Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Kêu gọi đầu tư dự án: nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 04/07/2020

THÔNG TIN DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ

DỰ ÁN: NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

 TẠI XÃ HƯƠNG BÌNH, THỊ XÃ HƯƠNG TRÀ

 

1. Tên dự án: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà.

2. Địa điểm thực hiện: Khu đất có ký hiệu TK+PL thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu xử lý triệt để môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Phạm vi ranh giới như sau:

- Phía Tây: giáp tỉnh lộ 16 (đấu nối với Quốc lộ 1A);

- Phía Nam, phía Bắc, phía Đông giáp đất lâm nghiệp (rừng keo).

3. Diện tích khu đất: Khoảng 26,5ha.

4. Hiện trạng: Chủ yếu là đất lâm nghiệp (rừng keo).

5. Mục tiêu đầu tư: Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà được thực hiện nhằm các mục tiêu sau:

- Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất 240 tấn/ngày. Quy mô khu chôn lấp có sức chứa khoảng 195.000m3 đảm bảo xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho địa bàn thành phố Huế (các phường phía Bắc sông Hương), thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền.

- Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng.

- Hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên, gây tác động tiêu cực đến môi trường và mỹ quan đô thị.

- Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

- Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận xung quanh khu vực dự án, nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành dự án.

6. Sự thuận lợi của khu đất dự án:

- Khu đất này đã được phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) theo Quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh với quy mô diện tích 48,3ha và lập, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) theo Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 với quy mô diện tích 26,5ha.

- Nhà đầu tư có thể thuê lại cơ sở vật chất phần nhà nước đầu tư trong giai đoạn 1 để quản lý và vận hành toàn bộ khu xử lý rác thải Hương Bình và toàn bộ phần đất đã giải phóng mặt bằng 15,5ha;

7. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư:

- Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về xã hội hóa tại Điều 16 của Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

- Đơn vị tổ chức mời thầu: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế (theo Khoản 3, Điều 2, Nghị định 25/2020/NĐ-CP).

8. Hình thức đầu tư: Đầu tư trong nước hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài.

9. Quy mô dự án đầu tư: Đầu tư mới cơ sở tái chế chất thải rắn sinh hoạt để đồng bộ với các hạng mục khác thuộc Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền và một phần thành phố Huế với công suất là 300 tấn/ngày.

10. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án: Tổng mức đầu tư dự án khoảng 200 tỷ (chưa bao gồm tiền thuê đất).

11. Các tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư: Ngoài các điều kiện, quy định chung phù hợp với các quy định hiện hành, nhà đầu tư đăng ký phải đảm bảo một số tiêu chí như sau:

11.1 Năng lực tài chính của nhà đầu tư: Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư sẽ được quy định cụ thể trong Hồ sơ mời sơ tuyển/Hồ sơ mời thầu được phê duyệt. Trong đó, quy định về vốn như sau:

a) Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án.

Nhà đầu tư phải cung cấp cam kết về việc huy động vốn chủ sở hữu. Trong cam kết về huy động vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư phải cung cấp thông tin về việc huy động vốn chủ sở hữu của các dự án đang thực hiện dở dang.

Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính của năm gần nhất của nhà đầu tư đã được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán và báo cáo tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại thời điểm tham gia dự án. Nếu nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập thì vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính đã được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán từ thời điểm thành lập đến thời điểm tham gia dự án; đồng thời đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ phải có văn bản cam kết về đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính của dự án.

Trường hợp tại cùng một thời điểm, nhà đầu tư tham gia nhiều dự án thì phải đảm bảo tổng số vốn chủ sở hữu đáp ứng đủ cho toàn bộ số vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết thực hiện cho tất cả các dự án theo quy định.

b) Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác (Nhà đầu tư nộp kèm theo văn bản cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đối với phần nghĩa vụ tài chính còn lại ngoài vốn chủ sở hữu thuộc trách nhiệm thu xếp của nhà đầu tư).

11.2 Năng lực kinh nghiệm của đầu tư: Theo quy định cụ thể trong Danh mục dự án công bố/ Hồ sơ mời thầu được phê duyệt.

11.3. Đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của dự án: Dự án phải đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch, kiến trúc đã được UBND tỉnh phê duyệt.

11.4 Tiến độ thực hiện dự án: Tối đa 03 năm kể từ khi ký kết hợp đồng thuê đất.

11.5 Thời gian thực hiện dự án: 50 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư.

11.6 Hình thức nộp tiền thuê đất: Hàng năm/một lần.

11.7 Điều kiện không vi phạm pháp luật đất đai: Nhà đầu tư thực hiện dự án không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp nhà đầu tư đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

11.8 Điều kiện về phương án xây dựng và năng lực vận hành:

- Nhà đầu tư phải có phương án kiến trúc đảm bảo sự hài hòa với các công trình xung quanh, tôn trọng yếu tố cảnh quan khu vực lân cận. Phương án kiến trúc phải được Sở Xây dựng thống nhất trước khi triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng.

