Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Triển khai Đề án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2018
Ngày cập nhật 30/01/2018

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Thị ủy Hương Trà về bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến 2020 trên địa bàn thị xã Hương Trà;Căn cứ Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2017 của  Hội đồng nhân dân thị xã Hương Trà về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018;Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thị xã Hương Trà về dự toán ngân sách nhà nước thị xã năm 2018; UBND thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2018 với các nội dung cụ thể như sau:

 

1. Mục tiêu

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã hội trong công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Chủ động, ngăn ngừa, hạn chế mức độ ô nhiễm, suy thoái về môi trường do tác động của con người và biến đổi khí hậu gây ra;

- Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý các nguồn tài thiên nhiên theo hướng phát triển bền vững;

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thị xã để hạn chế ô nhiễm môi trường và rủi ro thiên tai, sự cố xảy ra;

- Thực hiện tốt và hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải tại các xã, phường theo hướng phát triển bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới và cải thiện môi trường đô thị ngày càng xanh – sạch – đẹp.

2. Chỉ tiêu

 Tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2018 cụ thể như sau:

-  Tỷ lệ cộng đồng dân cư tại các phường, xã được tập huấn và tiếp cận tài liệu thông tin tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đạt tỷ lệ trên 99,8%;

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn thị xã đạt trên: 88%;

  Trong đó: - Khu vực nội thị đạt trên: 92%.

                   - Khu vực ngoại thị đạt trên: 85%.

- Tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt: 99,8%;

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên: 60%;

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện về môi trường thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường theo quy định đạt tỷ lệ trên 95%;

- Phấn đấu các trung tâm đô thị, cụm công nghiệp, cụm làng nghề có hệ thống thoát nước thải đạt tỷ lệ trên 82%; 100% các cơ sở sản xuất đầu tư mới phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

3. Nhiệm vụ

Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu một cách đa dạng trên các thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ dân trong công tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu;

Tổ chức tốt các hoạt động về bảo vệ môi trường, hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường, thường xuyên phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời khắc phục hậu quả sau lụt bão, tổng dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ sau lũ lụt, sớm ổn định sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị;

Tiếp tục triển khai thực hiện đề án Bảo vệ môi trường thị xã Hương Trà giai đoạn 2018 đến năm 2020 theo Quyết định phê duyệt số 241/DA/UBND ngày 8/03/2012 của UBND thị xã;

Tiếp tục điều chỉnh và thực hiện tốt Đề án thu gom xử lý rác thải sinh hoạt thị xã Hương Trà giai đoạn 2018- 2020 theo 02 mô hình đã được phê duyệt; phấn đấu đưa tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị xã năm 2018 đạt trên 88%, trong đó: khu vực nội thị đạt trên 92%, khu vực ngoại thị đạt trên 85%;

Phối hợp các Sở ngành xúc tiến đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tại Hương Bình theo chủ trương của UBND tỉnh và xây dựng phương án khắc phục ô nhiễm bãi chôn lấp xử lý rác tại chân núi Thế đại;

Phối hợp các ngành chức năng và Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế hướng dẫn UBND các xã, phường thực hiện việc thu giá dịch vụ về thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 94/2017/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 về Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị xã theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

+ Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện để xử lý theo đúng quy định, soát xét để tổ chức di dời một số cơ sở thường xuyên gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư đến các khu quy hoạch; phối hợp với các ngành cấp tỉnh xây dựng đề án di dời Nhà máy gạch Tuynen km9.

+ Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải tại các khu công nghiệp, phường nội thị và thực hiện tốt công tác chăm sóc, trồng mới hệ thống cây xanh đô thị theo hướng xanh – sạch – đẹp;

+ Triển khai hướng dẫn các các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thị xã thực hiện tốt Thông tư số 31/2016TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về quy định bảo vệ môi trường;

+ Tiếp tục triển khai các mô hình thu gom xử lý rác để làm phân vi sinh, thu gom xử lý rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật tại các phường, xã nhằm góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp;

+ Thường xuyên phối hợp các sở ngành tiến hành kiểm tra, quan trắc nguồn nước trên địa bàn các xã, phường, nhất là nguồn nước mặt tại khu vực đầm phá 02 xã Hương Phong, Hải Dương, nguồn nước sông Hương, sông Bồ và 02 lòng hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền; Tập trung xử lý, tiêu độc khử trùng nguồn nước bị ô nhiễm sau lũ lụt, đảm bảo được nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân;

+ Chỉ đạo UBND các phường, xã quy hoạch, sắp xếp vùng nuôi trồng thủy sản tại vùng đầm phá, sông Hương, sông Bồ, các lòng hồ trên địa bàn thị xã theo Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về ban hành quy định nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn xây dựng cam kết bảo vệ môi trường theo theo quy định góp phần ổn định môi trường nuôi trồng thủy sản tại các xã, phường;

+ Thực hiện tốt công tác diệt trừ cây ngoại lai, chỉ đạo tổ chức trồng cây xanh bảo vệ môi trường tại các  xã vùng đồi núi, vùng cát, vùng ven biển đầm phá, trung tâm các phường, xã, các tuyến phố, các đường làng, ngõ xóm tạo môi trường cảnh quan xanh sạch;

