Dự án Ứng dụng công nghệ đèn LED trong trồng hoa Cúc giống Pha Lê vụ Đông Xuân 2017-2018 tại thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 26/12/2017

1.Thời gian thực hiện: 06 tháng (Từ tháng 11/2017  đến tháng 4/2018)

2.Tổng vốn thực hiện dự án:       117.167  ngàn đồng

Trong đó: - Từ Ngân sách sự nghiệp khoa học thị xã: 85.000.000

                   - Khác (người dân đóng góp) : 32.167.000

 

3.Chủ nhiệm dự án: Trần Nguyên Thảo. Thạc sỹ Sinh học phân tử, chuyên ngành sản phẩm thực vật , Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

4.Tổ chức chủ trì thực hiện dự án: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

5. Tính cấp thiết của Dự án:

Cúc là một loại hoa cắt cành được sử dụng phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đặc biệt ở nước ta, vào dịp tết Nguyên Đán, hoa Cúc rất được ưa chuộng và tiêu thụ với một lượng lớn. Tuy nhiên, ở khu vực Bắc Trung Bộ, trồng hoa Cúc vụ Đông Xuân còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ thấp làm hoa chậm lớn, còi cọc, hoa nở không đều, bông không to hoặc nở không đúng thời điểm… Để khắc phục vấn đề này, nhiều nghiên cứu đã được áp dụng trong thực tiễn cho thấy có thể thay đổi quang chu kỳ để điều khiển sự ra hoa của Cúc. Do Cúc là loại hoa ngày ngắn nên chỉ ra hoa khi thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn hơn thời gian ban đêm. Nắm được nguyên tắc này, chiếu sáng gián đoạn bổ sung vào ban đêm sẽ giúp phá đêm, tạo điều kiện ngày dài và hai đêm ngắn, ngăn cản sự ra hoa sớm của Cúc khi chưa đạt độ sinh trưởng cần thiết, nhất là vào mùa Đông. Để chiếu sáng vào ban đêm, nghiên cứu trong điều kiện nhà kính ở ba giống Cúc (Kim Cương, Đóa Vàng và Sapphire) cho thấy sử dụng đèn LED đơn sắc với phổ ánh sáng phù hợp cho sinh trưởng của cây đem lại hiệu quả tốt hơn sử dụng đèn dây tóc hay đèn compact. Mặt khác đèn LED còn giúp tiết kiệm một lượng lớn điện năng tiêu thụ [Nguyễn Bá Nam và cs, 2014]. Cho đến nay đèn LED trong trồng hoa Cúc đã được ứng dụng ở nhiều tỉnh miền Nam và Đà Lạt. Tuy nhiên ở Thừa Thiên Huế người nông dân vẫn chưa áp dụng công nghệ này mà chủ yếu chỉ sử dụng đèn dây tóc hoặc đèn compact theo kinh nghiệm truyền miệng. Các loại đèn này vừa tiêu tốn điện năng vừa phát ra những bức xạ không tối ưu cho quá trình quang hợp của cây. Những nhược điểm này đều có thể được khắc phục bằng cách sử dụng công nghệ đèn LED. Hiện chưa có một mô hình thử nghiệm nào trên đia bàn sử dụng đèn LED để trồng hoa Cúc cũng như chưa có một đánh giá cụ thể nào về khả năng áp dụng của công nghệ này đối với giống Cúc Pha Lê, là giống rất phổ biến, trong điều kiện thời tiết vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây chính là lý do chúng tôi đề xuất thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ đèn LED trong trồng hoa Cúc giống Pha Lê vụ Đông Xuân 2017-2018 tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

6. Tính mới và tính phù hợp của dự án:

Nêu những thông tin cơ bản, mới nhất về các quy trình công nghệ đang được áp dụng tại địa phương trong lĩnh vực dự án dự kiến triển khai

Hiện nay, tại thị xã Hương Trà, tình hình trồng hoa Cúc ở địa phương còn gặp nhiều hạn chế, quy mô còn nhỏ lẻ. Người dân chủ yếu tập trung trồng một số giống hoa Cúc như Bốn Số, Vạn Thọ, Pha Lê… có thể trồng trong chậu hoặc trồng ngoài đất. Chỉ có khoảng 30% số hộ có thắp đèn để chiếu sáng bổ sung, điều khiển sự sinh trưởng và sự nở hoa của hoa, trong đó tập trung chủ yếu là các hộ trồng hoa Cúc trong chậu. Ở các hộ có chong đèn cho hoa đều sử dụng công nghệ cũ là dùng bóng đèn điện dây tóc hoặc đèn neon tiêu tốn nhiều điện năng.