- Có phương án quản lý, khai thác và vận hành dự án phù hợp, chứng minh được tính khả thi.

11.9. Yêu cầu môi trường, an toàn:

- Việc thay đổi địa hình, cảnh quan tự nhiên (trường hợp cần thiết) như: san lấp các khu đất, hồ, ao, cây xanh, mặt nước (nếu có) đều phải tuân thủ theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.

- Việc quản lý và xây dựng công trình cần tuân thủ các Quy định, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn chuyên ngành để kiểm soát, đảm bảo việc bảo vệ môi trường đô thị trong khu vực quy hoạch.

- Phải có các giải pháp giảm thiểu, khắc phục tác động đối với dân cư, cảnh quan thiên nhiên; không khí, tiếng ồn khi triển khai thực hiện quy hoạch.

- Bảo vệ môi trường không khí: Bố trí trồng cây xanh hai bên đường, công viên, các điểm xanh.

12. Đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư:

- Dự án hoàn thành sẽ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho địa bàn thành phố Huế (các phường phía Bắc sông Hương), thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền.

- Tăng nguồn thu ngân sách từ các khoản thuế (môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiêp,…).

- Dự án sau khi triển khai sẽ góp phần đóng góp sự phát triển môi trường của địa phương.

- Về vấn đề tạo công ăn việc làm, theo đánh giá sơ bộ, dự án sau khi hoàn thành và đi vào vận hành, sẽ thu hút khoảng 20-30 lao động địa phương, góp phần nâng cao và ổn định đời sống người dân địa phương.

13. Điều kiện về thu hồi đất và chấm dứt hoạt động của dự án: Theo quy định của pháp luật.

14. Thông tin quy hoạch: Theo Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu xử lý triệt để môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể như sau:

14.1. Quy mô khu vực lập quy hoạch:

- Quy mô đất đai: Diện tích lập quy hoạch khoảng 26,5ha.

- Quy mô thu gom: Địa bàn thành phố Huế (các phường phía Bắc sông Hương), thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và Quảng Điền.

- Quy mô chôn lấp: Sức chứa khoảng 195.000m3.

- Quy mô xử lý (đến năm 2030): 240 tấn/ngày.

14.2. Các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản:

- Chỉ tiêu cấp nước

+ Nước công trình công cộng và dịch vụ được quy hoạch tùy theo tính chất cụ thể của công trình, tối thiểu 2 lít/m2 sàn – ngày.đêm.

+ Nước tưới vườn hoa, công viên: ≥ 3 lít/m2 – ngày.đêm

+ Nước rửa đường: ≥ 0,5 lít/m2 – ngày.đêm.

+ Chữa cháy: ≥ 15 lít/s/đám cháy.

- Chỉ tiêu cấp điện

+ Công cộng, dịch vụ: ≥ 20W/m2 sàn.

+ Công viên, cây xanh: ≥ 1,2kW/ha.

+ Các nhu cầu dùng điện khác tính toán theo tiêu chuẩn quy định.

- Chỉ tiêu chôn lấp: ≤10%/tổng lượng chất thải rắn thu gom/ngày.

- Chỉ tiêu nước thải: Thu gom và xử lý 100%.

- Rác thải sinh hoạt: 1,3kg/người/ngày, tỷ lệ thu gom 100%; thị xã Hương Trà: 0,9kg/người/ngày; huyện Phong Điền và Quảng Điền: 0,8kg/người/ngày. Tỷ lệ thu gom: thành phố Huế 100%; thị xã Hương Trà ≥ 90%; huyện Phong Điền và Quảng Điền ≥ 85%.

14.3. Các chỉ tiêu quy hoạch:

- Khu điều hành (diện tích 1,06ha) có các chức năng như: Xây dựng văn phòng làm việc, kho dụng cụ và pha hóa chất, nhà vệ sinh cho công nhân, gara để xe, nhà bảo vệ, nhà nghỉ ngơi cho công nhân, xưởng cơ điện,... được xây dựng các công trình với chiều cao ≤ 02 tầng; mật độ xây dựng ≤ 40%.

- Khu tập kết, phân loại và tái chế (diện tích 1,23ha) có các chức năng như: Tập kết rác thải, nhà phân loại chất thải rắn, nhà tái chế rác,... được xây dựng các công trình với chiều cao ≤ 02 tầng; mật độ xây dựng ≤ 60%.

