Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bệnh vàng lá trên cây lúa vụ Đông Xuân 2020- 2021
Ngày cập nhật 04/04/2021

Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà hiện nay bệnh vàng lá trên cây lúa xuất hiện rải rác trên địa bàn thị xã. Do khó khăn trong việc xác định nguyên nhân gây nên các triệu chứng vàng lá nên bà con nông dân đều lúng túng trong công tác phòng trừ. Tuy nhiên đây không phải là đối tượng lạ nguy hiểm nào đáng ngại.

 

Bệnh vàng lá lúa do một số nguyên nhân chính gây ra như ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, do nấm, do vi khuẩn và do điều kiện khí hậu bất lợi, do virus ….

1. Vàng lá do ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn:

Triệu chứng biểu hiện giống bệnh vàng lùn, cây lúa bị vàng và lùn. Khi gặp trường hợp này, chúng ta chỉ cần nhổ khóm lúa lên, rửa sạch rễ và kiểm tra. Nếu thấy rễ đen (ngộ độc hữu cơ), đỏ vàng (ngộ độc phèn) kèm theo rễ bị thối, ít hoặc không có rễ trắng (rễ mới), cây không hút đủ nước và dinh dưỡng gây nên hiện tượng vàng và lùn xuống. Khuyến cáo người dân ngừng bón đạm, rút nước ra khỏi ruộng nếu điều kiện thủy lợi cho phép (ngộ độc phèn cần thay nước nhiều lần). Bón khoảng 400 kg/ha vôi bột đã và để ruộng khô nứt chân chim sau đó cho nước vào ruộng.

Trường hợp lá lúa dày quá, không thể bón vôi thì nên rút nước ra khỏi ruộng, sau đó đắp bờ và hòa vôi bột đầu dòng nước chảy vào ruộng. Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao (siêu lân). Sau 1 tuần bón thêm khoảng 200 kg/ha Super lân. Có thể phun phòng trừ các nấm bệnh bằng các thuốc như Nevo 300EC, Tilt Super 300EC, Anvil 5SC nếu cần.

2. Vàng lá do nấm:

Tác nhân chính là nấm Gonatophragmium sp, bắt đầu giữa lá lúa xuất hiện một chấm vàng nhỏ. Sau đó chấm vàng to dần lên, lan ngược đỉnh lá lúa, sọc vàng nhỏ dần khi hướng lên chóp lá. Bệnh nặng nửa trên có thể bị vàng hết. Để phòng trừ đối tượng này, chúng ta có thể sử dụng các thuốc như Ridomil Gold 68WG, Nevo 330EC, Tilt Super 300EC, Amistar Top 325SC, Score 250SC.

3. Vàng lá do vi khuẩn

Do vi khuẩn Xanthomonas oryzae và Xanthomonas oryzicola gây ra. Triệu chứng ban đầu phía bìa lá chuyển vàng trước, sau đó phần chóp vàng và hóp lại như mo cau, vết bệnh lan dần vào trong theo đường gợn sóng màu vàng, mô bệnh xanh tái, vàng lục. Giữa mô bệnh và mô khỏe có ranh giới rõ ràng, giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng, có khi chỉ một đường viền màu nâu đứt quãng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá và khô đầu lá do sinh lý.

Thông thường chúng ta nghĩ rằng bệnh bạc lá, là phải gây nên bạc trắng lá ngay. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào thời tiết, giống lúa. Triệu chứng lá bạc là giai đoạn cuối của bệnh bạc lá, lúc này các mô lá nhiễm bệnh đã chết. Nếu ẩm độ cao, tế bào trương nước chúng ta ít bắt gặp giai đoạn lá chuyển vàng và chỉ thấy lá bị khô trắng lúc nắng lên.

Ngoài ra, bệnh đốm sọc vi khuẩn (Xanthomonas oryzicola)cũng gây vàng lá lúa. Triệu chứng là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc theo các gân lá. Lúc đầu vết sọc xanh trong giọt dầu, lúc đầu chuyển màu nâu, xung quanh sọc màu nâu có các quầng vàng. Nếu lá bị nhiều đốm sọc tập trung thì các quầng vàng liên kết nhau làm lá lúa bị vàng.

Các loài vi khuẩn xâm nhiễm chủ yếu qua vết thương cơ giới. Do mưa, gió các lá lúa cọ xát vào nhau gây tổn thương. Vì thế phần hai mép lá thường bị tổn thương trước và nhiễm bệnh trước (người ta gọi bệnh cháy bìa lá).

Quan sát ruộng lúa thật kỹ khi cây lúa có các triệu chứng nêu thì ngưng nay việc sử dụng phân đạm, phun phân bón lá có chứa hàm lượng cao và chất kích thích sinh trưởng, luôn giữ đủ nước trong ruộng. Có thể bón vôi từ 25-30 kg (500 m2) nhằm hạn chế khả năng phát triển và lây lan của vi khuẩn trên diện rộng; cần thăm đồng thường xuyên: phát hiện bệnh sớm và xử lý ngay bằng các loại thuốc đặc trị bệnh vi khuẩn để phòng trừ:  Starner 20 WP, Xantocin 40 WP, Agri-life 100 SL, Lobo 8 WP, Totan 200WP; Kasumin 2SL,…

Ngoài ra, bệnh vàng lá trên cây lúa còn do các tác nhân khác như do virus, do điều kiện thời tiết bất lợi như mưa nắng bất thường, nhiệt đổi thay đổi đột ngột, gió lào, các chân đất sâu trũng, đọng nước, đất cát dễ nhiễm vàng lá. 

* Lưu ý: Khi xử lý các loại thuốc đặc trị bệnh nên phun lặp lại lần 2 từ 5- 7 ngày tùy theo mức độ gây hại của bệnh, khi phun thuốc cần phun kỹ và ướt đều trên lá lúa, sử dụng thuốc BVTV nên tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

 

Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.380