1. Đối tượng và áp dụng
Quy định này áp dụng đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Quy định này và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
2.Lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư
1. Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ.
2. Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư:
a) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: huyện Nam Đông, huyện A Lưới, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
b) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà; các khu công nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hàng năm và theo từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư hàng năm và theo từng thời kỳ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
3.Ưu đãi về thuế và đất đai
Nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất đai.
4. Hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào
Các dự án thuộc danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành theo từng thời kỳ được hỗ trợ công trình giao thông ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phù hợp với quy hoạch được duyệt, quy mô đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dự án của nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các công trình điện, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị doanh nghiệp chuyên ngành đầu tư xây dựng đến công trình để bán trực tiếp cho các nhà đầu tư.
Đối với một số hạ tầng trong hàng rào, tỉnh sẽ xem xét mức hỗ trợ phù hợp tùy theo tính chất, quy mô của dự án từ nguồn ngân sách của địa phương.
Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư cụm công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải, nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp không được tính các khoản chi phí hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vào giá cho thuê đất và phí hạ tầng.
5.Hỗ trợ giải phóng mặt bằng và rà phá bom, mìn, vật nổ
Về hỗ trợ giải phóng mặt bằng:
a) Các dự án thuộc danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành hàng năm được tỉnh hỗ trợ bằng cách ứng trước 50% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án, riêng đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng. Phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn lại do nhà đầu tư tự bỏ vốn thực hiện và được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
b) Trường hợp nhà đầu tư đã ứng trước để chi trả toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì được tỉnh hỗ trợ lãi suất tương ứng với phần kinh phí được nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản này. Mức lãi suất hỗ trợ được tính bằng mức lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 1071/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2015. Thời gian hỗ trợ lãi suất được tính từ ngày nhà đầu tư chuyển tiền cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để chi trả cho người dân cho đến khi có quyết định giao đất cho nhà đầu tư.
c) Trường hợp nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư thì được sử dụng số tiền ký quỹ này để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
d) Trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư thì được hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ tương ứng với số tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư đã tạm ứng. Số tiền đã tạm ứng này được phép sử dụng ký quỹ theo quy định.
Về hỗ trợ rà phá bom, mìn, vật nổ: Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí rà phá bom, mìn, vật nổ đối với các dự án gồm:
a) Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
b) Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy định tại Điểm a Khoản này nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.
c) Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
6.Hỗ trợ đào tạo
Nhà đầu tư tuyển dụng lao động là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ các dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp thường xuyên sử dụng từ 200 lao động trở lên (có hợp đồng lao động từ 02 năm trở lên và tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định) được hỗ trợ với thời gian và mức hỗ trợ như sau:
- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/khóa. Mỗi lao động được hỗ trợ đào tạo 01 lần trong suốt thời gian làm việc tại doanh nghiệp.
- Thời gian hỗ trợ: Dự án đang trong thời gian xây dựng cơ bản và trong 03 năm đầu kể từ ngày dự án đi vào hoạt động.
- Tổng số lượng lao động của một doanh nghiệp được hỗ trợ không vượt quá quy mô số lượng lao động đã đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
7.Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin nếu đáp ứng các điều kiện:
a) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin; thu thập, tạo lập và xử lý dữ liệu số, thông tin số; nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ số; sản xuất sản phẩm phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin.
Các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin chưa được quy định tại Điểm này nếu phát sinh trong thực tế triển khai mà xét thấy cần phải hỗ trợ để khuyến khích phát triển thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để điều chỉnh, bổ sung.
b) Doanh nghiệp sử dụng lao động trên 50 người (có hợp đồng lao động từ 02 năm trở lên và tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định).
Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này được tỉnh hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng làm việc trong 03 năm đầu kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu thuê mặt bằng trên địa bàn tỉnh để hoạt động. Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm và được quy định cụ thể như sau:
Năm thứ nhất: Tối đa không quá 60.000đồng/1m2/tháng.
Năm thứ hai: Tối đa không quá 40.000đồng/1m2/tháng.
Năm thứ ba: Tối đa không quá 20.000đồng/1m2/tháng.
8.Hỗ trợ xúc tiến đầu tư
Các doanh nghiệp có dự án quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Quy định này được hỗ trợ chi phí đi lại để tham gia xúc tiến đầu tư ở nước ngoài theo Kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh, cụ thể như sau:
- Không quá 50 triệu đồng/lượt/doanh nghiệp.
- Mỗi doanh nghiệp không quá 01 lượt/năm và 04 lượt trong suốt quá trình hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế.