ Hương Trà luôn xác định nâng cao chất lượng mô hình làm tiết kiệm tại 16 xã, phường là một trong những nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn thị xã. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm căn cứ vào các chỉ tiêu xây dựng nhất là căn cứ vào số liệu tỷ lệ hộ nghèo của thị xã, Hội LHPN thị xã đã chủ động chỉ đạo các cấp Hội tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại hộ nghèo nói chung và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nói riêng để xác định đúng nguyên nhân, có hướng chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vưon lên làm giàu chính đáng. Cụ thể:

- Đối với nguyên nhân nhóm nghèo do thiếu kiến thức: Hội làm tốt vai trò phối hợp với các ban ngành trên địa bàn thị xã tổ chức 16 lớp tập huấn cho 320 thành viên về chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi; Phối hợp với Ngân hàng CSXH thị xã tổ chức 16 lớp tập huấn về quy trình vay vốn Ngân hàng. Qua các buổi học tập, hội thảo, tọa đàm các chị đã nâng cao kiến thức, biết cách ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh gắn với đảm bảo môi trường....

- Đối với các trường hợp nghèo do thiếu vốn: Hội vận động hỗ trợ giúp về nguồn vốn để tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế. Hội đã tín chấp nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH thị xã trên 137.4 tỷ đồng cho 7.115 thành viên vay thành lập 178 tổ tiết kiệm và vay vốn; huy động tiết kiệm hàng tháng số tiền trên 8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm giảm dần từ 0.09% xuống 0.06 %. Có được kết quả như vậy là cả một quá trình củng cố, tập huấn, hướng dẫn phân công cụ thể sát sao cho các chị Phó Chủ tịch của từng cơ sở Hội đảm nhiệm công tác theo dõi nguồn vốn, hàng tháng tham gia giao dịch cùng với Ngân hàng để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp đến tháng không nộp lãi, đến kỳ không nộp gốc.

Hội LHPN thị xã đã phân công cán bộ phụ trách mở sổ sách theo dõi tình hình hoạt động của các thành viên vay vốn theo các nguồn vốn, việc thu chi nguồn quỹ ủy thác, theo dõi đôn đốc công tác tham gia giao dịch tại các điểm xã, phường, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối chiếu hộ vay và các tổ trưởng tín dụng tiết kiệm. Hướng dẫn Hội LHPN 16 xã, phường mở sổ theo dõi, lập báo cáo gửi về Hội LHPN thị xã vào định kỳ hàng tháng sau khi giao dịch xong .Vì vậy, việc theo dõi các thành viên đến phân kỳ trả nợ gốc, lãi hàng tháng theo từng đơn vị được cập nhật và thông báo cho các cơ sở Hội để đôn đốc thực hiện tốt. Riêng trường hợp nợ quá hạn xảy ra Hội đã phối hợp với cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH thị xã đi thực tế để nắm bắt tình hình có hướng xử lý dứt điểm. Một số thành viên vay vốn gặp rủi ro như qua đời không còn nguồn tài sản hoặc không có người thừa kế thuộc diện hộ nghèo Hội đã đề nghị Ban giảm nghèo của địa phương, Hội đồng quản trị thị xã cho xóa nợ.

Tổ chức tập huấn cho Ban điều hành cấp xã, phường; tổ trưởng vay vốn, thành viên vay vốn để làm tốt công tác tiết kiệm hàng tháng. Đến nay, có trên 5.856/7.115 thành viên làm tiết kiệm chiếm tỷ lệ 82%. Thời gian tới, Hội các cấp trên địa bàn thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để có 100% thành viên vay vốn làm tiết kiệm để chủ động cho việc trả gốc khi đến kỳ và sau khi không vay vốn nữa thì thành viên sẽ có một số tiền tiết kiệm nhất định để đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt.

