Tăng 2,5 lần bồi dưỡng cho người làm việc nguy hiểm, độc hại
Ngày 30/05/2012, Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.
Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được tính theo định suất và có giá trị tăng 2,5 lần so với quy định cũ. Cụ thể, mức 01 là 10.000 đồng, mức 02 là 15.000 đồng, mức 03 là 20.000 đồng và mức 04 là 25.000 đồng. Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật theo đặc điểm điều kiện lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với các nghề, công việc có điều kiện lao động phức tạp mà chưa thể xác định ngay mức bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định tại Thông tư này, người sử dụng lao động phải tổng hợp các chức danh nghề, công việc đề nghị bồi dưỡng bằng hiện vật gửi Bộ, ngành hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý tổng hợp và có ý kiến để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xem xét quyết định. Đồng thời, phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2012.
Danh mục 7 ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công
Ngày 21/05/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công nhằm mục tiêu động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Nghị định ban hành Danh mục 07 ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công, gồm: Công nghiệp chế biên nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp...
Ưu tiên các chương trình, đề án thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; địa bàn các xã trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huyện vùng cao, hải đảo, biên giới đất liền; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ cũng quy định, ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản xuất thuộc các chương trình phát triển sản phầm công nghiệp chủ lực; công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp trọng điểm của quốc gia, vùng, miền và từng địa phương; sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/07/2012 và thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/06/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn
Cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học
Kể từ ngày 01/07, hàng loạt các quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức được áp dụng như: cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học; cấm giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường... là các nội dung vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/05/2012.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày; cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải thực hiện cam kết với UBND xã nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; Mức thu tiền học thêm...
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2012 và thay thế Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/07/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hạn chế chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp
Hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước là các chính sách vừa được Chính phủ khẳng định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/05/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Cũng theo Nghị định này, kể từ ngày 01/07/2012, việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước phải đáp ứng 03 điều kiện là: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng; Có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định.
Khi chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án, thực hiện dự án không đúng tiến độ để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định về các chính sách hỗ trợ đối với người trồng lúa, hỗ trợ cây giống và hỗ trợ người dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012.
Giảm ít nhất 20% giá vé tham quan cho người cao tuổi
Ngày 14/05/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và tổ chức mừng thọ người cao tuổi.
Theo đó, người cao tuổi khi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tang, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xuất trình giấy Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người cao tuổi thì được giảm ít nhất 20% giá dịch vụ.
Riêng đối với các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đang thực hiện thu tiền dịch vụ gắn liền với phí tham quan thì mức giảm giá vẫn là 50% mức thu phí hiện hành theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở khi thực hiện giảm giá dịch vụ đối với người cao tuổi có trách nhiệm niêm yết công khai văn bản thông báo về việc giảm giá dịch vụ, mức giảm giá dịch vụ đối với người cao tuổi tại nơi cung cấp dịch vụ, đồng thời thông báo về việc giảm giá dịch vụ tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012
Tăng 50.000 đồng lệ phí cấp mới biển số xe máy chuyên dùng
Theo quy định tại Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/05/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 76/2004/TT-BTC ngày 29/07/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ, một số loại lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng) tăng từ 20.000 - 50.000 đồng.
Cụ thể, lệ phí cấp mới và cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký kèm theo biển số xe máy chuyên dùng tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng/lần/phương tiện; lệ phí mỗi lần cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số hoặc đóng lại số khung, số máy tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/phương tiện; lệ phí cấp giấy đăng ký kèm theo biển số tạm thời xe máy chuyên dùng là 70.000 đồng/lần/phương tiện, tăng 20.000 đồng so với quy định cũ.
Cũng theo Thông tư này, lệ phí cấp mới và cấp lại giấy phép lái xe công nghệ mới là 135.000 đồng/lần.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012.
Từ ngày 01/07, giá bán điện bình quân tăng 65 đồng/kWh
Ngày 29/06/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.
Cụ thể, từ ngày 01/07/2012, giá bán điện bình quân tăng lên 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh so với trước đây (theo quy định cũ là 1.304 đồng/kWh).
Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh giá điện này, giá điện sinh hoạt vẫn chia thành 07 mức như hiện hành. Riêng giá bán điện sinh hoạt cho mức sử dụng từ 0 - 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không bị điều chỉnh, vẫn giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Các hộ dân bình thường và các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp đăng ký cho sản lượng điện sử dụng từ kWh thứ 51 trở lên, có mức sử dụng từ mức 0 - 100 kWh/tháng trở lên sẽ phải chịu mức tăng giá điện. Trong đó, mức tăng giá điện cho sinh hoạt cao hơn mức tăng bình quân, khoảng trên 6%. Giá điện ở 100 kWh đầu tiên sẽ có mức giá 1.284 đồng/kWh và giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất, từ số 400 kWh sẽ phải chịu mức giá lên tới 2.192 đồng/kWh.
Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các đơn vị bán lẻ điện thuộc địa bàn quản lý trong việc thực hiện giá bán điện theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp phát hiện các đơn vị không đáp ứng đủ điều kiện được quy định của pháp luật, Sở Công Thương có trách nhiệm tiến hành đình chỉ hoạt động của các tổ chức vi phạm, báo cáo UBND tỉnh để thu hồi giấy phép hoạt động điện lực hoặc báo cáo Cục Điều tiết điện lực để thu hồi giấy phép hoạt động điện lực do Cục Điều tiết điện lực cấp, bàn giao cho Công ty điện lực bán điện trực tiếp đến khách hàng sử dụng điện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012; thay thế Thông tư số 42/2011/TT-BCT ngày 19/12/2011.
Tặng quà 400.000 đồng cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 948/QĐ-CTN ngày 02/07/2012 của Chủ tịch nước về việc tặng quà nhân dịp ngày thương binh, liệt sĩ.
Cụ thể, nhân dịp kỷ niêm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ, Chủ tịch nước quyết định tặng quà mức 400.000 đồng đối với bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định mức quà tặng 200.000 đồng đối với đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, người có công nuôi dưỡng…); đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống do thương tật, bệnh tật đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Từ 26/07, xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp
Đây là nội dung mới quy định tại Thông tư số 20/2012/TT-BGDĐT ngày 12/06/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 06 của Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Theo đó, các trường đại học, học viện không thuộc diện đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp và hiện đang đào tạo trình độ này phải xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Cũng theo Thông tư này, các trường đại học, học viện không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trừ cá trường thuộc nhóm ngành văn hóa nghệ thuật. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xem xét và quyết định giao đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành sư phạm cho các trường đại học trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương không có cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành sư phạm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/07/2012.
Biểu mức thu phí giám định y khoa
Ngày 05/06/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 93/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định y khoa.
Đối với các dịch vụ khám lâm sàng phục vụ giám định y khoa, mức phí trong trường hợp khám giám định thông thường là 1,15 triệu đồng/trường hợp; khám giám định phúc quyết mức phí là 1,368 triệu đồng/trường hợp và khám giám định đặc biệt là 1,513 triệu đồng/trường hợp.
Mức thu phí cao nhất đối với dịch vụ khám cận lâm sàng phục vụ giám định y khoa như: ghi điện não đồ là 253.000 đồng/trường hợp; siêu âm 2D là 188.000 đồng/trường hợp; siêu âm 3D, 4D thu phí cao nhất 313.000 đồng/trường hợp; ghi điện tâm đồ là 173.000 đồng/trường hợp. Đối với chụp phim X-quang mức thu phí giao động từ 165.000 đến 203.000 đồng/trường hợp; chụp cắt lớp 3D (MSCT) mức phí thấp nhất là 2,772 triệu đồng/trường hợp và cao nhất 2,882 triệu đồng/trường hợp...
Cơ quan thu phí được trích 95% số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách Nhà nước để trang trải cho việc giám định và thu phí. Phần còn lại 5%, cơ quan thu phí nộp vào ngân sách Nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2012.
Giảm vốn ngân sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng
Ngày 01/06/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020.
Tại Quyết định, Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất thiết yếu và bảo đảm chi phí cho hoạt động của bộ máy quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, theo dõi giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng, cải thiện đời sống người dân trong rừng đặc dụng và vùng đệm.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Việc ban hành chính sách đầu tư, cơ chế phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư; đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng, đồng thời tăng tính chủ động của Ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, kinh doanh các dịch vụ trong rừng đặc dụng nhằm gia tăng nguồn thu tại các khu rừng đặc dụng trên nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2012;
Tăng 2 - 3m2 diện tích làm việc cho cán bộ cấp xã
Ngày 31/05/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/2012/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước tại xã, phường, thị trấn.
Theo đó, diện tích làm việc tối đa cho 01 chỗ làm việc của các cán bộ, công chức cấp xã tăng khoảng 02 - 03m2/người. Cụ thể, tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 01 chỗ làm việc của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND là 15m2/người (theo quy định trước đây là 10-12m2/người); của Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 12m2/người (tăng 02m2 so với trước đây); của Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và công chức làm tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán… là 10m2/người.
Trường hợp 01 cán bộ, công chức giữ nhiều chức danh có quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng diện tích làm việc cao nhất.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tiêu chuẩn, định mức nêu trên, căn cứ tình hình trụ sở làm việc thực tế của cơ quan cấp xã và khả năng ngân sách địa phương để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiến hành bố trí, sắp xếp lại trụ sở làm việc và lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước cấp xã theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2012.