Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) địa điểm dốc Ông Ầm - được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Ngày cập nhật 05/10/2017

Quá trình hình thành và vai trò, vị trí của tuyến đường dốc Ông Ầm trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Từ trung tâm thành phố Huế (Phu Vân Lâu) theo Quốc lộ 1A đi ra hướng Bắc khoảng 8km, sau đó rẽ trái theo đường Hà Công 3,5km, tiếp tục rẽ trái theo đường Kim Phụng 2,5km đến ngã ba cầu Máng rồi rẽ phải theo đường liên thôn, liên xã khoảng 2km là đến di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) địa điểm dốc Ông Ầm.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuyến đường dốc Ông Ầm thuộc địa bàn xã Hương Thái (gồm 2 xã Hương An và Hương Chữ ngày nay). Dốc Ông Ầm nằm giữa núi ông Voi và dãy núi từ rú Lầu nối liền đồng bằng với chiến khu Trò Trái, nơi có địa hình đồi núi, lại gần thành phố Huế và vùng nông thôn rộng lớn ở các huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền... Từ vị trí dốc Ông Ầm có thể nhìn bao quát một vùng đồng bằng rộng lớn của 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền nên bộ đội ta ngày đêm sử dụng làm vị trí quan sát diễn biến tình hình ở vùng đồng bằng, đồng thời là nơi tập kết các lực lượng chính trị, vũ trang từ chiến khu về đồng bằng qua các xã Hương Thái, Hương Toàn, Hương Sơ, Hương Vinh thuộc huyện Hương Trà và phía Bắc thành phố Huế.

Từ năm 1948 trở đi, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh và các ngành từ chiến khu Hòa Mỹ chuyển vào Dương Hòa nên đã hình thành một con đường từ Dương Hòa về Đình Môn, Hải cát, Hương Hồ đến dốc Ông Ầm qua chiến khu Hòa Mỹ ra đến Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Vì vậy dốc Ông Ầm trở thành một mắt xích quan trọng nối ba vùng chiến lược.

Nhận thấy tuyến hành lang quan trọng nảy địch thường xuyên tổ chức các lực lượng đánh phá.  Năm 1953 Trung đoàn lính Lê Dương của Pháp tiến hành nhiều trận càn ác liệt vào các thôn An Đô, Rú Cấm, Phụ Ổ, Bồn Trì, Bồn Phổ...nhằm tiêu diệt các lực lượng kháng chiến của ta.

Ngày 21/7/1945, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết , đốc Ông Ầm là nơi cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng vũ trang ở huyện Hương Trà và thành phố Huế tổ chức hành quân ra Bắc tập kết.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dốc Ông Ầm là trọng điểm nằm trên tuyến hành lang Bắc – nam, đồng thời là tuyến đường nối đồng bằng và miền núi. Năm 1968, Trung ưởng đảng, khu ủy và quân khu Trị Thiên- Huế ra chỉ thị về sẵn sàng chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Lúc này, huyện Hương Trà được xác định là một hướng tấn công chính ở cánh Bắc vào thành phố Huế, đồng thời là hướng rút lui chủ yếu khi địch phản kích.

Đối với xã Hương Chữ, địa bàn được xác định là hướng chuyển quân, tập kết và là hậu phương chính của cánh Bắc, trong đó dốc Ông Ầm là nơi có vị trí địa lý thuận lợi, nhiều đồi núi và rừng cây bao phủ, vừa gần thành phố, nên các lực lượng của ta có thể quan sát được tình hình hoạt động của địch ở Quốc lộ 1A đoạn từ km 11 đến An Hòa - Bạch Hổ, vừa dễ áp sát triển khai các lực lượng dọc theo các tuyến hành lang về một số địa phương thuộc huyện Hương Trà và thành phố Huế.

