Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Thành tích của ngành giáo dục Hương Trà và những nhiệm vụ cần tập trung cho năm học mới
Ngày cập nhật 10/09/2021

Năm học 2020-2021 đối với thầy và trò của thị xã Hương Trà diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn; đó là tình hình bão lũ xảy ra liên tục và đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động giáo dục. Để thích ứng trước tình hình đó, Ngành Giáo dục thị xã Hương Trà đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức dạy học; triển khai nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh và các thầy, cô giáo, vừa phải hoàn thành kế hoạch năm học. Với quyết tâm đó việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, toàn ngành giáo dục thị xã đã đạt được một số kết quả nổi bật cụ thể sau:

 

1. Qui mô, mạng lưới trường, lớp tiếp tục ổn định: Tiếp tục ổn định quy mô trường lớp, đến cuối năm học ( ngày 30/6/2021) trên địa bàn thị xã có 62 trường và 16 trung tâm. Công tác huy động và duy trì số lượng đạt kế hoạch đề ra. Khối Mầm non huy động 56 nhóm trẻ, với 1523/5166 trẻ, đạt tỉ lệ 29,48%, tăng 3,45% so với cùng kỳ; mẫu giáo: có 60 lớp mẫu giáo với 2049/2049, đạt 100%, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tiểu học huy động 9488 học sinh, trẻ 6 tuổi vào lớp 1  đạt tỉ lệ 100%; THCS huy động  6442 học sinh. Tuyển mới đạt 100% kế hoạch; THPT huy động 3999 học sinh. Tiếp tục giữ vững và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt phổ cập giáo dục tiểu học Mức độ 3, đạt Phổ cập giáo dục THCS Mức độ 2 và xóa mù chữ Mức độ 2.

2. Nhiều đổi mới trong quản lý như xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục cả giai đoạn và hằng năm. Đưa một số phần mềm vào áp dụng trong quản lý, trong dạy học đạt kết quả. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng ở trường mầm non có nhiều chuyển biến tốt; cuối năm học tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ chiếm tỉ lệ 0,85%, giảm 2,12% so với đầu năm học; mẫu giáo chiếm tỉ lệ 1,58%, giảm 1,82% so với đầu năm học. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, nhất là ở bậc tiểu học và THCS. Tỷ lệ học sinh xếp loại yếu về học lực các cấp giảm 0,68% so với năm học trước. THCS tốt nghiệp: 1495 em, đạt tỷ lệ: 100%; THPT tốt nghiệp: 1256 học sinh, đạt tỷ lệ: 97,82%.

3. Chất lượng đội ngũ được nâng lên, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Công tác đánh giá Hiệu trưởng, đánh giá giáo viên được tổ chức thực hiện nghiêm túc; công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra chuyên đề được tăng cường; công tác thi đua khen thưởng được triển khai sâu rộng và đem lại kết quả tích cực. Trong năm học, UBND thị xã quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho 237 cán bộ, giáo viên; Quyết định chuyển vị trí việc làm cho 16 nhân viên sang các hạng chức danh nghề nghiệp là giáo viên. Nhằm nâng cao tay nghề của đội ngũ trong công tác giáo dục và giảng dạy, trong năm học Phòng GD&ĐT đã tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non và Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học. Có 20 giáo viên tiểu học được Sở GD&ĐT công nhận giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh.

4. Cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục và đào tạo được tăng cường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được tăng cường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và ngày càng phát triển, góp phần hỗ trợ cho dạy và học đạt chất lượng cao hơn. Trong năm học 2020-2021, với nguồn vốn đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước cùng với ngân sách địa phương, cha mẹ học sinh, đã hoàn thành 27 phòng học, 01 khu hiệu bộ, nâng cấp và sửa chữa phòng học, xây mới và sửa chữa một số công trình vệ sinh, cổng, tường rào, lát sân và các công trình khác… với tổng kinh phí  hơn 33,3 tỷ đồng; ngoài ra với nguồn ngân sách tỉnh, thị xã đã đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học với tổng số tiền 13,4 tỷ đồng; Đang xây dựng 46 phòng học với tổng kinh phí hơn 44,6 tỷ đồng. Đến nay có 43/62 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 69,35%.

5. Triển khai đầy đủ, kịp thời việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thong. Triển khai,  đáp ứng  đầy đủ yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành. Đã triển khai việc dạy học sách giáo khoa lớp 1 đạt hiệu quả.

6. Triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống bão lũ, công tác phòng chống dịch Covid -19. Đã đảm bảo các hoạt động giáo dục khi học sinh không đến trường vì bão lũ, dịch bệnh bằng việc tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để bị động, lúng túng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục.

Bước vào năm học mới 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của các cấp về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026, với những thuận lợi cơ bản, nhưng khó khăn trước mắt và lâu dài đang hiện diện đó là tình trạng dịch bệnh Covid- 19 đang xảy ra trên các tỉnh, thành trong cả nước với diễn biến phức tạp và khó lường, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt đối với ngành giáo dục là việc duy trì giảng dạy, tuyền thụ kiến thức trực tiếp cho học sinh tại lớp học truyền thống lâu nay bị gián đoạn, đã làm thay đổi các phương thức cả dạy và học là một vấn đề lớn cần quan tâm.  Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học này, ngành Giáo dục Hương Trà cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và các giải pháp để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và chất lượng của năm học đó là:

1. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành chương trình giáo dục năm học. Triển khai, thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học. Xây dựng và triển khai kế hoạch năm học với các phương án, giải pháp linh hoạt, phù hợp để ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19; tranh thủ tối đa thời gian an toàn về dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp, ưu tiên giảng dạy trước các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khuyến khích tổ chức dạy học nhiều hơn 06 buổi/tuần đối với giáo dục trung học, khi dịch bệnh phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp, thì tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục; tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển GD&ĐT.  Thực hiện nghiêm túc Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản hướng dẫn  thực hiện về lĩnh vực giáo dục; về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022. Đặc biệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; cụ thể đối với Hương Trà tham mưu thực hiện Đề án đảm bảo điều kiện học tập và nâng cao chất lượng giáo dục dành cho học sinh khuyết tật chuyên biệt;  Đề án thực hiện Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ về việc Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về thu, quản lí phí đối với cơ sở giáo dục.

3. Rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo.  Thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, số trường còn lại trên địa bàn thị xã là 38 trường và 10 trung tâm, trên cơ sở đó tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực trạng các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình để sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học theo quy định theo hướng hợp lí, đồng bộ, hoàn thiện theo Công văn số 3712/BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ GD và ĐT.

4. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên.  Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số ở Bình Thành và Bình Tiến; tăng tỷ lệ huy động, nhất là độ tuổi nhà trẻ. Khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập, tư thục.

 Tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng, hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6; chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 5 và lớp 7 đến lớp 9 đảm bảo hoàn thành chương trình năm học.  Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đảm bảo hiệu quả. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn; phấn đấu tăng số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia.  Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận khai thác các nguồn học liệu đa dạng, phong phú; phát triển khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Thực hiện chương trình giáo dục địa phương đối với học sinh phổ thông; bồi đắp, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và con người Huế thông qua các chương trình thực tế, trải nghiệm gắn với giáo dục kỹ năng.

Tiếp tục đẩy mạnh và duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao, câu lạc bộ đội nhóm…các giải thể thao truyền thống nhằm phát triển thể lực và thu hút học sinh.

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề hiệu quả, đúng quy định.

5. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa học đường. Quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, nhất là an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

6. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.  Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn.Thực hiện nghiêm túc đánh giá, phân loại đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp và phân loại đánh giá công chức, viên chức.

7. Tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.  Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia với việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỷ lệ huy động cho cấp học mầm non; đảm bảo đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày của cấp tiểu học và THCS; tiếp tục đầu tư, tháo gỡ những khó khăn để tăng tỷ lệ công nhận mới, công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu năm 2022 có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia.

8. Phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục. Xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, hình thành nền tảng số để phục vụ hoạch định chính sách và phát huy quản lí nhà nước về giáo dục đào tạo; ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành để xây dựng nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, phục vụ mục tiêu đổi mới giáo dục. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra, dạy học trực tuyến; tuyển sinh các lớp đầu cấp; chuyển đổi hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy; số hóa hồ sơ. Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ.

Phát huy thành quả đã đạt được trong năm học 2020-2021, dưới sự lãnh đạo của Thị uỷ, HĐND, UBND thị xã và sự chỉ đạo giúp đã của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh,  cùng với sự nỗ lực đổi mới trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy học của ngành Giáo dục đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục, thị xã quyết tâm triển khai thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022 đạt kết quả tốt, góp phần cùng với thị xã hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chung vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

 

Trần Ngọc Huyến - Chánh Văn phòng HĐND-UBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.526.410
Truy câp hiện tại 13.175