Trong những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền địa phương, ban ngành và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để từng bước ngăn chặn các hành vi lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, nhưng trên thực tế tình hình quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhiều chủ rừng không quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý nên để rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong khi đó chính quyền và các cơ quan chức năng tại các địa phương chưa chú trọng chỉ đạo và tìm ra các giải pháp quản lý phù hợp, nên không kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để các vụ vi phạm.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, ban ngành và cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc yêu cầu sau đây:
1. Các các ban, ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác phổ biến và tổ chức vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước về quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
a) Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát đất lâm nghiệp bị lấnchiếm trái phép tại các địa phương; tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra, tổ chức điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, chuyển nhượng, giao hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.
b) Thu hồi diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm trái phép hoặc giao đất không đúng quy định pháp luật trả lại cho chủ rừng, hoặc giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để có phương án giao lại cho các đối tượng chính sách tại địa phương (đối với những diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang tạm giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý).
c) Nghiêm cấm việc xác nhận hồ sơ đăng ký khai thác cây trồng trên diện tích đất lâm nghiệp do phá rừng hoặc lấn, chiếm trái phép khi chưa xác lập được chủ sở hữu.
d) Tổ chức rà soát lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để tổ chức việc giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.
đ) Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức truy quét, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, nhất là các vùng giáp ranh.
e) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có rừng, các chủ rừng tổ chức việc rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trong lâm phận quản lý để chủ động phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành; tổ chức lực lượng tuần tra phòng ngừa lấn chiếm; xây dựng phương án quản lý diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sau xử lý, phương án trồng rừng, bảo vệ rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất lâm nghiệp.
b) Hướng dẫn thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sau xử lý hoặc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất bị lấn chiếm trái phép sau khi xử lý.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tăng cường quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phận được giao quản lý; ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn về công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phận được giao quản lý.
b) Chỉ đạo các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên lâm nghiệp xây dựng phương án trồng rừng đối với những diện tích sau khi xử lý thu hồi được giao lại cho các chủ rừng.
c) Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với lực lượng liên ngành, hỗ trợ các chủ rừng, tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp thuộc lâm phận quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ vi phạm làm cơ sở xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục các vụ vi phạm lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trước đây để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
d) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; xác định nguồn kinh phí trồng lại rừng trên diện tích đất bị lấn chiếm trái phép sau khi xử lý.
đ) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng hoàn thiện việc cắm mốc ranh giới theo lâm phận được giao quản lý.
5. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan điều tra các vụ việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm, xác định đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để xác lập hồ sơ vụ việc; chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn nhằm răn đe, giáo dục để phòng ngừa chung.
6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; kinh phí thực hiện phương án trồng lại rừng và bảo vệ diện tích rừng trồng trên diện tích đất bị lấn, chiếm sau khi xử lý.
7. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà không phát hiện, chậm phát hiện hoặc chưa chỉ đạo xử lý kịp thời thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.