Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hương Trà: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những kết quả và hạn chế cần quan tâm khắc phục
Ngày cập nhật 27/09/2023

Tái cơ cấu nông nghiệp có bản chất là quá trình sắp xếp lại các yếu tố liên quan đến một chuỗi giá trị như khâu quy hoạch, cơ sở hạ tầng, hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất cũng như thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ thuộc các mặt hàng sản phẩm ngành nông nghiệp.

Ngày 07/12/2020 Thị ủy Hương Trà ra Nghị quyết số 03-NQ/TU về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã giai đoạn 2021-2025, qua 3 năm triển khai quyết liệt; Hương Trà đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần được quan tâm khắc phục để Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã đạt được kỳ vọng và ngành nông nghiệp trở thành ngành chủ lực trong lợi thế về phát triển kinh tế- xã hội của thị xã Hương Trà; đánh giá việc triển khai tái cơ cấu có những vấn đề cụ thể sau:

Thành quả tích cực về tái cơ cấu: Sau 3 năm triển khai NQ giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,9%/năm (so với Nghị quyết 2,5-3,5%). Cơ cấu kinh tế nội ngành: Trồng trọt 42,3%; chăn nuôi: 29%; thủy sản 13,7%; lâm nghiệp 13,2%; dịch vụ nông, lâm nghiệp 1,8%. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 20.600 tấn (trong đó lúa chất lượng cao trên 8.600 tấn). Phát triển diện tích cây ăn quả có múi 292,72 ha, trong đó các xã vùng gò đồi 111,9 ha. Diện tích rừng trồng gỗ lớn (FSC) đạt 987,37 ha. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 2.040 tấn;

Một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, đó là: Đối với cây lúa, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như rau màu, lạc, đậu đỗ, sen,... giai đoạn 2021-2023 là 222,41 ha. Sử dụng giống xác nhận đạt trên 95%, các giống trung ngày được ưu tiên sử dụng để gieo cấy.

Triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau theo hướng VietGap tại phường Hương Chữ. Vận động nông dân tiếp tục gieo trồng các loại cây trái vụ khi thị trường khan hiếm để nâng cao thu nhập như mướp đắng, cải, hành, xà lách ở Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn...

Tập trung cải tạo vườn tạp, trồng và chăm sóc diện tích cây ăn quả có múi theo hướng thâm canh, diện tích đến nay đạt 292,72 ha. Đã thực hiện các mô hình áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 06 ha tại xã Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến. Hình thành vùng trồng ổi tập trung ở Hương Xuân, được chứng nhận VietGAP là 05 ha với 27 hộ tham gia; xây dựng vùng trồng chuối tiêu tập trung 1,5 ha theo hướng VietGAP tại Hương Vân.

Đã triển khai một số mô hình trồng cây dược liệu có giá trị thu nhập cao là Tràm gió: Khoảng 32,53 ha,liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu Sâm Bố chính: 3,5 ha. Việc phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững của diện tích rừng trồng trên địa bàn, đến nay chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn thị xã đạt 987,37ha.

Các sản phẩm của thị xã Hương Trà được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm chủ lực tỉnh tại Quyết định 1133/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2022 của UBND tỉnh gồm 5 sản phẩm: Bún Vân Cù, Bánh gói Hương Cần, Bưởi Thanh Trà Hương Vân, Đậu lạc Hương Văn, Lúa chất lượng cao trên toàn thị xã. Đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận các sản phẩm Ổi Hương Xuân, Thanh Trà Hương Vân, Bánh gói Hương cần đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Đã huy động, tranh thủ và lồng ghép nhiều nguồn lực để xây mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; Giai đoạn 2021-2023 đã triển khai xây dựng mới, sữa chữa 18 công trình kênh mương, thủy lợi phục vụ tưới tiêu với tổng kinh phí 7.320.534.000 đồng.

Tập trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, đã có có 02 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Hương Bình, Hương Toàn) và 02 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Bình Thành, Bình Tiến).

Những khó khăn và rào cản của việc tái cơ cấu: Mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn và rào cản sau:

Tổ chức thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung còn chậm. Công tác quản lý nhà nước vẫn còn bất cập, nhất là quản lý đất đai, vùng mặt nước nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách như chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả ở các vùng gò đồi.

Hoạt động khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân vẫn còn chưa chủ động, chỉ dừng lại ở mức độ thực hiện các mô hình, việc nhân rộng chưa phổ biến. Chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất cây, con tập trung có thương hiệu và giá trị kinh tế cao do ruộng đất còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản xuất vẫn còn dựa trên kinh tế hộ thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ. Chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa thiết lập được nhiều chuỗi giá trị về ngành hàng nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp nên sản phẩm sản xuất ra chưa có tính cạnh tranh, hiệu quả thấp.

Kiên trì mục tiêu và các giải pháp để thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả: Để thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới Hương Trà cần kiên trì mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,5-3,5%/năm, giá trị sản xuất (giá so sánh 2020) đạt khoảng 620 tỷ đồng.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngoài các giải pháp cơ bản, Thị xã tập trung vào các giải pháp căn cơ để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu đó là:

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề và các nhà máy, cơ sở chế biến; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt quy hoạch phát triển sản xuất.

 Lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh ở các vùng trọng điểm để tập trung đầu tư: Rau màu ở Hương Xuân, Hương Chữ; cây lạc ở Hương Văn, Hương Xuân; cây ổi ở Hương Xuân; Thanh Trà ở Hương Vân; cây ăn quả ở vùng gò đồi,… xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng của Hương Trà.

Ưu tiên nguồn lực để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu; coi trọng việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, sản xuất nông nghiệp. Nhân rộng mô hình khuyến nông có hiệu quả vào sản xuất, chú trọng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh đưa cơ giới hoá các khâu sản xuất, thu hoạch nông sản để giảm giá thành sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển nghề, làng nghề; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cá nhân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Khuyến khích phát triển dịch vụ thu mua sản phẩm nông nghiệp; phát triển các hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các tổ hợp tác trong sản xuất để liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản từ quá trình sản xuất, bảo quản cho đến khi chế biến, tiêu thụ, tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng  Chủ động tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ nông nghiệp, có khả năng phát huy lồng ghép với các mục đích khác một cách hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức sản xuất và thu hoạch sản phẩm.

Tái cấu trúc nền nông nghiệp của Thị xã hiện nay là phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn với cơ cấu mới lấy trục phát triển trọng tâm là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có hiệu quả cao, nông dân có lời nhiều, đồng thời tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức cạnh tranh, đảm bảo nền nông nghiệp hàng hóa có đủ thực lực để đứng vững và phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế. Tiếp tục kiên định các mục tiêu đã chọn và triển khai các giải pháp được nêu, chắc chắn rằng Hương Trà sẽ thực hiện thành công việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần vào thành công của sự nghiệp phát triển Kinh tế - xã hội của Thị xã ./.

Trần Ngọc Huyến - Chánh VP HĐND-UBND thị xã Hương Trà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.614.354
Truy câp hiện tại 5.528