Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hội nghị triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tập huấn nghiệp vụ công tác hộ tịch
Ngày cập nhật 02/02/2016

Ngày 26 tháng 01 năm 2016, Ủy ban nhân dân thị xã tổ chức hội nghị triển khai một số nội dung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tập huấn nghiệp vụ công tác hộ tịch. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Xuân Ty- Chủ tịch  UBND thị xã chủ trì.

Hội nghị đã triển khai một số nội dung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tập huấn nghiệp vụ công tác hộ tịch.

 Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương, 143 điều, luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Những nội dung mới đáng chú ý trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là: Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn; HĐND cấp tỉnh được bầu từ 50 đến 95 đại biểu (tăng 10 đại biểu so với trước đây), HĐND cấp huyện được bầu từ 30 đến 40 đại biểu, HĐND cấp xã được bầu từ 15 đến 35 đại biểu; thay chức danh Ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh Phó Chủ tịch HĐND; Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch, các Ủy viên là Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng của HĐND tỉnh; Chánh Văn phòng HĐND tỉnh phải là đại biểu HĐND tỉnh và được HĐND cấp tỉnh bầu; Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch, các Ủy viên là Trưởng các Ban của HĐND cấp huyện; Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND; HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội.  

Về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp, Thường trực HĐND các cấp. Ngày bầu cử theo quy định là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Cụ thể, đối với ngày bầu cử nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày 22/05/2016. Cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử…

Về Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch, cụ thể như: phạm vi điều chỉnh của Luật, xác định khái niệm hộ tịch và quy định rõ các nội dung của việc đăng ký hộ tịch; về bảo đảm quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của cá nhân, nguyên tắc đăng ký hộ tịch; thẩm quyền đăng ký hộ tịch; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch... Trong đó, lưu ý đến những điểm mới trong đăng ký khai sinh, cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh; quy định mới trong xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của các nhân; những cải cách về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch. Một điểm mới quan trọng nữa đó là Luật quy định rõ việc miễn lệ phí Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; Luật quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.

Lê Trọng Quốc
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 3.410