Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Thanh trà Hương Vân đem lại nguồn lợi kinh tế cho người làm vườn
Ngày cập nhật 22/10/2015

Phường Hương Vân có diện tích trồng cây Thanh Trà trên 100 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch hằng năm khoảng trên 70 ha, giá trị kinh tế do cây đặc sản Thanh Trà mang lại rất lớn mỗi ha cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Vì vậy, có rất nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng loại cây này.

Theo Chị Châu Thị Loan hiện ở tại tổ dân phố 9 người trồng lâu năm nhất cho biết: Năm nay ở tổ dân phố chị có rất người bán Thanh Trà từ 70 đến 200 triệu đồng. Đó là các chị Trần Thị Hạnh, Trần Thị Ngân, Trần Thị Như, Châu Thị Ngân…Riêng gia đình chị bán được trên 200 triệu đồng.

Chị cho biết: Có một thời gian dài do ảnh hưởng của khí bụi thải ra từ nhà máy Lux xi măng làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của người dân, một số hộ không mặn mà lắm với loại cây trồng này. Được UBND phường quan tâm vận động và xem cây Thanh Trà là cây chủ lực nên người dân bắt đầu ổn định canh tác đầu tư, quy hoạch vườn để lưu giữ loại cây mà có tiếng thơm lưu truyền lâu đời trong cộng đồng dân cư.

Đối với loại cây Thanh Trà thích hợp ở nhiệt độ trung bình năm từ 24 đến 25 độ C, Độ ẩm trung bình : 83 - 84%. Ánh sáng thích hợp nhất là khoảng thời gian nắng lúc 8 giờ sáng hoặc lúc 4 giờ chiều. Mùa hè  nắng nhiều nên dễ làm trái Thanh Trà bị nám nắng, ảnh hưởng đến phẩm chất và giá trị thương phẩm của trái. Vì vậy, khi thành lập vườn trồng Thanh Trà nên bố trí mật độ trồng và khoảng cách trồng hợp lý để hạn chế trái bị nám nắng hoặc có biện pháp bao trái phù hợp. Cây Thanh Trà cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa, đậu quả và quả phát triển nhưng không chịu ngập úng, ẩm độ đất thích hợp nhất là 70 - 80%. Nên tưới nước vào mùa khô và tiêu nước vào mùa mưa. Tưới nước không bị nhiễm mặn hoặc phèn, không bị ô nhiễm. Đất đai Cây Thanh Trà thích hợp trên đất phù sa được bồi hàng năm, thành phần thịt nhẹ.

Chuẩn bị hố trồng là khâu rất quan trọng; Đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng tức là khoảng tháng 12, nhưng trong điều kiện thời tiết hiện nay biến đổi bất thường nên chuẩn bị đất trồng từ đầu mùa mưa, khoảng tháng 8-9 dương lịch. - Khi đào hố nên để tầng đất mặt sang một bên, tầng dưới sang một bên. Sau đó trộn lớp đất mặt với 50 kg phân chuồng hoai mục, 1 - 1,5kg phân Lân và 1đến 1,5 kg vôi/hố, nên trộn đều phân với đất đào lên rồi mới lấp cho đầy hố. Nếu thiếu đất, dùng đất mặt ở trong vườn bổ sung, không nên dùng lớp đất ở tầng dưới. Trên chân đất thường bị ngập úng nên đắp mô cao từ 30 - 60cm so với mặt đất, đường kính mô khoảng 1m để thoát nước tốt tránh cho cây khỏi bị úng trong mùa mưa. Khi cây càng lớn thì đắp mô càng rộng ra theo tán cây.Thanh Trà là loại cây ưa sáng, tán rộng, nếu trồng quá dày thì tán cây sẽ giao nhau, quang hợp thấp, đậu quả ít, sâu bệnh phát triển và lây lan; ngoài ra cây sẽ sinh trưởng mạnh về chiều cao không thuận lợi cho chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Nhưng nếu trồng quá thưa thì lãng phí đất, cỏ dại phát triển nhiều, đồng thời vào mùa nắng đất giữ ẩm kém.

Thanh Trà được đem trồng vào cuối tháng 12 đến cuối tháng 1 năm sau. Vì thời gian này là cuối đông, đầu xuân, đã qua những cơn lụt hay bão, điều kiện thời tiết thích hợp cho cây con sinh trưởng và phát triển tốt. Phân để bón cho Thanh Trà chủ yếu là phân hữu cơ,Urê, Super lân, Clorua Kali. Bón phân cho cây phải tuân thủ quy trình từ bón lót, chú ý khi bón phân kết hợp với làm cỏ xung quanh tán cây. Tuy nhiên, vào mùa mưa nên giữ cỏ trong vườn giữ cho gốc cây khỏi bị ngập úng. Thực hiện việc tỉa cành sau khi thu hoạch hoặc tỉa các cành bị sâu bệnh để giữ độ an toàn sinh trưởng cho cây.Ngoài ra, nên phủ cỏ hay rơm khô quanh gốc cây cũng giúp phòng bệnh ngoài việc giúp cải thiện đất và giữ ẩm độ đất. Đối với Thanh Trà có ba loài gây hại đó là Sâu đục cành; Sâu đục thân; Sâu đục gốc. Bên cạnh đó có các loại sâu khác như Sâu đục quả, các loài Nhện, Rầy mềm. Vì vậy, thường xuyên quan sát, diệt trừ tận gốc những loại sâu bệnh không để chúng lây lan làm giảm chất lượng của cây..

Sau khi ra hoa, đậu quả khoảng 6 tháng (khoảng từ rằm tháng 7-8 âm lịch) thì quả Thanh Trà chín. Khi đó phía bên ngoài vỏ chuyển từ xanh đến xanh vàng, láng bóng thì thu hoạch. Nên thu hoạch vào những ngày khô ráo, không nên thu hoạch quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả sẽ bị thối khi cất giữ sẻ không được lâu.

Nhờ bám sát quy trình từ trồng cây, chăm sóc đến thu hoạch theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm khuyến nông mà hàng năm các vườn Thanh Trà ở tổ dân phố 9 có vị ngọt, thanh mà những nơi khác không có được. Vì vậy, khi Thanh Trà mới ra hoa đã có thương lái đến đặt mua cả vườn. Các hộ dân ở đây rất băn khoăn hiện nay chưa xây dựng được nhãn hiệu hay thương hiệu Thanh Trà như ở Thủy Biều hay những nơi khác để tư thương không ép giá, và đầu ra cho sản phẩm được thuận lợi.

Hy vọng một ngày không xa các ban ngành chức năng quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ bà con để Thanh Trà Hương Vân có thương hiệu được nhiều người biết đến không những  ở trong nước mà cả ngoài nước làm động lực cho người dân thêm tin tưởng vào loại cây đem lại nguồn lợi lâu dài cho mỗi gia đình.

Thu Hương - Hội LHPN Thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.604.436
Truy câp hiện tại 12.199