Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thanh trà Hương Vân gặp khó về đầu ra
Ngày cập nhật 27/08/2021

Xác định Thanh trà là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, vì vậy trong những năm qua, Hương Vân chú trọng phát triển diện tích cây đặc sản này. Tuy nhiên, bên cạnh thiệt hại do nhiều diện tích cây bị gãy đổ trong các đợt bão lũ từ cuối năm ngoái, vụ mùa năm nay, người trồng thanh trà của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn thu do chất lượng trái giảm và thị trường tiêu thụ bị tác động của dịch bệnh.

 

Nếu như các năm trước đây, vào thời điểm này, những nhà vườn thanh trà ở Hương Vân phấn khởi khi thanh trà được mùa, được giá, có đông thương lái tìm đến thu mua, thì nay hơn 10 héc ta thanh trà còn sót lại sau những trận bão, lụt xãy ra cuối năm 2020 đang vào mùa thu hoạch mà rất ít thương lái tìm về thu mua. Gia đình ông Trần Bá Nông, là một trong những hộ dân có diện tích trồng thanh trà lớn của phường với khoảng  5.000 mét vuông. Thanh trà năm nay cho quả nhỏ, thêm vào đó một phần do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid - 19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành trong cả nước nên đầu ra khó khăn, bị tư thương ép giá, khiến ông Nông cũng như nhiều hộ gia đình trồng thanh trà ở phường Hương Vân lo lắng.

Ông Nông bộc bạch: khó khăn lớn nhất đối với người dân trồng thanh trà ở Hương Vân đó là vào thời điểm cây cho hoa, kết trái thì gặp hạn hán kéo dài, một số diện tích do ảnh hưởng của bão, lụt cũng chết dần từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn nữa là vào thời điểm này đang vào mùa thu hoạch thì bị ảnh hưởng nặng nề của tình hình dịch bệnh covid - 19 nên thanh trà “rớt giá” và đầu ra khó khăn, vụ mùa năm 2020, 1 héc ta thanh trà của gia đình ông Nông cho thu nhập trên 350 triệu đồng, thì năm nay giảm hơn một nữa.

          Tổng diện tích trồng thanh trà của phường Hương Vân hiện hơn 140 héc ta, trong đó có hơn 80% diện tích đã cho thu hoạch quả. Trái cây đặc sản này mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, liên tiếp xảy ra nhiều trận bão, lụt và hạn hạn kéo dài cho đến nay đã làm cho hơn 100 héc ta thanh trà  bị chết không rõ nguyên nhân, cho dù trước đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của trung ương và  của thị xã đã nghiên cứu, thực hiện nhiều biện pháp để cứu cây thanh trà.  Năm nay hạn hán kéo dài khiến chất lượng sản phẩm thanh trà có phần giảm sút. Khó khăn nữa là  ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường truyền thống như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình và một số tỉnh phía Bắc không mạnh như mọi năm, từ đó dẫn đến tình trạng thương lái ép giá. Gắn bó với vùng đất này mấy chục năm qua, thất bát vụ mùa thanh trà năm nay cũng chỉ là những khó khăn tạm thời. Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền phường Hương Vân  xác định loại cây này vẫn là cây trồng chủ lực góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết: Để phát triển bền vững diện tích cây ăn quả thanh trà, trong thời gian tới, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lụt năm 2020 của UBMTTQVN thị xã và các nguồn nội lực ở địa phương, chính quyền đã đặt mua cây giống để hỗ trợ cho bà con cùng với đó phối hợp với các cơ quan liên quan của thị xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây thanh trà và một nhiệm vụ quan trọng nữa là quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn quả đặc sản thanh trà phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, tránh tình trạng người dân trồng một cách ồ ạt, tự phát tại những vùng đất thấp trũng, không phù hợp với trồng cây thanh trà… ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Cây sai quả  và những vụ mùa được giá luôn là niềm mong chờ của các nhà vườn. Khó khăn phải đối mặt trong vụ mùa năm nay cũng chính là dịp để địa phương cần có một quy hoạch tổng thể, những giải pháp phát triển bền vững hơn, trong đó vấn đề không kém phần quan trọng là kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng chỉ phụ thuộc vào thu mua của thương lái như hiện nay.  

Trong đó, việc thực hiện liên kết với các sàn thương mại điện tử, đa dạng cách thức tiếp cận thị trường – câu chuyện tiêu thụ vải thiều ở tâm dịch Bắc Giang vừa qua có thể là bài học kinh nghiệm quý cho các địa phương phát triển trái cây đặc sản. Không thả nổi thị trường cho thương lái, việc tìm đầu ra cho sản phẩm như  thanh trà cần vai trò chủ lực của chính quyền các địa phương, của các ban ngành, đoàn thể trong kết nối, phát triển các kênh tiêu thụ.

 

Văn Vinh - TT VHTT&TT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.540.658
Truy câp hiện tại 3.791