Phối hợp các Sở, ngành tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác Tài nguyên khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức thành lập tổ tự quản để quản lý việc khai thác cát, sỏi trái phép thuộc địa bàn nhạy cảm tại các phường, xã theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh (Khu vực Cồn lớn phường Hương Xuân; khu vực Cồn lớn xã Hương Vinh, khu vực Xước Dũ phường Hương Hồ, khu vực Điện Hòn Chén, Lăng Minh Mạng xã Hương Thọ);

Phối hợp các sở, ngành tiến hành quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 22/7/2015 của UBND tỉnh;

 Chỉ đạo các xã, phường tổ chức quản lý hiệu quả các bến bãi tập kết các sỏi theo quy hoạch tại Quyết định 936/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh và mô hình khai thác cát, sỏi cộng đồng tại bãi bồi thôn Bình Tân xã Bình Thành; bãi bồi Tổ dân phố Lại Bằng phường Hương Vân theo chủ trương của UBND tỉnh;

 Thực hiện tốt công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường; tổ chức huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các địa phương theo hướng phát triển và bền vững.

4. Tổ chức thực hiện.

Nguồn vốn đầu tư: UBND thị xã dự kiến huy động nguồn vốn để triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2018: 19.810.000.000đ

Trong đó: - Ngân sách Thị xã: 13.250.000.000đ;

- Ngân sách đóng góp: 6.560.000.000đ.

                              (Có phụ lục kinh phí đính kèm)

Giải pháp thực hiện

Để triển khai thực hiện tốt nội dung Đề án  bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2018, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Các ngành chức năng của thị xã thường xuyên phối hợp, lồng ghép các chuyên đề về tuyên truyền bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thị xã một cách đa dạng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ dân trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác bộ máy quản lý TN&MT từ cấp thị xã đến các, xã phường để thực hiện tốt Đề án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2018.

- Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phân vùng sử dụng hiệu quả về tài nguyên đất đai, môi trường, khoáng sản hiệu quả và tiết kiệm.

- Tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ cấp thị xã đến cấp xã, phường một cách cụ thể để phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo hướng phát triển và bền vững;

- Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ  môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động các nguồn lực trong công tác xã hội hóa để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải sinh hoạt theo các mục tiêu và chỉ tiêu xây dựng trong năm 2018;

- Tổ chức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tài nguyên và môi trường của thị xã để kiểm tra, kiểm soát, xử lý khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, khí thải tại các cụm công nghiệp, cụm làng nghề, khu đô thị, dân cư và các cơ sở khai thác tài nguyên khoáng sản gây ra.

5. Phân công thực hiện:

Phòng Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, chịu trách nhiệm chính tổ chức thực hiện nội dung Đề án này; phối hợp các ngành chức năng, các xã, phường lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường; tổng hợp báo cáo UBND thị xã trước ngày 25 tháng cuối quý;

Phòng Kinh tế: Chủ trì, phối hợp phòng Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; chủ động phối hợp các ngành, các xã, phường lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện Chương trình phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, Chương trình  mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống; triển khai thực hiện tốt một số mô hình điểm về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp;

Phòng Văn hóa thông tin: Phối hợp phòng Tài nguyên và môi trường tăng cường công tác tuyên truyền bằng phương tiện trực quan khẩu hiệu, panô, áp phích... để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ môi trường; xây dựng nội dung kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, tăng cường viết tin, bài và hướng dẫn đài truyền thanh các xã, phường để kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động về bảo vệ môi trường, và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;

 Đài truyền thanh thị xã: Phối hợp phòng Tài nguyên và môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng nội dung kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, tăng cường viết tin, bài và hướng dẫn đài truyền thanh các xã, phường để kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động về bảo vệ môi trường, và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;

Phòng quản lý đô thị: Chỉ đạo các xã, phường, các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị, trồng cây xanh bảo vệ môi trường; thường xuyên đôn đốc, giám sát các xã, phường, các nhà đầu tư xây dựng trên địa bàn thị xã thực hiện đúng các qui định của pháp luật về trật tự đô thị;

 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực: Tổ chức thực hiện tốt các dự án nạo vét, khơi thông, nâng cấp mở rộng hệ thống thoát nước tại các phường nội thị;

 Phòng Giáo dục và đào tạo: phối hợp phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền giáo dục về pháp luật bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu vào trường học, đưa chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào các chương trình giáo dục ngoại khóa, lồng ghép để phát động phong trào bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các trường học; tổ chức tọa đàm, hội thi tìm hiểu về môi trường và biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức, ý thức cho các em học sinh trong trường học;

Phòng Tài chính – Kế hoạch: Trên cơ sở Đề án công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững năm 2018 đã được UBND thị xã phê duyệt, có kế hoạch cân đối và tham mưu UBND thị xã phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư cho các nội dung hoạt động thuộc Đề án này một cách hợp lý; hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương sử dụng nguồn kinh phí đầu tư theo đúng quy định của Pháp Luật;

 UBND các xã, phường: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thuộc địa phương mình quản lý; chủ động tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; th­ường xuyên phát động phong trào bảo vệ môi trường toàn dân vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, đưa công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành phong trào xã hội hóa để triển khai thực hiện;

 

Phòng TNMT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.275.161
Truy câp hiện tại 1.973