Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hướng dẫn một số biện pháp chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa rét
Ngày cập nhật 02/02/2016
Ảnh minh họa

Hiện nay, tình hình thời tiết và dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; độ ẩm cao, mưa nhiều và rét lạnh là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đổ ngã đối với gia súc, gia cầm trên địa bàn thị xã.

Để chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, người chăn nuôi (nhất là đối với những người chăn nuôi trâu, bò) cần thực hiện một số biện pháp sau:

1. Tu sửa chuồng trại:

Tu sửa, che chắn chuồng trại gia súc, gia cầm đảm bảo đủ ấm vào mùa đông, các hộ nuôi trâu bò thả núi cần kiểm tra, gia cố lại chuồng trại đủ diện tích để chuyển về nuôi giữ. Chuồng nuôi phải vững chắc, nền chuồng luôn khô ráo, không bị mưa gió làm ẩm ướt; đồng thời dự phòng vải bạt, tấm ni lông, phên tre, nứa lá, chất độn chuồng, lắp thêm bóng điện, củi đốt, mùn cưa, vỏ trấu… để khi nhiệt độ xuống mức rét đậm, rét hại dùng quây xung quanh chuồng nuôi và đốt sưởi ấm. Khi có dự báo nhiệt độ thời tiết xuống dưới 12°C, cần khẩn trương lùa vật nuôi về chuồng, lán trại, tuyệt đối không thả rông ngoài đồng, ngoài bãi, trên rừng qua đêm.

Ảnh minh họa

2. Chế biến, dự trữ thức ăn:

Hiện nay lượng thức ăn thô xanh khá nhiều, đặc biệt là rơm, thân và lá cây ngô, lá sắn, lá lạc, cây chuối… người chăn nuôi nên tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp này để chế biến, dự trữ làm thức ăn cho vật nuôi như: ủ xanh, ủ chua, ủ urê…, cần tận dụng những vùng đất không bị ngập úng để trồng thêm cỏ nhằm bổ sung thức ăn xanh cho trâu bò. Ngoài ra có thể dự trữ thêm cám, bột thức ăn công nghiệp (thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc), bột ngô, bột đậu nành, bột cá… để bồi dưỡng cho vật nuôi già yếu và mới sinh.

3. Quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng:

Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt.

- Đối với trâu bò: nếu thời tiết chớm rét hoặc có nhiều sương thì buổi sáng thả đi ăn muộn, buổi chiều đưa về chuồng sớm. Khi có rét đậm, rét hại, cần cho trâu bò nghỉ làm việc và cho ăn đủ no, đảm bảo dinh dưỡng. Khẩu phần ăn từ 30-40 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 26-30 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 3-4 kg rơm, 1-2 kg thức ăn tinh; cho uống nước ấm pha muối loãng (10-15g muối/lít nước), 2-3 lít/con/ngày. Có thể dùng thêm một số thuốc trợ sức, trợ lực, thuốc phòng cước chân…

- Đối với lợn và gia cầm (đặc biệt là gà và lợn nái nuôi con): cần nuôi nhốt những khi có mưa rét, không để ướt và lạnh chân; làm dày lớp độn chuồng (rơm, trấu…), cho ăn nhiều bữa trong ngày để đủ no.

Thường xuyên dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, không để nước đọng trong chuồng nuôi. Khi đốt trấu và củi, thắp bóng điện hoặc bóng đèn tạo nhiệt cần đảm bảo an toàn (tránh gây cháy và bỏng).

4. Phòng chống dịch bệnh:

Tranh thủ những ngày trời nắng ấm nên tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc gia cầm nhằm phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi như vắc xin: lở mồm long móng gia súc, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả và nhị liên lợn, cúm gia cầm. Đối với các trại chăn nuôi lợn số lượng nhiều, cơ sở nuôi lợn nái sinh sản cần tiêm vắc xin tai xanh. Tẩy ký sinh trùng đường máu, ký sinh trùng đường ruột, sán lá gan cho vật nuôi.

Thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hố phân và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Xử lý thu gom và ủ đống chất thải chăn nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường và tiêu diệt mầm bệnh.

Trên đây là một số hướng dẫn, biện pháp chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa rét. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt nhằm tránh thiệt hại về kinh tế cho gia đình cũng như xã hội./.

Nguyễn Thị Bê (Phòng Kinh tế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 5.571