Phòng trừ rệp sáp hại sắn.
Ngày cập nhật 09/04/2024

Diện tích trồng sắn công nghiệp hàng năm của Hương Trà khoảng: 550 ha. Qua điều tra thực tế trên đồng ruộng hiện nay do thời tiết chuyển nắng nóng nên bệnh hại do rệp sáp cũng bắt đầu xuất hiện gây hại rải rác.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà hướng dẫn kỹ thuật để phòng trừ đối tượng rệp sáp gây hại:

1.Đặc điểm nhận biết

Rệp sáp gây hại điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn, cây lùn. Trên lá, Rệp bám ở mặt sau lá, gây hại làm các lá sắn bị xoăn, biến vàng.

Rệp sáp lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, kiến, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển…

2.Biện pháp phòng trừ

Không vận chuyển cây sắn từ vùng nhiễm Rệp sáp sang các vùng khác.

Không sử dụng sắn ở vùng bị nhiễm Rệp sáp làm hom giống.

Xử lý hom giống sắn trước khi trồng.

Thu gom, diệt nguồn Rệp sáp trên đồng ruộng để hạn chế phát tán của chúng.

Tạo vườn sắn thông thoáng. Bón phân cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển tốt.

Bảo vệ thiên địch (bọ rùa, bọ cánh gân, ong ký sinh).

Thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sớm các ổ rệp mới xuất hiện,  tỷ lệ cây bị rệp cao, sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl để phun trừ như Mapy 48EC, Closer 500WG,  Lorsban 40EC, Virofos 50EC,…. Trường hợp tỷ lệ cây bị hại rải rác thấp, trong quá trình chăm sóc làm cỏ, bón phân ngắt đọt bị hại để tiêu hủy bằng cách ngắt, nhổ lá, cây  bị rệp đem ra khỏi ruộng đốt hay chôn sâu xuống đất.

Lưu ý: Khi tiến hành phun trừ cần tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và những yêu cầu về an toàn lao động, an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và môi trường ./.

Bá Phú - Trung tâm DVNN
Xem tin theo ngày