Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Kế hoạch Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 17/01/2022

Ngày  29   tháng 12  năm 2021, Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch số 4822/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong nhữngtrung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung sau:

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thị xã đối với việc góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động phát thanh truyền hình, thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

3. Tạo sự thống nhất và quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 04 đã đề ra. Đồng thời, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong lĩnh vực văn hóa, du lịch - dịch vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

4. Triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn thị xã. Khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đẩy mạnh phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, lựa chọn những mục tiêu, khâu đột phá nhằm đạt kết quả cao nhất.

II. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1.Mục tiêu

Bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, con người Hương Trà nói riêng; đặc sắc văn hóa con người Huế, con người Việt Nam nói chung. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động phát thanh, truyền hình, thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Gắn các mục tiêu nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người với các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Khai thác, phát huy những lợi thế tài nguyên văn hóa, du lịch, phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các nghề truyền thống. Đầu tư hình thành các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

2.Chỉ tiêu

- Hoàn thành việc đo đạc, khoanh vùng, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 07 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thị xã quản lý.

- Trùng tu, sửa chữa 2-3 di tích lịch sử văn hóa.

- Hoàn thành công trình quảng trường, nhà văn hóa Trung tâm thị xã.

- 95% gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa.

- 95% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa.

- 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

- Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 03 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

- Phấn đấu 80% doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tổ chức công đoàn trực thuộc Liên đoàn lao động thị xã đăng ký xây dựng doanh nghiệp văn hóa và 80% doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tổ chức công đoàn trực thuộc Liên đoàn lao động thị xã đã đăng ký xây dựng doanh nghiệp văn hóa được công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

- Phấn đấu 100% xã, phường có nhà văn hóa, khu thể thao; 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa.

- Đầu tư hình thành 2 - 3 điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa, con người Hương Trà mang đậm bản sắc văn hóa Huế gắn với bản sắc văn hóa dân tộc

Tăng cường củng cố bản sắc văn hóa, con người Hương Trà góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, thân thiện, mến khách của con người Hương Trà nói riêng và Huế nói chung.

Chú trọng xây dựng văn hóa học đường gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trau dồi lý tưởng cách mạng, tình yêu gia đình, tổ quốc, đồng bào, sống tích cực lành mạnh.

Bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số PaHy, CơTu… tại xã Bình Tiến, Bình Thành.

Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa nông thôn mới, tích cực tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh”; “Chủ nhật vì cộng đồng” kết hợp với phong trào xây dựng “Cơ quan xanh, sạch, đẹp” đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị tạo sức lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân.

2. Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa; gắn kết giữa văn hóa với du lịch, lấy văn hóa làm nền tảng đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo hệ thống các công trình, di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng như Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, Bia tưởng niệm liệt sỹ tại căn cứ quân sự Động Tranh Bastogne, chú trọng các di tích cấp quốc gia Tháp Đôi Liễu Cốc, Nhà thờ Đặng Huy Trứ.

Đầu tư, tu bổ, phục hồi các di tích Tháp đôi Liễu cốc, Đình làng Văn Xá, Đình làng Cổ Lão đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thành việc đo đạc, khoanh vùng, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 07 di tích được UBND tỉnh phân cấp quản lý trực tiếp.

Lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng trên địa bàn thị xã đã được đưa vào danh mục kiểm kê.

Triển khai thực hiện quy hoạch khảo cổ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế theo kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 26/7/2017 của UBND tỉnh, theo đó, tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ Cồn Thu lôi, Cồn Ràng, Cồn Dài (Hương Chữ), Cửa Thiền, Cồn Tháp (Tứ Hạ).

Phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch, khai thác các loại hình du lịch cộng đồng trải nghiệm gắn với tham quan di tích văn hóa lịch sử, các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo điều kiện để khôi phục các lễ hội truyền thống, tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc nói chung và các dân tộc ít người tại các xã miền núi như Pa Hy, Cơ Tu… nói riêng, kết hợp làm du lịch cộng đồng, du lịch khe suối của các xã miền núi làm đa dạng thêm các loại hình du lịch trên địa bàn.

Đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề may đo Áo dài Huế, Ẩm thực Huế trên địa bàn.

Phát triển du lịch nông thôn, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống các loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, kết hợp tham quan, phục vụ tour, tuyến du lịch với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa tại các địa phương.

3. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Xây dựng hệ thống công viên- cây xanh đô thị, chú trọng chỉnh trang đô thị tuyến Quốc lộ 1A và đường tránh phía Tây thành phố Huế, xây dựng công trình kiến trúc tiêu biểu của thị xã.

Đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng nhà văn hóa trung tâm, quảng trường trung tâm, khu liên hợp thể thao (sân bóng, bể bơi, nhà thi đấu) trung tâm thị xã, xây dựng nghĩa trang nhân dân thị xã, các xã, phường, hệ thống điện chiếu sáng dọc tuyến đường tránh phía tây thành phố Huế và các công trình khác từ thị xã đến cơ sở. Đến năm 2025 hoàn thành công trình quảng trường, nhà văn hóa trung tâm của thị xã.

Huy động nguồn lực tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thị xã đến các xã, phường, cụm dân cư; hệ thống thư viện xã, phường và thị xã; cải tạo, nâng cấp các cơ sở tập luyện thể thao. Đầu tư xây dựng hoàn thành nhà văn hóa phường Hương Xuân, phường Hương Vân, phường Hương Chữ, phường Tứ Hạ, xã Bình Thành; 100% xã phường có hệ thống thư viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa.

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư các thiết văn hóa, thể thao cơ sở, thực hiện đổi mới phương thức quản lý các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.

4. Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động phát thanh truyền hình, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao. Quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao đời sống tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp. Tạo điều kiện tổ chức các lễ hội văn hóa của các doanh nghiệp, tôn giáo trên địa bàn.

Tiếp tục huy động sức mạnh toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa. Gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển du lịch với văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đi vào chiều sâu phong trào thể dục thể thao từ thị xã đến các xã, phường. Chú trọng chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, góp phần phục vụ lao động sản xuất, học tập và đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng và từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách thế hệ trẻ. Chủ động đấu tranh có hiệu quả với các sản phẩm phi văn hóa, độc hại, sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025, duy trì 95% gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa; 95% xã, phường, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa và 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đăng ký xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 80% doanh nghiệp đã đăng ký được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã đăng ký và đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% các phường đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị (trong đó có 03 phường đạt chuẩn).

Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực đội ngũ để không ngừng nâng cao chất lượng phát thanh trên địa bàn; xây dựng các trang truyền hình địa phương phát sóng trên đài tỉnh, khu vực và quốc gia.

5. Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực thương hiệu Hương Trà gắn với tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, chú trọng du lịch cộng đồng gắn với du lịch thông minh và bền vững

Tập trung xây dựng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Khe Đầy (xã Bình Thành), Suối Máu (xã Bình Tiến); du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng quê trồng rau, làm bánh lọc, làm đồ mã…. Ngoài chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, tập trung đầu tư vào hệ thống đường giao thông, hỗ trợ vốn cho các hộ dân sửa chữa nhà làm homestay, phục vụ du lịch cộng đồng; du lịch cộng đồng ở Cồn Nổi - TDP Liễu Nam - Vườn ổi VietGap tại phường Hương Xuân; du lịch tìm hiểu lịch sử - văn hóa ở các di tích Địa đạo khu ủy Trị Thiên Huế, Nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ, Tháp Đôi Liễu Cốc, Dốc Ông Ầm, Đình và Chùa La Chữ; du lịch trải nghiệm lòng hồ thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền, Hồ Thọ Sơn …

Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với chương trình OCOP mỗi xã mỗi sản phẩm như bún Vân Cù, quýt Hương Cần, Đông trùng hạ thảo, thanh trà Hương Vân. Hỗ trợ nâng cấp, đầu tư mới trang thiết bị máy móc để duy trì các làng nghề truyền thống như Bún Vân Cù, Cốm An Thuận.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch.

