Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thông tư ban hành Quy chế về bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mần non, phổ thông và trung tâm GDNN-GDTX
Ngày cập nhật 25/02/2020

Trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản mới,  đó là:

- Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT (Thông tư 17) ngày 01/11/2019 về Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2019, thay thế các Thông tư số 30/TT-BGDĐT, số 31/TT-BGDĐT, số 32/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 08/8/2011 về Chương trình bồi dưỡng thường xuyên lần lượt đối với giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên tiểu học);

 

- Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT (Thông tư 19) ngày 12/11/2019 về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên (có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2019, thay thế Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 10/7/2012 về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên ).

I. Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT:

Mục đích chủ yếu là bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên, cán bộ quản lý; là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí việc làm; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo.

Theo đó, những điểm mới của Thông tư 19 ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên tập trung vào một số điểm sau:

* Về đối tượng bồi dưỡng thường xuyên: Bổ sung thêm đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Thông tư số 26 chỉ áp dụng đối với đối tượng giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư số 19 bao quát cả đối tượng cán bộ quản lý và giáo viên.

* Về thời lượng bồi dưỡng: Thời lượng của chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý đã được thay đổi phù hợp với quy định của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

* Quy định mới về đánh giá và xếp loại kết quả: Tại Điều 11 Thông tư 19 quy định đánh giá việc vận dụng kiến thức BDTX vào thực tiễn dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh; thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đánh giá thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm (đối với các nội dung lý thuyết), bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch (đối với nội dung thực hành) đảm bảo đáp ứng yêu cầu về mục tiêu, yêu cầu cần đạt và nội dung Chương trình BDTX và quy định tại Quy chế này.

Bài kiểm tra lý thuyết, thực hành chấm theo thang điểm 10 và đạt yêu cầu khi đạt điểm từ 05 trở lên.

Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch BDTX khi thực hiện đầy đủ các quy định của khóa bồi dưỡng; hoàn thành đủ các bài kiểm tra với kết quả đạt yêu cầu trở lên theo quy định.

Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch BDTX thì được cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch BDTX. Kết quả đánh giá BDTX được lưu vào hồ sơ và là căn cứ thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp và sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý.

* Việc cấp giấy chứng nhận: Quy định trong Thông tư 19 cũng thay việc cấp giấy chứng nhận bằng cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên (theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 01/2018/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).

* Việc biên soạn tài liệu và thẩm định tài liệu giao cho cơ sở bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên (Điều 10 Thông tư 19). Việc lựa chọn cơ sở thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên được giao cho sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhằm đảm bảo lựa chọn cơ sở bồi dưỡng đủ năng lực, để nâng cao chất lượng của công tác bồi dưỡng thường xuyên.

* Về loại hình tổ chức BDTX:  Cụ thể, có 03 loại hình tổ chức BDTX, đó là:

Thứ nhất, bồi dưỡng tập trung: Hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng nhu cầu cho giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ hai, bồi dưỡng từ xa: Thực hiện bồi dưỡng từ xa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên, cán bộ quản lý bảo đảm các yêu cầu về mục đích, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng.

Thứ ba, bồi dưỡng bán tập trung: Kết hợp loại hình tổ chức bồi dưỡng tập trung và từ xa.

Căn cứ vào nhu cầu về mô đun bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng và hướng dẫn của cơ sở giáo dục nơi đang công tác; giáo viên, cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cá nhân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31/5 hằng năm.

II. Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT:

 Quy định mới về Chương trình bồi dưỡng thường xuyên với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông được gộp lại để điều chỉnh tại Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT thay vì quy định riêng lẻ tại các Thông tư 30/2011/TT-BGDĐT, 31/2011/TT-BGDĐT và 32/2011/TT-BGDĐT.

- Cụ thể, Chương trình bồi dưỡng thường theo quy định tại Thông tư mới đã bỏ đi quy định về khối kiến thức bắt buộc, tự chọn thay vào đó quy định cụ thể về 03 chương trình bồi dưỡng sau đây:

+ Chương trình bồi dưỡng 01 - Cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với cấp học của giáo dục phổ thông:

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, nội dung các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình bồi dưỡng 02 - Cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ của mỗi địa phương:

Sở giáo dục và đào tạo quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về phát triển giáo dục phổ thông của địa phương, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục địa phương; phối hợp với các dự án để triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên (nếu có).

Chương trình bồi dưỡng 03 - Phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm:

- Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự chọn các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

- Số lượng mô đun tự chọn đảm bảo quy định về thời lượng bồi dưỡng trên tổng số 15 mô đun của 05 Chuẩn yêu cầu bồi dưỡng.

 - Mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện Chương trình bồi dưỡng thường xuyên đảm bảo thời lượng cụ thể như sau:

+ Chương trình bồi dưỡng 01: Khoảng 01 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học, tăng 10 tiết/năm học so với quy định hiện hành);

+ Chương trình bồi dưỡng 02: Khoảng 01 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học, tăng 10 tiết/năm học so với quy định hiện hành);

+ Chương trình bồi dưỡng 03: 01 tuần/năm học (40 tiết/năm học, giảm 20 tiết/năm học).

- Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của địa phương trong từng năm học, các cấp quản lý giáo dục có thể thay đổi thời lượng Chương trình bồi dưỡng 01 và Chương trình bồi dưỡng 02 phù hợp nhưng không thay đổi thời lượng Chương trình bồi dưỡng 03 (đảm bảo thời lượng 120 tiết/năm).

 

Đình Hưng - TTGDNN GDTX
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 1.123