Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Về việc tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng
Ngày cập nhật 11/06/2021

Từ đầu tháng 6 đến nay, thời tiết ở Thừa Thiên Huế đã xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt đô phổ biến từ 37 đến 40oC, cùng với đó là các ngày mưa dông làm cho các yếu tố môi trường thay đổi khó lường gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi, một số nơi đã xảy ra hiện tượng thủy sản chết rải rác hoặc hàng loạt cục bộ trong ao nuôi do thiếu nước và các điều kiện môi trường chưa đảm bảo. Theo Trung tâm dự báo thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, nắng nóng sẽ còn xuất hiện trong tháng 6, 7 và 8 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38oC, có nơi lên đến 39oC, 40oC.

 

Để kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với nuôi trồng thuỷ sản, người nuôi trồng thủy sản cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tăng cường công tác giám sát môi trường vùng nuôi, triển khai ngay các khuyến cáo qua Bản tin quan trắc và cảnh báo môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản của Chi cục Thủy sản và các đơn vị quan trắc có liên quan phát trên Đài phát thanh truyền hình thừa Thiên Huế (Đài TRT).

2. Thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó với nắng nóng, hạn hán và biến động bất thường của thời tiết, ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Đặc biệt chú ý về khẩu phần ăn, chế độ cho ăn cho phù hợp; thường xuyên quan sát diễn biến của môi trường và thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm và chiều tối để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Chủ động trong phòng chống dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu dịch bệnh, cần có biện pháp xử lý và báo ngay với cơ quan chức năng (UBND xã/phường/thị trấn; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện/thị xã; Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế; Chi cục Chăn nuôi và Thú y) theo quy định.

4. Tổ chức cải tạo, nâng cấp, khơi thông hệ thống trạm bơm, kênh mương cấp và thoát nước nhằm đảm bảo đủ nước chất lượng phù hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt các vùng nuôi thâm canh tập trung.

5. Đối với diện tích nuôi xen ghép và nuôi cá lồng nước lợ vùng đầm phá, tăng cường chăm sóc, thu tỉa các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm (tôm sú, cua, cá kình, cá dìa, cá nâu, cá mú, cá hồng,…).

6. Đối với nuôi cá lồng nước ngọt ở lòng hồ thủy điện, thủy lợi và trên các sông suối,… cần chủ động di chuyển lồng đến nơi có bóng mát hoặc che lưới lan bề mặt lồng bè để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng bè, chuẩn bị máy sục khí, trang thiết bị và hóa chất để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

7. Đối với vùng nuôi thâm canh tập trung: Khuyến khích người nuôi tôm tăng thời gian cấp nước trong ngày phù hợp, kết thúc ca cho ăn cần làm vệ sinh ngay, tránh thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.

 

Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.529.839
Truy câp hiện tại 14.959