Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021
Ngày cập nhật 09/04/2021

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó hằng năm các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”;

 

Căn cứ Kế hoạch số 1001/KH-BCĐLNVASTTP ngày 19/3/2021 của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai  “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021;

 Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) của thị xã Hương Trà như sau:

I. CHỦ ĐỀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG” NĂM 2021

“Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tích cực, đạt được những thành tích quan trọng trên toàn diện các lĩnh vực. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường ở tất cả các tuyến. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tích cực nâng cao nhận thức và chuyển biến hành động trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực vào cuộc mạnh mẽ vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn hiện hữu. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư vẫn khó khăn; tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật vẫn còn tồn tại. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao; Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tình hình dịch covid-19 trên thế giới còn phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới, chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 là: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

II. MỤC TIÊU:

1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về An toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

3. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).

III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI:

1. Thời gian: Từ 15/4/2021 đến 15/5/2021.

2. Phạm vi triển khai: Trên phạm vi toàn thị xã.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2021 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Với chủ đề chính của năm 2021 như đã nêu trên, các hoạt động chính được triển khai như sau:

1. Tổ chức triển khai “Tháng hành động”

Căn cứ vào thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức (Hội nghị hoặc Lễ phát động hoặc các hình thức khác như đoàn xe diễu hành.v.v... ) phổ biến công tác triển khai “Tháng hành động” ở địa bàn.

Thời gian: Từ ngày 15/4/2021 đến 20/4/2021.

2. Triển khai chiến dịch truyền thông, đào tạo, tập huấn bảo đảm an toàn thực phẩm (xem phụ lục I)

2.1. Tại thị xã:

- Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động. Huy động các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành về an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.

- Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao, Công an thị xã thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các hình thức khác;

- Trung tâm Y tế tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật.

2.2. Tại xã, phường:

- Ban chỉ đạo VSATTP các xã, phường ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa đài phát thanh, các điểm tuyên truyền công cộng.

- Tập trung tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật trên địa bàn.

- Phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã để tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...

  - Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

2.3. Đối tượng ưu tiên truyền thông

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

- Chính quyền các cấp; các cơ quan chức năng;

- Người tiêu dùng.

2.4. Nội dung truyền thông

- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đúng quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

  - Gửi tin bài về hoạt động triển khai Tháng hành động tại địa phương để đăng trên các website.

3. Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 (xem Phụ lục II).

Tại tuyến thị xã: Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thị xã thành lập Đoàn kiểm tra của thị xã do Phòng Y tế chủ trì và tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm. Tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm, cảnh báo nguy cơ, cần xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.

Tại các xã, phường: Căn cứ vào kế hoạch, hướng dẫn của thị xã, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các xã, phường chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành trongTháng hành động tại địa phương và triển khai thực hiện.

4. Công tác báo cáo tổng kết Tháng hành động

Kết thúc Tháng hành động năm 2021, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các xã, phường và các Ban, ngành, đoàn thể báo cáo kết quả hoạt động (theo mẫu 1, 2 đính kèm) về Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thị xã (cơ  quan thường trực Trung tâm y tế Hương Trà). Email: kiemsoatbenhtathiv.huongtra@gmail.com trước ngày 17/5/2021 để tổng hợp báo cáo UBND thị xã, BCĐVSATTP tỉnh.

- Các địa phương, ngành báo cáo theo mẫu 1.

- Các đoàn thể báo cáo theo mẫu 2.

V. NGUỒN LỰC

1. Kinh phí

- Nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

- Nguồn kinh phí không thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

- Kinh phí hỗ trợ của địa phương hoặc của các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước.

- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

2. Tài liệu

- Đĩa tiếng: Thông điệp của Tháng hành động năm 2021.

- Đĩa hình: Thông điệp của Tháng hành động năm 2021.

- Các phòng ban, địa phương chủ động xây dựng tài liệu truyền thông cho địa phương, đơn vị dựa trên tài liệu tham khảo đăng trên trang điện tử của Cục ATTP (địa chỉ http://vfa.gov.vn) và của các đơn vị của các Bộ, Ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương...).

VI. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

1. Cơ quan chủ trì

1.1.  Tại thị xã:

- Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thị xã

- Ủy ban nhân dân thị xã.

- Cơ quan thường trực: Phòng Y tế, Trung tâm Y tế.

1.2.  Tại xã, phường:

- Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP xã, phường.

- Ủy ban nhân dân xã, phường.

- Cơ quan thường trực: Trạm Y tế xã, phường.

2. Cơ quan phối hợp

Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Công an thị xã, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao, Đội Quản lý thị trường số 4, Phòng Tài chính - Kế hoạch.

3. Các tổ chức, đoàn thể, quần chúng

  Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Chữ thập đỏ; Hội Cựu chiến binh phối hợp triển khai Tháng hành động.

Trên đây là kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thị xã yêu cầu các ban, ngành liên quan và các địa phương nghiêm túc thực hiện.

Tập tin đính kèm:
Phòng Y tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 6.715