Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Báo động tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi
Ngày cập nhật 18/09/2021
Ảnh minh họa

Thời gian qua, tai nạn giao thông trong đối tượng học sinh phổ thông ở nhiều nơi gia tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều bậc phụ huynh để con đi học bằng xe máy, xe đạp điện khi không có bằng lái và chưa đủ tuổi.

 

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hiện nay trên cả nước, tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở vi phạm quy định trật tự ATGT rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT); tập trung vào một số hành vi vi phạm như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai, hàng ba, chở quá số người quy định,...

Theo quan sát tại nhiều trường phổ thông ở các thành phố, thị xã, phần lớn các em tan học sẽ được bố mẹ đón, đi xe đạp hoặc đi bộ về nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số học sinh đi xe máy đến trường, gửi xe tại các điểm trông xe tự phát do người dân lập nên. Trong số các em, hầu hết đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng và chưa có ý thức khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Ra khỏi cổng trường, các em điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm, tụ tập đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây TNGT. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT trong học sinh tăng cao. Ðại diện ban giám hiệu nhiều trường đều khẳng định, đã làm việc với công an phường đề nghị phối hợp chặt chẽ tuần tra, chốt một số điểm gần trường để xử lý, nhắc nhở các học sinh vi phạm. Những học sinh này sẽ bị hạ hạnh kiểm, nhắc nhở trước toàn trường. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, trường chỉ có thể xử lý học sinh khi có báo cáo của lực lượng chức năng, bởi không thể can thiệp khi các em đã ra ngoài đường. Thậm chí, các bãi xe tự phát ngay sát nách cổng trường cũng rất khó xử lý, dù các trường đã nhiều lần kiến nghị.

Có thể thấy, nhiều gia đình mặc nhiên chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không sợ bị "đánh" vào hạnh kiểm, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều,... Nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về ATGT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp. Qua các vụ TNGT ở đối tượng học sinh, nguyên nhân trực tiếp do học sinh vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, do các gia đình thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con em mình khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD - ÐT) chỉ đạo các sở GD - ÐT yêu cầu các trường phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không chở quá số người quy định; không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái. Các lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về ATGT đối với học sinh.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người đủ từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc (bao gồm xe máy điện) mà không cần có giấy phép lái xe. Tuy phân khối nhỏ nhưng tốc độ có thể đạt tới tối đa 60km/h, mỗi khi xuất hiện trên đường đều dễ khiến người dân bất an bởi đây là loại phương tiện không yêu cầu người điều khiển phải có bằng lái, nên phần lớn người đi xe đều là các thiếu niên chưa hiểu hết luật giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa cao. Do đó, mấy năm gần đây, nhiều gia đình đã trang bị cho con, em mình những chiếc xe máy phân khối nhỏ (dưới 50cc) làm phương tiện để tới trường.

Tình trạng TNGT liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu thiên trong thời gian qua cũng vẫn còn diễn biến phức tạp, trong năm 2020 có gần 800 người (sinh từ năm 2002 đến nay) liên quan đến các vụ TNGT ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Đây thực sự là con số đáng báo động về sự an toàn của học sinh khi tham gia giao thông nhưng dường như nó vẫn chưa đủ sức để răn đe chính các em học sinh và phụ huynh?

Ngập tràn xe máy điện và xe gắn máy dưới 50cc. Hiện nay, trên đường phố xuất hiện rất nhiều phương tiện mang BKS “AA”, đó là những chiếc xe có dung tích xi-lanh dưới 50cc và theo quy định pháp luật hiện hành thì người điều khiển phương tiện sẽ không cần bằng lái.

Trong năm 2020 đã có gần 500 nghìn phương tiện xe mô tô dưới 50cc và xe xe máy điện đăng ký trên toàn quốc và đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh. Số lượng phương tiện dưới 50cc, xe máy điện đăng ký nhiều tập trung tại một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Chính số lượng xe gắn máy dưới 50cc và xe máy điện tăng chóng mặt trong thời gian qua, đối tượng sử dụng chủ yếu lại là học sinh và với quy định người đủ từ 16 tuổi trở lên điều khiển xe mô tô hai bánh dưới 50cc không cần giấy phép lái xe cho nên nhiều gia đình đã sắm cho con, em của mình những chiếc xe máy dưới 50cc dùng để di chuyển khi đi học. Với lứa tuổi chưa phát triển hết về thể chất và tinh thần cũng như chưa nhận thức được rõ về mặt pháp luật dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) và gây rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý và hệ lụy cho xã hội.

Thiếu hiểu biết, thanh thiếu niên tham giao thông coi thường pháp luật

Tình trạng thanh thiếu niên đang độ tuổi học sinh do thiếu sự hiểu biết của pháp luật, thiếu sự quan tâm từ gia đình nên thường xuyên tụ tập, tổ chức nẹt pô, đi thành hàng ngang, phóng nhanh vượt ẩu gây mất mất TTATGT đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho chính bản thân và cho xã hội đang diễn ra khá phổ biến, mặc dù lực lượng chức năng, trong đó lực lượng CSGT đã nhiều lần xử lý, nhắc nhở, tuyên truyền rất nhiều lần.

Cần phải có biện pháp khắc phực và xử lý!

Không chỉ thể hiện ý thức kém của một bộ phận học sinh trong việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đây cũng là hồi chuông đáng báo động về hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục An toàn giao thông trong nhà trường, sự thiếu quyết liệt trong việc ngăn cấm học sinh đi xe máy đến trường, để các em được tự ý để xe trong trường học và sự thờ ơ của phụ huynh khi để các em tùy ý tham gia giao thông một cách “hồn nhiên” như vậy.

Lực lượng CSGT xử lý vi phạm một trường hợp học vi phạm pháp luật về TTATGT để răn đe đồng thời ngăn chặn các hành vi nguy hiểm của các em học sinh.

Các bậc phụ huynh đã quá bận bịu, hay đã quá dễ dãi, nuông chiều các con, để các em muốn gì được nấy, được “tùy ý” tham gia giao thông mà không hề kiểm soát? Đến khi các con bị lực lượng CSGT xử lý thì lại xin xỏ, thậm chí có những trường hợp xúc phạm lực lượng CSGT.

Tương lai của giới trẻ nằm trong chính đôi bàn tay của các em, nhưng để các em có thể vững vàng nắm giữ tương lai ấy một phần phải nhờ vào sự giáo dục của các thầy cô và các bậc phụ huynh.

Hy vọng rằng, các bậc phụ huynh hãy nhận thức được sự nguy hiểm của việc để các con được tự do điều khiển xe máy khi tham gia giao thông, sẽ không mua hoặc giao xe máy cho con em khi các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

Trước thực trạng đó, thời gian qua lực lượng CSGT toàn quốc tổ chức tuyên truyền rất nhiều đến các đối tượng là các em học sinh.

Nhà trường cần tích cực hơn, quyết liệt hơn trong việc kiểm soát tình trạng học sinh đi xe máy đến trường học, công tác tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông tại các trường cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan, để các em có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông.

 

Văn Thu Thảo-Phòng TP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.509.039
Truy câp hiện tại 6.425