Khai thác tài nguyên rừng gắn với bảo tồn bền vững và đa dạng sinh học kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, hình thành các vùng kinh tế Nông - Lâm - Công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ, du lịch tại các vùng núi.

Xúc tiến, quảng bá giới thiệu danh mục dự án và thông tin thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch. Tranh thủ xúc tiến, quảng bá giới thiệu về Hương Trà. Tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Hương Trà, lấy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là sản phẩm chủ lực thông qua hình thức thông tin tuyên truyền bằng hình ảnh, các phóng sự, bản tin trên báo chí, đài truyền thanh, truyền hình địa phương, tỉnh, trên các trang thông tin điện tử và các mạng xã hội.

Ứng dụng công nghệ trong tiếp thị sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; hợp tác với các nền tảng số và các sàn giao dịch điện tử. Thông tin quy hoạch được thực hiện cập nhật nội dung đồ án vào cơ sở dữ liệu GIS Huế theo quy định tại Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 08/7/2021 về việc ban hành quy định thu thập, cập nhật, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh.

 Tham gia thường xuyên các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan tiến hành các chiến dịch phát động thị trường. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và nhân dân trong thị xã tích cực tham gia công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai và các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông phục vụ trực tiếp hoặc kết hợp phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương thuộc nguồn vốn ngân sách các cấp, vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm của thị xã; các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết hợp triển khai Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 09/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, tranh thủ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 về hạ tầng các điểm du lịch cộng đồng thị xã.

Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng và kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển dịch vụ, du lịch. Phát triển hệ thống điện, nước, hệ thống chứa và xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch. Chú trọng đầu tư loại hình dịch vụ homestay vừa phù hợp với điều kiện địa phương, vừa tiết kiệm đầu tư cơ sở vật chất và thích hợp với thị hiếu của du khách.

Tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án hạ tầng phát triển du lịch, quảng trường thương mại, dịch vụ văn hóa Hương Trà, trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại tại phường Tứ Hạ; Xúc tiến đầu tư các khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, cửa hàng chuyên doanh trên địa bàn.

 6. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch

Nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực về văn hóa, du lịch. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Bố trí cán bộ, công chức đảm bảo cho lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng cho nhân dân góp phần nâng cao hình ảnh của điểm đến du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện phòng, chống đuối nước; phòng, chống dịch covid-19, công tác an ninh trật tự tại các điểm du lịch; bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch; tạo môi trường du lịch thoáng đãng, trong lành, văn minh và an toàn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về văn hóa, dịch vụ, du lịch. Triển khai hiệu quả các giải pháp chính sách tạo thêm nhiều việc làm mới trong lĩnh vực du lịch, thông qua thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Xây dựng mối quan hệ lao động lành mạnh, cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển đào tạo nghề du lịch đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

7. Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trong xây dựng, phát triển văn hóa, du lịch

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xác định xây dựng, phát triển văn hóa, du lịch là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới, gắn với kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa, du lịch. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, quản lý và khai thác có hiệu quả các di tích, văn hóa. Xây dựng Quy chế quản lý du lịch phù hợp, tạo ra cơ chế phối hợp liên ngành, xây dựng các văn bản cam kết, quy định liên ngành để phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và tổ chức khai thác, phát triển du lịch.

Phối hợp Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Huế, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, cách mạng, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch và tham gia phát triển du lịch.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.

2. Kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; nguồn huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ hằng năm báo cáo UBND thị xã.

 2. Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng văn hóa và Thông tin, các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan trình UBND thị xã bố trí kinh phí sự nghiệp theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ; tham mưu bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, du lịch. Kêu gọi đầu tư để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.

3. Phòng nội vụ phối hợp với Phòng văn hóa và Thông tin triển khai thực hiện phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Văn phòng HĐND & UBND thị xã theo dõi, đôn đốc thực hiện kế hoạch này, hàng năm có báo cáo kết quả cho Thường vụ Thị ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

 

Mỹ Lệ - VHTT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.518.978
Truy câp hiện tại 3.246