Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Những đổi mới tích cực qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về Giáo dục và đào tạo tại Thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 21/09/2023

Mười năm qua từ khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Thị xã Hương Trà đã có những bước đổi thay căn bản để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới như Nghị quyết đề ra; kết quả cụ thể được thể hiện rõ ở những mặt sau:

Sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên, viên chức, đội ngũ giáo viên ngành giáo dục và người dân về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo:  Nghị quyết 29 đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nói riêng và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và nắm vững những quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục ở từng địa phương, đơn vị.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo: Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết là giữ  vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với phát hiện, bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn, phát triển tài năng. Công tác xây dựng Đảng trong trường học được chú trọng, tỷ lệ đảng viên toàn ngành giáo dục đạt 52,38 %; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhà trường được các cấp ủy và ngành giáo dục thường xuyên quan tâm.

Đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học và giáo dục một cách toàn diện:      Chủ động tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội; trong đó chú trọng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... nhằm hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh và nâng cao năng lực hoạt động xã hội cho học sinh. Kết quả:

+ Hàng năm, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi trong các trường mầm non suy dinh dưỡng giãm dưới 4%. Tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi về học lực ở THCS là 74,54%, THPT là 67,94%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 100% và tốt nghiệp THPT đạt 98,69%. Tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-18 đang học chương trình giáo dục phổ thông và tương đương đạt 92,81%.

+ Thị xã đạt và duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ Mức độ 02, trong đó có 09/09 phường, xã đạt chuẩn xóa mù chữ Mức độ 02; Giữ vững công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS mức độ 03.

+ Có 27/38 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 71%.

+ Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoạt động có hiệu quả, giai đoạn 2013 - 2023 đã mở 78 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.969 học viên.

+ Đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, ngoài ra còn nhiều giải trong các cuộc thi Khoa học kỹ thuật, Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng, các môn lĩnh vực thể dục, thể thao... Giai đoạn 2016 - 2022 số học sinh đỗ vào các trường chất lượng cao  như Trường THCS Nguyễn Tri Phương là 46 em và đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học là 52 em.

- Công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân được tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn ngành khá hiệu quả... tạo được sức lan tỏa trong hệ thống giáo dục trên địa bàn.

- Đổi mới phương pháp theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo: Các cơ sở giáo dục thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức của học sinh, đảm bảo hài hòa đức - trí - thể - mỹ; dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Tổ chức dạy học môn Tiếng Anh theo chương trình của Đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020; có 06/11 trường mầm non tổ chức cho trẻ 05 tuổi làm quen Tiếng Anh; 09/15 trường tiểu học, 09/09 trường THCS có phòng học ngoại ngữ; 100% các trường trên địa bàn thị xã có phòng tin học; 100% các trường tiểu học đã nhân rộng một phần mô hình trường học VNEN.

Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác: Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, cách đánh giá học sinh căn cứ theo các Thông tư và văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Việc đánh giá này, đã giảm nhẹ áp lực và đồng thời phát triển năng lực của học sinh;  kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức thi trắc nghiệm và tự luận, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành.

Công tác kiểm định chất lượng được các đơn vị quan tâm trong quá trình tự đánh giá và đề nghị được đánh giá ngoài. Hiện nay, 100% các đơn vị đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ cấp độ 01 trở lên; toàn thị xã có 27/38 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 71%.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn thị xã cơ bản giữ ổn định và được điều chỉnh hợp lý; Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được quy hoạch, điều chỉnh đảm bảo cân đối, hợp lý giữa các loại hình, cấp học phù hợp với tình hình thực tế, ban hành đề án sắp xếp lại các trường học trên địa bàn.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập và ban hành Đề án 435/ĐA-UBND, ngày 10/4/2014 về Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 và các Kế hoạch thực hiện Đề án.

Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập các cấp. Gắn kết chặt chẽ phong trào “Xây dựng xã hội học tập” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm huy động mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập. Xây dựng ý thức thường xuyên tự học, tự nâng cao trình độ của mỗi người và ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ, tổ dân phố, thôn, xóm.

Bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng:Thực hiện phân cấp quản lý trong giáo dục, phân cấp quản lý cho các trường trên nguyên tắc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm (đạt 100%). Các trường đã hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm theo đúng hướng dẫn, thực hiện công khai hóa về chất lượng giáo dục; hàng năm, đều xây dựng và thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả, tiết kiệm.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo: Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học tiếp tục được củng cố, theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo .Hiện nay, cán bộ, giáo viên  thuộc Phòng GD và ĐT quản lý là 1.056 người, trong đó: Cán bộ quản lý 80, giáo viên 863, nhân viên 113. Trong 10 năm, thị xã đã bổ sung thêm 132 viên chức cho ngành giáo dục. Thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho 237 cán bộ, giáo viên. Ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 1 (2022 - 2025), hiện nay có 46 giáo viên tham gia các lớp đại học. Toàn ngành còn 23 giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 và sẽ tiếp tục học từ năm 2023 đến năm 2025.

Tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển  giáo dục và đào tạo:      Thị xã có cơ chế chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng trường học đạt chuẩn quốc gia. Từ các nguồn đầu tư như, trong 10 năm qua, thị xã đã đầu tư hơn 290 tỷ đồng cho việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp phòng học, nhà hiệu bộ, công trình vệ sinh cũng như các công trình phụ của các nhà trường.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý: Công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện khá tốt, nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến phương pháp dạy và học tập được áp dụng và có giá trị thực tiễn tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Thực hiện chủ trương nghiên cứu khoa học trong học sinh, hàng năm, thị xã đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh THCS, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cho học sinh từ tiểu học đến THPT đồng thời lựa chọn những dự án tốt tham gia cấp tỉnh.

Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới căn bản theo đúng định hướng của Nghị quyết; cùng với thành quả chung của Thị xã về phát triển kinh tế - xã hội, công tác giáo dục và đào tạo đã góp phần nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị xã và góp phần vào việc quyết tâm và nỗ lực thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV đề ra, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, xây dựng Hương Trà phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị./.

Trần Ngọc Huyến - Chánh VP HĐND-UBND thị xã Hương Trà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.617.471
Truy câp hiện tại 6.504