Đặc điểm và xuất xứ của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng

Quy trình ứng dụng đèn LED trong trồng hoa Cúc giống Pha Lê tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế vụ Đông Xuân xuất phát từ đề tài cấp Đại học Huế “Nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống chiếu sáng đơn sắc đến quá trình nhân giống in vitro cây hoa chuông (Sinningia speciosa) do ThS. Trần Ngọc Truồi, công tác tại Khoa Cơ bản - Đại học Nông Lâm làm chủ nhiệm đề tài. Ngoài ra, chương trình “mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của Bộ Công Thương đã tài trợ kinh phí cho Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Tp. Đà Lạt thực hiện đề tài “Ảnh hưởng của ánh sáng đèn Led bổ sung vào ban đêm lên sự sinh trưởng và phát triển trên ba giống cúc (đóa vàng, sapphire và kim cương)”. Kết quả cho thấy đèn LED có thể sử dụng để thay thế đèn compact 3U cho kết quả tốt ở cả 3 giống Cúc trong điều kiện nhà kính. Từ kết quả này, mô hình đèn LED đã được ứng dụng và nhân rộng tại Đà Lạt và một số tỉnh miền Nam trên quy mô lớn. Từ cơ sở này, chúng tôi đề xuất xây dựng, hoàn thiện quy trình phù hợp cho việc trồng hoa Cúc giống Pha Lê tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nêu tính mới của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng so với các công nghệ đang áp dụng tại địa phương.

Trước đây, bóng đèn sợi đốt (60W) được sử dụng là nguồn cung cấp ánh sáng nhân tạo để chiếu sáng cho cây Cúc trong hoạt động sản xuất hoa Cúc. Hiện nay, bóng đèn compact 3U (20W) được thay thế cho bóng đèn sợi đốt và tiết kiệm được 60% điện năng tiêu thụ cho mỗi bóng. Tuy nhiên, đèn LED (9-10W) chứa các bước sóng mong muốn có thể điều khiển được quá trình ra hoa, đang trở thành nguồn chiếu sáng lý tưởng trong nông nghiệp đặc biệt trong ngành công nghiệp hoa Cúc. So với đèn compact 3U, đèn LED đã tiết kiệm đến 50% năng lượng tiêu thụ cho mỗi bóng. Ngoài ra, lợi thế lớn nhất khi sử dụng đèn LED là có thể chọn lựa bước sóng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cho từng đối tượng cây trồng, qua đó giúp gia tăng năng suất tối đa của sản phẩm nông nghiệp. Điều này hầu như không thể thực hiện được đối với các loại đèn chiếu sáng trước đây như đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang hay đèn compact.

Nêu tính thích hợp của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng

Quy trình áp dụng trong dự án này là quy trình được biên soạn dựa trên các nghiên cứu bài bản, áp dụng thực tiễn ngay tại Hương Trà, nên quy trình có tính phù hợp cao, thích hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

7. Gỉai pháp thực hiện:

Giải pháp về mặt bằng và XDCB (nếu có)

Hộ nông dân được chọn để thực hiện mô hình phải có đủ các tiêu chí:

  • Có đất nông nghiệp với diện tích đủ để xây dựng mô hình 600m2.
  • Loại đất là đất thịt nhẹ màu mỡ, không có tiền sử nhiễm bệnh
  • Có thể thuận tiện sử dụng điện và nước
  • Có kinh nghiệm trồng hoa Cúc. 

Qua khảo sát, nhóm dự án đã chọn được 1 hộ nông dân là bác Nguyễn Thiện Dưỡng tại Tổ 8, Phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Diện tích mô hình xây dựng là 600 m2. Người dân đã cam kết tham gia mô hình, sử dụng đất của người dân để xây dựng mô hình. Khu vực làm mô hình đảm bảo giao thông thuận lợi, nguồn nước sạch chủ động, nguồn điện thuận tiện để lắp đặt và vận hành hệ thống.

Giải pháp về đào tạo

Khoa Cơ Bản – Trường Đại học Nông Lâm, Đại Học Huế tổ chức các lớp tập huấn sử dụng công nghệ đèn LED trong trồng hoa Cúc. Các hộ dân được tham gia lớp tập huấn là những người có sản xuất hoa Cúc trên địa bàn thị xã, hoặc có nhu cầu trồng hoa Cúc.

Phối hợp với hội nông dân Phường Hương Hồ cùng với UBND thị xã Hương trà và các HTX để chọn hộ tham gia lớp tập huấn. Hình thức đào tạo, tập huấn: Đối với nông dân, áp dụng hình thức tập huấn FFS, ngay tại đồng ruộng.

Nội dung tập huấn:

Quy trình công nghệ lắp đặt và sử dụng đèn LED trong trồng hoa Cúc.

Các kỹ thuật chăm sóc cây hoa Cúc nở đúng dịp Tết

 Giải pháp về tổ chức sản xuất

Khoa Cơ Bản, Đại học Nông Lâm Huế thực hiện bố trí các công việc, tư vấn thực hiện dự án. Kết hợp với hộ nông dân làm mô hình để theo dõi các công việc.