- Đối với nhóm nghèo do thiên tai, hoạn nạn: Với tinh thần tương thân, tương trợ “Lá lành đùm lá rách” bằng những việc làm cụ thể, cấp Hội phụ nữ cơ sở đã xây dựng quỹ “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, quỹ tiết kiệm “Con heo đất”, “Ống tre tiết kiệm” huy động được số tiền 161 triệu đồng kịp thời giúp cho 216 lượt hội viên nghèo gặp khó khăn, hoạn nạn. Mặc dù nguồn vốn không lớn nhưng đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ giúp nhau trong cộng đồng để giúp các chị xóa bỏ tâm lý tự ty, mặc cảm chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Hội LHPN thị xã đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ở 16 xã, phường; nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: làm Bánh tráng tại phường Hương Hồ, làm Bún tươi tại xã Hương Toàn, ép dầu Lạc tại xã Hương Văn, Làm bún khô tại phường Tứ Hạ; mô hình phát triển kinh tế trang trại “Vườn-ao-chuồng- rừng”, "Chế biến gỗ, Trồng tre lấy măng, Dịch vụ mua bán sắn, Trồng rừng, Trồng cao su ở các xã vùng gò đồi miên núi; mô hình “Những người yêu thích chăn nuôi” nuôi "Gà an toàn sinh học";  "trồng các loại cây đặc sản như Thanh Trà, Bưởi; mô hình trồng hành, hoa Ly, hoa Huệ ở các phường Hương An, Hương Chữ, Hương Hồđã tạo cơ hội cho chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, có hộ thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/ năm.

Với những cố gắng như trên, cuộc sống của đa số phụ nữ nghèo trên địa bàn thị xã ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần; chị em luôn tin tưởng, tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào thi đua và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Đây cũng là động lực tạo điều kiện cho công tác kết nạp hội viên, xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt đạt kết quả. Từ những việc làm thiết thực, các cấp Hội đã giúp chị em vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn thị xã từ 8.17% (2011) xuống 4.5% (2015).

Qua thực tiển hoạt động Hội phụ nữ Hương Trà đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu nhằm định hướng cho các cơ sở Hội làm tốt công tác này trong thời gian tới đólà:

Thứ nhất, Hội LHPN thị xã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở Hội hàng năm phải tiến hành điều tra, khảo sát phân loại và ưu tiên nhóm đối tượng cần giúp đỡ. Việc làm tiết kiệm phải duy trì thường xuyên, điều hành có hiệu quả. Cập nhật các loại sổ sách theo dõi có hệ thống, công khai minh bạch việc xét chọn cho vay qua hàng năm đúng đối tượng. Riêng nguồn tiết kiệm qua nguồn vốn NHCS-XH thì phải cập nhật và xuống gốc cho thành viên theo biên bản thỏa thuận.

Thứ hai, để tạo thói quen cho người dân trong cộng đồng dân cư hưởng ứng việc làm tiết kiệm thông qua vay vốn, qua chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày, các cấp Hội phải tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo, phối hợp hỗ trợ của Cấp ủy, Chính quyền, các ban ngành đoàn thể liên quan. Bên cạnh đó, sự năng động sáng tạo, chủ động huy động nội lực từ các hội viên, phụ nữ ở từng địa bàn dân cư sẽ là yếu tố quyết định thành công trong quá trình xây dựng, thực hiện việc huy động nguồn tiết kiệm tự nguyện ở từng chi/tổ hội.

Thứ ba, đối với những gia đình có hội viên phụ nữ làm chủ hộ nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm thì các cấp Hội phải chủ động hướng dẫn, động viên, chia sẻ những khó khăn giúp các chị tự tin vươn lên; giải quyết cho vay từ nguồn tiết kiệm tại chỗ để giúp các chị có điều kiện mua con giống, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.

Thứ tư, các cấp Hội phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; đồng thời tiến hành sơ, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích trong quá trình tổ chức thực hiện điều hành và quản lý tốt nguồn tiết kiệm.

Thời gian đến, để thực hiện tốt mô hình tín dụng tiết kiệm trên địa bàn thị xã Hương Trà đạt hiệu quả, Hội LHPN thị xã tiếp tục chỉ đạo Hội cơ sở tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tốt các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển dịch vụ, thực hiện thí điểm các mô hình phát triển kinh tế với hình thức bắt tay chỉ việc “Trăm nghe không bằng một thấy” giúp cho hội viên, phụ nữ, nhất là những chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giúp các chị tự tin từng bước vượt khó, phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì phát triển các mô hình tiết kiệm như: “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Tiết kiệm trong việc cưới, tang, lễ hội và mừng thọ”, “Tiết kiệm điện, nước, chi tiêu công, tiết kiệm tiêu dùng”...

Hy vọng trong thời gian tới chất lượng các mô hình tín dụng tiết kiệm của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Hương Trà ngày càng được nâng lên đáp ứng phần nào những mong đợi của hội viên, phụ nữ hỗ trợ kịp thời một phần nguồn vốn cũng như những tiến bộ của KHKT nhằm giúp chị em chăn nuôi, sản xuất mang lại nguồn thu cho gia đình.

Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.275.161
Truy câp hiện tại 10.064