Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỹ thuật phòng trừ bệnh thán thư hại sen
Ngày cập nhật 24/03/2020

Trong những năm gần đây, trên địa bàn thị xã Hương Trà, sen được người dân đưa vào trồng ngày càng nhiều ở những chân ruộng thấp trũng, vùng đầm, sình lầy hay trên đất lúa trũng bị nhiễm phèn chỉ sản xuất được một vụ. Hiện nay, diện tích sen lấy hạt trên toàn thị xã đã lên dến 37,5 ha. Điển hình phường Hương Vân, Hương An… đã thu hút trên 20 hộ dân tham gia trồng khoảng 20ha. Sau hơn ba tháng mỗi ha cho thu hoạch gần 2 tấn hạt,  bán được khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn một nửa, tính ra lãi cao gấp ba lần so với trồng lúa.

 

Chính lợi nhuận mang lại từ cây sen khá cao nên diện tích sen có khả năng được trồng thêm trong những năm tới. Tuy nhiên quá trình trồng sen thường gặp một số loại bệnh gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển và làm giảm năng suất đáng kể, điển hình là bệnh Thán thư. Để giúp bà con phòng trừ hiệu quả bệnh Thán Thư hại sen, chúng tôi xin giới thiệu triệu chứng gây hại, đặc điểm phát sinh phát triển và các biện pháp phòng trừ.

 + Triệu chứng: Bệnh Thán Thư  tấn công hầu hết các bộ phận của cây sen như lá, thân, bông, gương.

Trên lá:Vết bệnh ban đầu là những đốm tròn nhỏ hoặc không có hình dạng nhất định, màu nâu nhạt dưới lá, sau chuyển sang màu nâu sậm có viền đỏ hặc quầng vàng lan rộng xung quanh. Vết bệnh điển hình và đặc trưng nhất để nhận biết và phân biệt là: Trên vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm hình xoáy trôn ốc( hình mạng nhện). Trên những vòng đồng tâm này là những chấm đen nhỏ li ti( bào tử) bằng đầu kim nhô lên.

 Nếu trời ẩm, trên vết bệnh thán thư còn xuất hiện một lớp mốc màu hồng. Khi gặp nắng, vết bệnh khô ròn và rách. Bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau và làm lá thối hỏng hoặc khô rụng.

Trên thân và bông:

Vết bệnh màu nâu xám, lõm sâu vào. Bệnh nặng, làm thân teo lại rồi khô.

+ Đặc điểm phát sinh phát triển bệnh:

- Nấm bệnh tồn tại trong đất, hạt giống và tàn dư cây bệnh. Bệnh phát tán nhờ gió, mưa và côn trùng. Thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ dao động trên dưới 30 0C kèm theo mưa nhiều là điều kiện thích hợp cho nấm phát sinh và gây hại sen.

- Trên những chân ruộng thoát nước kém hoặc bón phân không cân đối (bón thừa đạm) sẽ làm cho bệnh dễ phát sinh và gây hại nhiều hơn.

- Thân lá cây trồng đặc biệt về đêm nếu đẫm sương, nhiều nước trên bề mặt hoặc trong thời tiết ẩm ướt kéo dài sẽ dễ làm nấm bệnh nảy mầm và tấn công.

+ Cách phòng trị:

- Rút nước cạn, phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc đặc trị như: Vimonyl 72WP, Ridomil Gold 68WP, Map-Hero 340WP, Aliette 800WG,... Sau 3 ngày cho nước vào ruộng trở lại. khi phun thuốc nên kết hợp với dầu khoáng SK 98EC để thuốc bám dính và loang đều trên lá tăng hiệu lực thuốc.

- Khi cây bị bệnh, cần hạn chế tưới nước và tuyệt đối không nên bón phân đạm hoặc các chế phẩm kích thích.

- Khi gặp thời tiết mưa kéo dài cần bổ sung Kali trắng(K2SO4) và chế phẩm Hi- Canxi phun lên thân lá cây trồng để tăng khả năng chống đỡ bệnh cho cây.

- Khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, cây chậm phát triển thì không nên lạm dụng các chất kích thích sinh trưởng phun cho sen. Vì nếu sau đó gặp trời mưa, thân lá cây trồng rất mềm yếu và dễ rách nát, nấm sẽ tấn công dễ dàng.

Bá Dũng - TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 356