Sau khi mô hình được hoàn thiện, công nghệ sẽ được chuyển giao cho hội nông dân Phường Hương Hồ, Khoa Cơ Bản, Trường Đại học Nông Lâm Huế sẽ kết hợp với hội nông dân, cùng với các HTX, UBND phường để khuyến khích người dân tham gia nhân rộng mô hình sản xuất Cúc sử dụng công nghệ đèn Led trên địa bàn.

Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm

Hiện nhiều năm qua, lượng hoa Cúc Tết sản xuất ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không đủ để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trên địa bàn mà chủ yếu hoa Cúc phải nhập thêm từ các tỉnh thành khác. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm hoa Cúc từ mô hình này là không mấy lo ngại.

Sản phẩm hoa có thể được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng ở các hội nghị khoa học cấp Trường, Đại học Huế và của tỉnh hoặc tại các hội chợ hàng nông nghiệp tổ chức thường xuyên tại thành phố Huế để quảng bá thêm. Có thể kết nối với các thương lái  để thu mua sản phẩm hoa, hoặc thông qua các kênh phân phối lẻ để thúc đẩy lượng tiêu thụ sản phẩm. 

Giải pháp về nguồn vốn

Kinh phí được sử dụng từ nguồn vốn thị xã là 85 triệu đồng. Kinh phí này tập trung vào mua đèn, giống, phân bón… để xây dựng mô hình, công lao động khoa học, công lao động phổ thông, chi phí tập huấn, chi phí hội nghị đầu bờ, chi phí nghiệm thu dự án và các chi phí khác.

Người dân và HTX đối ứng kinh phí về phân bón, thuốc BVTV, đất, vật liệu nông cụ làm mô hình, chi phí thủy lợi...

8. Mục tiêu của dự án

 Mục tiêu chung

Xây dựng và nhân rộng mô hình công nghệ sử dụng đèn LED đơn sắc điều khiển sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa Cúc trên địa bàn Thị xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế

Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng được 1 mô hình trồng hoa Cúc giống Pha Lê chất lượng cao, nở hoa đúng thời điểm Tết Nguyên Đán trong vụ Đông Xuân tại thị xã Hương Trà sử dụng công nghệ chiếu sáng bổ sung bằng đèn LED đơn sắc.

- Rút ra được quy trình công nghệ sử dụng đèn LED đơn sắc để điều khiển sự sinh trưởng và sự ra hoa của giống Cúc Pha Lê thích hợp với điều kiện thời tiết trong vụ Đông Xuân tại thị xã Hương Trà. Đánh giá được những lợi ích của việc sử dụng công nghệ mới trong việc tiết kiệm điện năng, nâng cao chất lượng cây hoa Cúc trên địa bàn.

- Chuyển giao công nghệ sử dụng đèn LED đơn sắc trong trồng hoa Cúc cho người dân trên địa bàn để tiến hành nhân rộng mô hình này.

9.Hiệu quả về xã hội.

- Việc nhân rộng mô hình sử dụng đèn Led thay cho đèn sợi đốt trong việc trồng hoa Cúc ở các địa phương khác nhau trong và ngoài tỉnh sẽ giúp người dân trồng hoa nâng cao hiệu quả trong sản xuất và góp phần rất lớn trong việc tiết kiệm năng lượng điện, ánh sáng từ đèn Led rất thân thiện với môi trường không chứa các chất độc hại. Ngoài ra dự án này được triển khai và nhân rộng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân và giá trị ngày công lao động cao hơn, tăng thu nhập cho nông dân. Tạo sự phát triển bền vững cho địa phương, thông qua hình thức sản xuất, kinh doanh.

- Dự án triển khai sẽ có các buổi tập huấn và hội nghị giúp cho các hộ dân nắm bắt được quy trình trồng hoa Cúc và sử dụng đèn Led.

- Các nhà khoa học có điều kiện chuyển giao công nghệ theo quy trình công nghệ tiên tiến, dễ áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được sự gắn kết giữa nhà khoa học với nông dân.

 Dự kiến hiệu quả kinh tế - xã hội theo khả năng mở rộng của dự án.

Sau khi dự án thành công, người dân chủ động được khoa học kỹ thuật sẽ nâng cao được hiệu quả kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho người dân.

Người dân sẽ được mở rộng quy mô lên 15-20 ha, số người được hưởng lợi tăng lên 100-200 hộ dân, cung cấp được nguồn hoa Cúc cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và ngoài tỉnh.

- Tiếp tục chủ động được kỹ thuật trồng hoa Cúc nở trúng thời điểm cho địa phương và khu vực đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

- Giảm một lượng tiền điện rất lớn cho người dân trồng hoa Cúc.

- Tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân và giá trị ngày công lao động cao hơn, tăng thu nhập cho nông dân.

 

Phòng Kinh tế
Xem tin theo ngày