Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Những điểm nhấn và thách thức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã giữa nhiệm kỳ 2022 - 2025
Ngày cập nhật 03/07/2023

Nghị quyết của Đại hội đại biểu thị xã Hương Trà, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ về chính sách xã hội trên địa bàn thị xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội  đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, các chính sách về an sinh xã hội, công tác chăm sóc người có công - đền ơn đáp nghĩa, trợ cấp xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ vốn, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ giáo dục, tiền điện, y tế cho hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo được quan tâm kịp thời; thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới; chính sách cải cách BHXH, đến nay tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhanh.

Đến nay có 512 đối tượng người có công với các mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gồm 750 định xuất, 03 bà Mẹ VNAH còn sống( Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn); xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình nghĩa trang liệt sĩ phường Hương Xuân, xã Bình Thành, số tiền đầu tư 2,3 tỷ đồng. Thực hiện chi trả trợ giúp xã hội hàng tháng cho gần 4.500 đối tượng, số tiền 2,34 tỷ đồng/tháng.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần chung hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết (giải quyết việc làm bình quân hàng năm, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ giảm nghèo) đề ra. Cụ thể kết quả nổi bật đó là:

1.  Trong công tác đưa lao động đi làm việc nước ngoài, giải quyết việc làm hàng năm tạo việc làm mới cho hơn 900 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%.

Trong 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng Đại dịch Covid - 19, nên số lao động đi làm việc ở nước ngoài có giảm hơn so với những năm trước. Tuy nhiên đến năm 2022 và đầu năm 2023 Phòng đã triển khai nhiều giải pháp nên công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có những chuyển biến tích cực (năm 2022 có 109 lao động, 6 tháng đầu năm 2023 có 51 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Phòng Lao động-TB&XH thị xã đã phối hợp các ngành tổ chức tư vấn, tuyên truyền các chính sách về giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho gần 3.000 người.

2. Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đã được cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2021 đến nay công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đào tạo 210 lao động.

3. Phòng đã phối hợp các ngành, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm xuống 2,21%, vượt so với kế hoạch đề ra, giảm 1,36%, tương đương giảm 237 hộ nghèo.

Hiện thị xã có 401 hộ nghèo, trong đó có 166 Hộ nghèo có khả năng lao động, chiếm 41,4%, và 235 Hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 58,6%;

Phối hợp hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở từ cơ quan Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã năm 2022 đã thực hiện hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng.

Hiện nay, Phòng đang cùng với Doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh (Bà Hoa) hỗ trợ đã khởi công xây dựng 9/10 nhà ở cho hộ nghèo để thoát nghèo, mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà.

Năm 2022 và 2023, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giao trên địa bàn thị xã Hương Trà được phân bổ hơn 7,4 tỷ đồng, bao gồm 05 dự án thành phần. Phòng đã tham mưu công văn triển khai, phân công nhiệm vụ và phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế và nguyên nhân sau:

Về công tác đào tạo nghề cho lao động

Cuối năm 2020 Đề án 1956 kết thúc, từ năm 2021 đến nay công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn. Việc khảo sát nắm bắt nhu cầu, tuyển chọn đầu vào học nghề, đào tạo nghề chưa thực hiện tốt nguyên nhân do công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh cũng như nắm bắt nhu cầu của người lao động chưa tốt.

Thiếu nguồn kinh phí đào tạo, định mức kinh phí đào tạo thấp so với mức giá thị trường.

Mặc dù có liên kết một số doanh nghiệp nhưng việc đào tạo nghề có địa chỉ chưa phát huy hiệu quả; Một số doanh nghiệp chưa nhận học viên các lớp đào tạo nghề đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chất lượng đầu ra đào tạo chưa đáp ứng việc tuyển dụng của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm phải cử đi đào tạo lại.

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động không đồng đều giữa các vùng trên địa bàn thị xã. Thêm vào đó, thời gian của các lớp đào tạo nghề thường ngắn, chỉ khoảng dưới 3 tháng nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kĩ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng.

Thời gian học ngắn, ngành nghề không phù hợp nhu cầu, nhất là với những ngành nghề kỹ thuật cao như hàn, mộc mỹ nghệ… do bị hạn chế về trang thiết bị, học viên không có điều kiện thực hành nên tay nghề yếu đã khiến lao động nhiều địa phương không tìm được việc làm sau đào tạo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Năm 2022 và 2023, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giao trên địa bàn thị xã Hương Trà được phân bổ hơn 7,4 tỷ đồng, bao gồm 05 dự án thành phần. Tuy nhiên đến nay, tình hình triển khai và giải ngân vốn khá chậm so với tiến độ yêu cầu. Nguyên nhân là đối với Dự án 2 và Dự án 3 chưa có mức hỗ trợ;

Dự án 4 chưa có văn bản hướng dẫn xác định lao động có thu nhập thấp để đào tạo nghề, mức hỗ trợ đào tạo nghề áp dụng theo Quyết định 79 nên mức hỗ trợ thấp;

Về Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 số lượng người nghèo, cận nghèo có nhu cầu tham gia học nghề quá ít nên chưa mua sắm được trang thiết bị.

Theo Quyết định số 90 thì đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có thu nhập thấp nhưng trong quá trình tuyển sinh thực tế, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo không đủ số lượng để mở lớp.

Số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn thị xã thấp, chủ yếu là người già, đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động nên khó khăn trong việc triển khai đào tạo nghề và mô hình sinh kế.

Rồi khi triển khai thì nguồn lực phân bổ còn ít, dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế; công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế.

Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

Một số hộ nghèo chưa biết cách lên kế hoạch, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sao cho hiệu quả, ít kiến thức, chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật.

Từ những hạn chế, khó khăn đó, để tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm.

Thứ hai, Điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo, đầu tư thiết bị phù hợp;

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh THCS và THPT; đào tạo nghề gắn với thực hành tạo “đầu ra” cho người học; đào tạo những nghề phù hợp với lao động nông thôn.

Thứ ba, Đào tạo nghề gắn với thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP”. Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, gắn giới thiệu việc làm sau đào tạo.

Cần ký kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề giúp đào tạo đúng trọng tâm, nâng tỷ lệ học viên ra trường có việc làm. Sự gắn kết này sẽ hiệu quả hơn khi trường nghề xác định rõ đào tạo những gì thị trường lao động đang có nhu cầu.

Thứ tư, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người dân hiểu và nhận thức được lợi ích, hiệu quả kinh tế.

Thứ năm, Kết nối, giới thiệu việc làm cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có khả năng lao động, cần tìm việc làm.

Thứ sáu, Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:

Cần lựa chọn mô hình phù hợp với khả năng hộ nghèo và phải phát huy thế mạnh của địa phương, mô hình phải mang lại hiệu quả kinh tế, có tính bền vững.

Cũng cần đề xuất nâng mức hỗ trợ để hộ nghèo khi tham gia phát triển sinh kế có kinh phí triển khai, duy trì hiệu quả mô hình.

Đồng thời, có đội ngũ hướng dẫn hỗ trợ nghiệp vụ kỹ thuật, theo dõi, đôn đốc để nắm tình hình và điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn trong quá trình trình triển khai mô hình.

Bên cạnh đó các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm tập trung vân đồng nguồn lực để cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ với người nghèo về hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, học bổng, y tế, trang thiết bị tiếp cận thông tin.

Với những giải pháp trên, cần sự triển khai đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị xã hội trên toàn địa bàn thị xã, sẽ góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từ đó giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đào Văn Đại - Phòng LĐ-TB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.616.106
Truy câp hiện tại 5.988