Nhận thấy vị trí lợi hại của dốc Ông Ầm, địch thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân đánh phá, phục kích để ngăn chặn lực lượng của ta về đồng bằng hoạt động và trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, các đơn vị vũ trang từ các căn cứ thường về hai xã Hương Thái (Hương Chữ - Hương An của thị xã Hương Trà ngày nay), Hương Bình (Kim Long và Hương Long của thành phố Huế ngày nay) và vào cửa Chánh Tây nội thành Huế (đây là cửa mở chính cánh Bắc của chiến dịch), đồng thời chốt giữ ngã ba tại cầu An Hòa, cầu Bạch Hổ lên Văn Thánh. Mũi hành quân này đảm bảo bí mật, an toàn đến các mục tiêu đã định. Một bộ phận còn lại được phân công chốt giữ tại địa điểm dốc Ông Ầm, phục vụ các đơn vị tiếp tế, chi viện cho chiến dịch, đón các lực lượng của Hương Trà và nội thành Huế ra; cùng với nhiệm vụ trên, huyện Hương Trà đã giao nhiệm vụ cho xã Hương Thái tổ chức hai điểm đón tiếp (trung chuyển) tại nhà bác Hà Văn Ngụ ở thôn La Chữ và nhà bác Phan Giã ở thôn Phụ Ổ. Huy động lực lượng, lương thực, thực phẩm chuyên lo cơm, nước uống cho các lực lượng vào và ra ở Huế và Hương Trà.

Trong 26 ngày đêm giữ Mặt trận Huế, đã có hàng nghìn lượt người hành quân qua dốc Ông Ầm và đều ghé vào điểm đón tiếp để ăn và nhận thêm hai xuất ăn để vào Huế hoặc lên hậu cứ. Đồng chí Nguyễn Thị Hằng – Huyện ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Hương Trà và đồng chí Trần Thị Nguyệt là Phó Chủ tịch Hội đồng tiền phương đã tập hợp các mẹ, các chị... huy động lúa, gạo, mắm, muối, gà, vịt... của nhân dân để phục vụ bộ đội đánh chiếm Huế và chuẩn bị cơm cho dân quân vận tải lên căn cứ, đặc biệt là lực lượng cáng thương binh lên về. Hằng ngày, “các quán cơm xã hội chủ nghĩa” cứ vận hành như một guồng máy chuyên nghiệp; hàng chục mẹ đun rơm, đút củi, nấu cơm, làm thức ăn, phân phối các khẩu phần, phục vụ hơn 1000 lượt người là bộ đội, dân công ăn, ở tại chỗ và gần 2000 xuất tiếp tế vào Mặt trận Huế. Xung quanh các quán cơm tại nhà bác Hà Văn Ngụ và nhà bác Phan Giã là hệ thống hầm hào đơn giản để tránh phi pháo của địch. 

Ngoài các lực lượng dân công vận tải, cáng thương, học sinh, sinh viên, thanh niên ở Huế ra, các lực lượng tiếp tế chi viện cho Mặt trận Huế vào, còn có các Trung đoàn chủ lực quân khu của Bộ Quốc phòng chi viện cho Huế, trong đó có Trung đoàn 9 do đồng chí Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng) làm Trung đoàn trưởng. Trong đêm 26/02/1968, khi quân ta rút lui khỏi Huế đã có hàng nghìn lượt người đi qua dốc Ông Ầm, trong đó có Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình của thành phố Huế, gồm: Hòa thượng Thích Đôn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương liên minh; bà Nguyễn Đình Chi (tức Đào Thị Xuân Yến) – Phó Chủ tịch Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình của thành phố Huế và Ủy ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên Huế; Giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm; các đồng chí Nguyễn Trung Chính; Nguyễn Hường Thọ; Thái Long; cụ Nguyễn Đóa; Tiểu đoàn 802; K10; K32; K105 của tỉnh và quân khu; Tiểu đoàn 7; Tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 3 (Sư đoàn 325) và nhiều nhân sĩ, trí thức khác... Vì lực lượng đông, có tính tổng hợp (quân, dân, chính) thường xuyên lên về đồng bằng để chỉ đạo phong trào phá ấp chiến lược, đánh địch đi càn... Nắm được quy luật này, nên địch thường đưa lực lượng, phương tiện chiến tranh để ngăn chặn ta, như: Các lực lượng bộ binh, pháo binh, hải pháo Hạm đội 7, máy bay trực thăng, C130, các loại mìn tự động, mìn hẹn giờ, pháo sáng... nhưng nhờ sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh cánh Bắc đã tổ chức đưa, đón toàn bộ lực lượng đi qua dốc Ông Ầm bảo đảm an toàn, bí mật và thông suốt.

 

Mỹ Lệ (phòng VHTT)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 940