Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Biện pháp kỹ thuật khắc phục đổ ngã và chăm sóc bưởi, thanh trà sau bão
Ngày cập nhật 29/09/2020

Cơn bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế đã gây đổ ngã, gãy cành nhiều vườn cây ăn quả ở Hương Vân, Hương Hồ, Hương Thọ...Theo thống kê sơ bộ có khoảng trên 100 ha bưởi, thanh trà bị bật gốc, gãy đổ, tỷ lệ thiệt hại 20-40%. Để giúp bà con khắc phục đổ ngã sau bão và hạn chế sự lây lan các loài sâu, bệnh trong mùa mưa sắp tới. Chúng tôi xin hướng dẫn một số biện pháp khắc phục, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại chính trên cây ăn quả bưởi, thanh trà.

 

1. Khắc phục đổ ngã, chăm sóc, bón phân:

+ Đối với cây bị bật gốc, lòi rễ trên 80%:

Rất khó khắc phục giúp cây sống sót được nên cần tiến hành chặt bỏ, giải phóng ra khỏi vườn và chuẩn bị cây giống trồng lại sau Đông chí.

+ Đối với cây dưới 5 năm tuồi bị bật gốc, lòi rễ từ 50-80%:

- Cắt bỏ bớt từ 40 - 60% tán lá và các cành sát đất, sau đó tiến hành kéo cây đứng trở lại, kéo từ từ và để cây ở vị trí nghiêng so với ban đầu từ 10-150.

- Khi cây ở vị trí ổn định, dùng cây chống đỡ cây và buộc dây chặt để cây không bị lắc khi gió mạnh; tưới đẫm nước vào gốc cây.

- Sau 30 ngày, khi cây đã ổn định, cây sẽ ra lá non thì tiến hành bón phân cho cây với lượng phân bón cho một cây như sau:

+ Phân hữu cơ 20-40kg.

+ Urê: 100g + super lân 200-300g, KCl 50-100g.

+ Đối với cây trên 5 năm tuổi bị bật gốc, lòi rễ từ 50- 80%: Cắt bỏ bớt từ 60 - 80% tán lá và các cành sát đất, các cành trên cao giúp cây lùn xuống sau khi kéo cây đứng trở lại, kéo từ từ và để cây vị trí nghiêng so với ban đầu từ 15-200.

- Khi cây ở vị trí ổn định, dùng cây chống đỡ cây và buộc dây chặt để cây không bị lắc khi gió mạnh; tưới đẫm nước vào gốc cây.

- Sau 30 ngày, khi cây đã ổn định, cây sẽ ra lá non thì tiến hành bón phân cho cây với lượng phân bón như sau cho một cây:

+ Phân hữu cơ 30-50kg.

+ Urê: 150g + super lân 300-400g, KCl 100-150g.

+ Đối với cây dưới 5 năm tuồi bị bật gốc, lòi rễ < 50 %:

- Cắt bỏ bớt 30% tán lá và các cành sát đất, sau đó tiến hành kéo cây đứng trở lại, nên kéo từ từ và để cây vị trí nghiêng so với ban đầu từ 10-150.

- Khi cây ở vị trí ổn định, dùng cây chống đỡ cây và buộc dây chặt để cây không bị lắc khi gió mạnh; tưới đẩm nước vào gốc cây.

- Sau 30 ngày, khi cây đã ổn định cây sẽ ra lá non thì tiến hành bón phân cho cây với lượng phân bón như sau cho một cây:

+ Phân hữu cơ 20-40kg.

+ Urê: 100g + super lân 200-300g, KCl 50-100g.

+ Đối với cây trên 5 năm tuồi bị bật gốc, lòi rễ < 50 %:

- Cắt bỏ bớt từ 30 – 50% tán lá và các cành sát đất, sau đó tiến hành kéo cây đứng trở lại, chú ý khi kéo chúng ta nên kéo từ từ và để cây ở vị trí nghiêng so với ban đầu từ 15- 200

- Khi cây ở vị trí ổn định, dùng cây chống đỡ cây và buộc dây chặt để cây không bị lắc khi gió mạnh và tiến hành tưới đẩm nước vào gốc cây.