- Khu xử lý theo công nghệ sinh học (diện tích 3,03ha) có các chức năng như: ủ, kho chứa sản phẩm,... được xây dựng các công trình với chiều cao ≤ 02 tầng; mật độ xây dựng ≤ 60%.

- Khu đốt rác (diện tích 1,13ha) có các chức năng như: Chứa lò đốt rác, xử lý khói thải,... được xây dựng các công trình với chiều cao ≤ 02 tầng; mật độ xây dựng ≤ 40%.

- Khu chôn lấp rác (diện tích 4,35ha) gồm các ô chôn lấp rác được bố trí các chức năng phù hợp, đảm bảo kinh tế kỹ thuật.

- Khu xử lý nước rỉ rác (diện tích 0,32ha) có chức năng xử lý nước rỉ rác trong quá trình hoạt động phân loại và chôn lấp rác; bố trí các hạng mục như hồ điều hòa và xử lý bằng công nghệ hóa sinh kết hợp,...

- Khu hồ chỉ thị sinh học (diện tích 0,76ha) có chức năng kiểm soát chất lượng đạt chuẩn theo quy định môi trường trước khi xã thải ra môi trường tự nhiên.

- Khu đất dự trữ (diện tích 3,83ha) đảm bảo quỹ đất dự trữ để phát triển các hạng mục xử lý rác.

- Khu cây xanh, mặt nước (diện tích 6,39ha) có chức năng tạo cảnh quan và điều hòa không khí trong khu vực.

- Đất giao thông có diện tích 4,38ha.

- Chỉ giới xây dựng: Lùi 6m so với chỉ giới đường đỏ.

14.4. Các yêu cầu khác:

- Phương án kiến trúc phải được Sở Xây dựng tổ chức thông qua.

- Tổ chức các lối giao thông tiếp cận, bố trí các bãi đỗ xe, khu cây xanh – hồ chỉ thị sinh học,... nhằm tạo không gian cảnh quan đẹp, hạn chế sự ảnh hưởng của khu xử lý CTR đến môi trường khu vực lân cận.

- Khu vực phía Tây Bắc: bố trí khu trung tâm điều hành tại khu vực đường vào chính để quản lý, giám sát các hoạt động ra vào khu xử lý; bố trí các bãi đỗ xe kết hợp cây xanh, các hồ sinh học môi trường thuận tiện cho việc đậu đỗ phương tiện, đồng thời tạo điều kiện để quan trắc môi trường nước thải, đảm bảo khoảng cách ly với Tỉnh lộ 16; bố trí các khu phân loại, tái chế, xử lý sinh học, đốt rác và chôn lấp dọc theo trục đường giao thông của khu quy hoạch.

- Khu vực phía Đông Nam: bố trí khu xử lý sinh học, đất dự trữ để phục vụ mở rộng dự án sau này.

- Yêu cầu về không gian: Phân khu chức năng hợp lý, giao thông mạch lạc, công trình kiến trúc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và thẩm mỹ, hệ thống cây xanh cách ly, mặt nước được bố trí phù hợp với các khu chức năng nhằm đảm bảo cảnh quan và điều kiện vệ sinh môi trường.

- Yêu cầu về giao thông: Bãi đỗ xe bố trí gần cổng chính, khu tập kết rác của khu quy hoạch, trong các khu chức năng và theo địa hình tự nhiên kết hợp với các tuyến giao thông chính.

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu xử lý triệt để môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh một số nội dung quy hoạch chi tiết xây dựng Khu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

15. Ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo Quyết định số 76/2019/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: danh mục dự án đầu tư cơ sở xử lý rác thải thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi xã hội hóa và được hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ như sau:

- Được thuê cơ sở vật chất do nhà nước đang quản lý; giá cho thuê được tính bằng mức giá thuê tối thiểu được xác định theo nguyên tắc bảo toàn chi phí hình thành nên tài sản cho thuê; giá cho thuê được xác định trên cơ sở đánh giá lại tài sản theo quy định hiện hành về quản lý tài sản nhà nước (theo khoản 2 Điều 6 Quyết định số 76/2019/QĐ-UBND).

- Miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian hoạt động của dự án.

- Được hỗ trợ về ưu đãi tín dụng.

- Một số ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

16. Yêu cầu về thành phần Hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện dự án: Theo yêu cầu tại Danh mục dự án công bố/Hồ sơ mời thầu được phê duyệt.

17. Thông tin liên hệ:

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế

Địa chỉ: 07 Tôn Đức Thắng, thành phố Huế

Số điện thoại: 0234 3855501/3938824/3938825

Email: ipa.skhdt@thuathienhue.gov.vn

 

VP HĐND-UBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.523.955
Truy câp hiện tại 12.118