Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại lúa vụ Hè Thu 2020
Ngày cập nhật 19/07/2020

Vụ Hè Thu 2020, toàn thị xã gieo cấy khoảng 3.000 ha lúa, hiện nay lúa đã trổ khoảng 20 ha, đại trà đang giai đoạn làm đòng- chuẩn bị trổ, nhìn chung cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Do điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao kéo dài nên một số diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây lúa. Dự báo từ nay đến cuối vụ, diện tích có khả năng bị khô hạn, thiếu nước khoảng 235 ha.

 

Các đối tượng sinh vật phát sinh gây hại gia tăng về diện tích và mức độ gây hại: Bệnh khô vằn nhiễm 150 ha, tỷ lệ 10-20%. Sâu cuốn lá nhỏ nhiễm 225 ha, mật độ 10-15 con/m2. Nhện gié nhiễm 220 ha, tỷ lệ 5-10. Rầy nâu nhiễm 38 ha, rầy giai đoạn trưởng thành-trứng. Chuột gây hại 432 ha, tỷ lệ 3-5%. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu keo, sâu xanh, bệnh đốm nâu, gạch nâu, thối thân thối bẹ,…gây hại mật độ và tỷ lệ bệnh thấp.

Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, trong giữa và cuối tháng 7/2020 chịu ảnh hưởng chủ yếu của rìa nam rãnh thấp nối với thấp nóng phía Tây với sự hoạt động của gió mùa Tây Nam cường độ trung bình đến mạnh gây ra 2–3 đợt nắng nóng gay gắt, có khả năng ảnh hưởng đến giai đoạn phân hóa đòng, hình thành gié, hạt và trổ bông-phơi màu, các đối tượng sinh vật gây hại tiếp tục phát sinh phát triển tích lũy, gia tăng mật độ và tỷ lệ hại nếu không tích cực chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ kịp thời.

Để bảo vệ sản xuất lúa vụ Hè Thu giai đoạn lúa làm đòng-trổ. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã đề nghị UBND các phường, xã và các HTXNN triển khai chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:

1. Tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể và quyết liệt trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa, hạn chế thấp nhất do sâu bệnh gây ra, trước mắt chỉ đạo nông dân quan tâm phòng trừ các đối tượng gây hại chính sau:

- Bệnh lem lép hạt lúa: phun phòng bệnh lem lép hạt khi lúa trổ vè thưa (3-5%) và sau khi lúa trổ xong (sau phun lần 1: 5-7 ngày), lựa chọn các loại thuốc có tác dụng phòng bệnh lem lép hạt và trừ bệnh khô vằn, vàng lá, thối bẹ lá đòng,... như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC,...

- Bệnh khô vằn: Kiểm tra và chỉ đạo phòng trừ khi bệnh mới chớm xuất hiện, nhất là trên các chân ruộng gieo sạ dày, ruộng thấp trũng, tù đọng nước, bón phân thiếu cân đối, bón nặng đạm,... phun trừ bằng các loại thuốc Validacin 5SC, Anvil 5SC, Tiltsuper 300 EC, Nevo 330EC, …

- Rầy nâu, bọ phấn trắng: Tăng cường kiểm tra các vùng đã và đang nhiễm rầy, bọ phấn, đánh giá mật độ, tuổi phát dục, để chỉ đạo phun trừ nơi có mật độ cao (đối với rầy mật độ >1.500 con/m2; đối với bọ phấn mật độ >2.500 con/m2), tuổi 1-2 bằng các loại thuốc Acnipyram 50WP, Elsin 10EC, Nitensuper 500WP, Chess 50WG, Cheestar 500WG, Starcheck 755WG,...

Ngoài ra, cần tăng cường điều tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, nhất là nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, ... giai đoạn lúa làm đòng-trổ để chỉ đạo phun trừ kịp thời trên diện hẹp.

Do điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, vì vậy chỉ đạo phun phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại vào buổi chiều mát, không phun vào buổi sáng khi mặt trời đã lên cao và buổi chiều đang còn nắng gắt để hạn chế ảnh hưởng do hiện tượng thấu kính làm tăng nhiệt độ trên bông lúa gây lép hạt; phun đảm bảo lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích và đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”. Sau khi phun phòng trừ tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả phòng trừ để có biện pháp chống tái nhiễm.

2. Cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương, HTX tăng cường kiểm tra, đôn đốc nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả; phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn tăng thời lượng phát sóng, phát thanh nhằm tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận dạng các đối tượng sinh vật gây hại và chủ động kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm để phun trừ kịp thời, đúng đối tượng gây hại.

3. Các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, vớt bèo khơi thông dòng chảy, tích trữ nước để đảm bảo đủ nước tưới cho cây lúa giai đoạn làm đòng-trổ, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng do khô hạn, thiếu nước.

 

Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 8.222