Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đảng bộ thị xã Hương Trà tổ chức thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư (khóa IX)
Ngày cập nhật 23/05/2017

Xác định việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là đối với một vùng đất giàu truyền thống văn hoá và truyền thống đấu tranh cách mạng như thị xã Hương Trà. Vì vậy, Ban Thường vụ Thị ủy đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ thị xã và lịch sử đấu tranh cách mạng của các xã, phường.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam" và Chỉ thị số 06-CT/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; trên địa bàn toàn thị xã, việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ thị xã và của 16 xã, phường đã có những bước chuyển biến đó là: Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt, sao gửi Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị 06 của Tỉnh ủy đến các tổ chức cơ sở đảng để quán triệt đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; đồng thời đã chỉ đạo trực tiếp đối với các tổ chức cơ sở đảng thông qua các hội nghị cán bộ chủ chốt của thị xã; nhất là công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của các địa phương trên địa bàn toàn thị xã, việc biên soạn lịch sử Đảng bộ thị xã và lịch sử Đảng bộ các xã, phường được xác định là một trong những chỉ tiêu phấn đấu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XI, XII và XIII.

Đối với thị xã: đã biên soạn và phát hành cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện (nay là thị xã) giai đoạn 1937 - 1975 (năm 1998 - trước khi có Chỉ thị 15) và cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1975 - 2005 (năm 2010), tổ chức tuyên truyền lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1937 - 1975 (đã được biên soạn và phát hành năm 1998) trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và trong các trường học trên địa bàn; tổ chức thi tìm hiểu về Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1937 - 1975 trong toàn Đảng bộ.

Đối với các xã, phường: Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và giúp đỡ các xã, phường đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ biên soạn lịch sử đảng bộ các địa phương; xây dựng hệ thống các bước, quy trình biên soạn, mẫu hóa các văn bản liên quan như: kế hoạch, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên soạn, hợp đồng biên soạn...; chỉ đạo việc biên soạn và đã phát hành cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân thị xã (1945-2010) vào năm 2014. Các Đảng ủy đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lịch sử đảng bộ địa phương đối với công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; do đó 16/16 xã, phường đều xác định mục tiêu biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ mình. Đến nay, 02/16 xã, phường đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản (Đảng bộ phường Tứ Hạ và Đảng bộ phường Hương Hồ); Đảng bộ xã Hương Vinh đã phát hành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930 - 2000 và đã có kế hoạch tiếp tục biên soạn giai đoạn tiếp theo; các Đảng bộ còn lại đã xây dựng kế hoạch và đang trong quá trình thực hiện, trong đó có 03 Đảng bộ đã tổ chức Hội thảo lần 1 (Hương Văn, Hương Xuân, Hương Thọ), 02 Đảng bộ đã tổ chức Hội thảo lần 3 (Hương Phong, Hải Dương, Hương Chữ), 02 Đảng bộ đã hoàn thành bản dự thảo lần 1 nhưng chưa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến (Hương An, Hương Vân), 03 Đảng bộ đang xúc tiến ký kết hợp đồng biên soạn với các chủ biên (Bình Điền, Hương Bình, Bình Thành) và Đảng bộ xã Hồng Tiến đang xây dựng kế hoạch biên soạn lịch sử Đảng bộ xã.

Cùng với việc biên soạn, phát hành các đầu sách, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cũng được Ban Thường vụ và các cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo với nhiều hình thức như: tuyên truyền các sự kiện lịch sử trên hệ thống đài truyền thanh thị xã và cơ sở; qua sinh hoạt chi bộ, hội, đoàn thể; đưa vào nội dung chương trình các lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã, chương trình bồi dưỡng chính trị đầu năm học cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền lịch sử thông qua các hoạt động ngoại khóa của các trường học; tuyên truyền lịch sử địa phương thông qua kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, thị xã.... Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đã góp phần quan trọng làm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn mới. Các công trình đã thực hiện trong toàn Đảng bộ thị xã như Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1937-1975, Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1975 - 2005, Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân thị xã (1945-2010), Lịch sử Đảng bộ phường Tứ Hạ (1930-2015), Lịch sử Đảng bộ phường Hương Hồ (1930-2015) đã đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục, phản ánh trung thực các sự kiện lịch sử, trong đó nội dung về lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng được đề cập đậm nét.

Ban Thường vụ đã quan tâm, chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã đảm bảo kinh phí và các nguồn lực khác để thực hiện các công trình của thị xã và đã chỉ đạo đảng ủy các xã, phường phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực để phục vụ cho công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; thị xã bước đầu đã hỗ trợ mỗi xã, phường 20.000.000 đồng cho công tác biên soạn.

Công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ trên địa bàn thị xã đã có những bước chuyển biến rõ nét, trong đó có sự quan tâm của các cấp ủy đảng và vai trò tham mưu, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thị ủy. Công tác lịch sử Đảng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đó là: Một số cấp ủy cơ sở chưa tích cực, chủ động trong việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, phát hành Lịch sử Đảng bộ cấp mình. Tiến độ hoàn thành việc biên soạn và phát hành lịch sử đảng bộ 16 xã, phường chậm so Nghị quyết Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác biên soạn lịch sử đảng bộ còn hạn chế. Việc đầu tư kinh phí để phục vụ công tác biên soạn lịch sử của các xã, phường gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chưa chú trọng và quan tâm đúng mức; chưa có giải pháp quyết liệt để lãnh, chỉ đạo thực hiện đối với công tác lịch sử Đảng. Một số phường, xã ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong bố trí và huy động các nguồn kinh phí triển khai thực hiện. Tư liệu lịch sử trong thời kỳ chiến tranh thiếu nhiều, chưa đảm bảo tính hệ thống; các xã, phường chưa tập trung chú trọng sưu tầm; các nhân chứng lịch sử của các địa phương hiện còn sinh sống tại địa phương rất ít, đa số đã già, sức khỏe yếu.

Để khắc phục những hạn chế và thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Thị ủy đã bàn và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp đó là:  Tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 15 về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam". Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác lịch sử Đảng. Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, thẩm định các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương, ngành... trước khi xuất bản; nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu với cấp ủy địa phương trong xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bổ sung lịch sử Đảng. Tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử Đảng ở các địa phương. Nâng cao chất lượng biên soạn các công trình theo hướng chú trọng tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Coi trọng nâng cao chất lượng và ý nghĩa giáo dục của các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đối với công tác xác minh tư liệu, cùng với việc triển khai công tác sưu tầm, xác minh tư liệu, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lưu trữ tư liệu lịch sử; sớm có kế hoạch sưu tầm, bổ sung những tư liệu lịch sử còn thiếu, chưa đảm bảo nhằm làm sáng tỏ sự kiện, nhân vật, nhận định, đánh giá… chưa chính xác trong lịch sử Đảng bộ địa phương. Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của cấp uỷ. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương trong các nhà trường trên địa bàn thị xã, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng. Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Thực hiện thẩm định bản thảo lịch sử Đảng bộ trước khi thông qua để xuất bản và phát hành.        

Với những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, hy vọng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và lịch sử Đảng bộ trong toàn thị xã nói riêng sẽ ngày càng chất lượng hơn.

Mai Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.117.578
Truy câp hiện tại 17.391