Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn biện pháp tiêu hủy bệnh khảm lá sắn sau thu hoạch và bảo quản, lưu gốc làm giống niên vụ năm 2023
Ngày cập nhật 20/10/2022

Bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV). Bệnh lan truyền qua hom giống lấy từ cây bị bệnh và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisiatabaci). Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm.

* Biện pháp tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh sau thu hoạch

- Đối với những ruộng sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá, trong quá trình thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ còn thân, lá gom lại thành từng đống và tiến hành tiêu hủy. Không vứt bừa bãi những thân, lá sau thu hoạch trên đồng ruộng, ven bờ tạo điều kiện cho nguồn bệnh tồn tại, phát triển lây lan trong niên vụ 2023.

- Khi thu hoạch sắn không vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn cũng như vận chuyển từ nơi khác đến. Nghiêm cấm vận chuyển thân, lá sắn từ nơi đang có dịch ra vùng khác.

- Địa điểm tiêu hủy tốt nhất ngay tại ruộng sắn bị bệnh, không chọn địa điểm tiêu hủy gần các vùng trồng sắn chưa phát hiện bệnh khảm lá, để hạn chế rơi vải nguồn bệnh trong quá trình vận chuyển tiêu hủy.

- Tiêu hủy tốt nhất là bằng phương pháp đốt. Địa điểm đốt phải đảm bảo an toàn cháy nổ. Xếp nguyên liệu dùng để đốt (củi, vật liệu khô, …) xuống trước, xếp các lớp sắn (thân sắn, lá sắn bị nhiễm bệnh) lên trên, sau đó tưới xăng hoặc dầu diesel lên sắn để đốt. Tỷ lệ các nguyên vật liệu khô, xăng hoặc dầu diesel để đốt tiêu hủy sắn bị bệnh có thể điều chỉnh phù hợp với thực tế. Do virus gây bệnh khảm lá sắn là thực thể sống chỉ tồn tại và sinh trưởng phát triển trong môi trường cây sống (vật liệu tươi), không tồn tại trong cây đã chết (vật liệu khô), do vậy thời gian đốt chỉ cần đảo thân, lá sắn được cháy hết phần vỏ tươi, bên trong thân  đã khô là đảm bảo yêu cầu.

* Biện pháp bảo quản, lưu gốc làm giống cho niên vụ 2023

- Chọn cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, đặc biệt không bị bệnh khảm lá, không buông lóng. Lưu gốc làm giống phải loại bỏ cây giống bị khô, không có nhựa mủ, trầy xước trong quá trình vận chuyển. 

- Đối với sắn trồng ở các vùng gò đồi, các vùng sắn không tập trung, các ruộng sắn chưa nhiễm bệnh khảm lá cần có biện pháp bảo quản, lưu gốc để làm giống trồng cho niên vụ 2023. Thường xuyên kiểm tra theo dõi, phát hiện sớm bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh khảm lá sắn) để phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc hóa học như Chess 50WG, Cheestar 50WG,…

- Thời gian thích hợp để bảo quản gốc làm giống không được vượt quá 2 tháng tính từ ngày thu hoạch. Ngay sau khi thu hoạch củ xong cần chặt sát gốc, giữ nguyên cành cần vận chuyển và bảo quản cây giống ở khu vực khô ráo, có bóng mát. Có thể áp dụng nhiều phương pháp bảo quản cây giống như:

+ Bó thành từng bó rồi để nằm hay dựng đứng cây giống lên, sau đó để vào trong bóng râm.

+ Cắm thẳng từng cây xuống đất thành từng cụm khoảng 500 đến 1.000 cây/cụm.

- Trong quá trình bảo quản gốc làm giống loại bỏ ngay những gốc đã mọc mầm ra lá có triệu chứng bị bệnh khảm lá, kể cả các gốc nhiễm bệnh rất nhẹ.

- Sau khi trồng đến nảy mầm- ra lá phải thường xuyên kiểm tra ruộng sắn, nhổ bỏ tiêu hủy các hom sắn có biểu hiện bệnh và trồng dặm kịp thời đảm bảo đủ độ ẩm đất để cây sắn phát triển và phun trừ bọ phấn (nếu có) để hạn chế nguồn bệnh lây lan. Tăng cường chăm sóc, bón phân để tăng khả năng chống chịu các đối tượng sinh vật gây hại, nhất là đối với bệnh khảm lá sắn.

Bá Dũng - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.612.913
Truy câp hiện tại 11.461