- Sau 30 ngày, khi cây đã ổn định cây sẽ ra lá non, lúc đó chúng ta tiến hành bón phân cho cây với lượng phân bón như sau cho một cây:

+ Phân hữu cơ 30-50kg.

+ Urê: 150g + super lân 300-400g, KCl 100-150g.

Lưu ý: Sau khi  bị cắt tỉa mà cây phục hồi lại,  cây sẽ ra cành tương đối nhiều, cần theo dõi và loại bỏ bớt để tạo cho cây có tán đẹp và đúng kỹ thuật.

- Làm sạch cỏ dại, tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt nhất. Vệ sinh vườn sạch sẽ.

2. Biện pháp phòng trừ sâu bệnh:

a. Bệnh chảy gôm:

+ Triệu chứng và khả năng gây hại: Cây bị bệnh trên cành và thân có nhựa chảy ra, phần thân và rể dưới mặt đất bị bệnh sẽ khô và thối, cây bị bệnh nhẹ sẽ giảm năng suất, nếu bệnh nặng cành khô và cây chết.

+  Biện pháp phòng trừ:

- Vườn cây phải thoát nước tốt, sau cơn lũ phải dọn sạch lớp phù sa quanh gốc. Định kỳ quét vôi phần thân và những cành gần mặt đất, nhất là trước mùa mưa.

- Thường xuyên kiểm tra vườn, khi phát hiện cây bị bệnh dùng dao cạo sạch vết bệnh đến phần gỗ và dùng một trong các thuốc như Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Vimonyl 72WP, ... hòa nước để bôi vào vết bệnh, bôi 3- 4 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày.

- Dùng Agrifos 400 pha nồng độ: 1 lít thuốc/1 lít nước tiêm vào thân cây. Dùng khoan với mũi khoan có đường kính 6mm, khoan trên thân ở độ sâu 2-3cm, độ cao cách mặt đất từ 40-50cm (đường kính thân > 10cm). Liều lượng tiêm 30ml dung dịch thuốc đã pha/xilanh tiêm, tiêm 2 lần cách nhau 30 ngày.

b. Sâu vẽ bùa:

+ Triệu chứng và khả năng gây hại: Sâu trưởng thành là một loại bướm rất nhỏ, cánh có ánh bạc với màu vàng nhạt và nhiều đốm đen nhỏ, bướm đẻ trứng rời rạc trên các đọt non vào ban đêm, trứng nở thành sâu non, đục vào ăn thịt lá dưới lớp biểu bì của mặt phiến lá, tạo thành các đường hầm ngoằn ngoèo, lá non bị hại kém phát triển, cong queo, giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng chậm.

+  Biện pháp phòng trừ:

- Theo dõi chặt chẽ các đợt lộc xuất hiện rầm rộ trên vườn quả, đặc biệt là các đợt lộc xuân, đợt lộc sau khi mưa, sau khi bón phân và sau khi tưới nước.

- Sử dụng một số loài thuốc như:  Ammate 150SC, Virtako 40WG.... Lưu ý nên phun phòng trừ sớm khi lộc non dài 1- 2cm hoặc thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.

c. Đối với sâu đục thân, đục cành:

+ Triệu chứng và khả năng gây hại: Sâu đục khoét tạo thành những đường hầm, để lại những mạc gỗ rơi xuống đất.

+  Biện pháp phòng trừ:

 - Cắt bỏ những cành bị sâu đục, hoặc dùng dây thép nhỏ cho vào lỗ ngoáy và kéo sâu ra, đồng thời quét vôi vào thân và cành cây.

- Có thể dùng bông thấm thuốc Virtako 40WG, Ammate 150SC, Dylan 2EC,... nhét vào lỗ và bên ngoài trát đất để diệt sâu non.    

Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật khắc phục sự cố đổ ngã vườn cây ăn quả. Kính mong bà con nông dân tham khảo và chia sẽ thêm nhiều kinh nghiệm để góp phần khắc phục và hạn chế thiệt hại cho các vườn cây ăn quả trên địa bàn thị xã Hương Trà sau cơn bão số 5.

 

Bá Dũng-TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 5.321