Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số biện pháp quản lý và phòng trừ bệnh Đốm nâu hại lúa
Ngày cập nhật 24/03/2023

Đốm nâu là một bệnh mãn tính trên cây lúa, hầu như chưa có giống nào kháng hoặc chống chịu được với bệnh này. Chỉ có điều là nếu bệnh xuất hiện nhiều (tỷ lệ và chỉ số bệnh cao) thì có thể sẽ làm giảm năng suất lúa, còn nếu bệnh xuất hiện ít thì ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng nhiều tùy thuộc vào giống lúa, chân đất, điều kiện chăm sóc bón phân,…

 

Bệnh đốm nâu chỉ xuất hiện và gây hại ở những bộ phận phía trên mặt đất của cây lúa, trong đó chủ yếu là bộ lá và trên hạt lúa, nó là một trong những nguyên nhân gây đốm đen vỏ trấu của hạt lúa mà nhiều người vẫn thường gọi là bệnh lem lép hạt lúa. Khi nhiều vết bệnh đốm nâu xuất hiện trên lá làm cho lá bị cháy vàng, ruộng lúa có vẻ xơ xác. Giai đoạn lúa trỗ bông và sau trỗ bệnh tấn công vào hạt gây lem lép, hạt bị lửng hoặc lép, giảm phẩm chất gạo. Để quản lý tốt bệnh đốm nâu hại lúa, xin giới thiệu triệu chứng, tác nhân gây hại và một số biện pháp quản lý, phòng trừ như sau:

1. Triệu chứng:

Vết bệnh trên lá ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu nhạt, sau đó phát triển thành các vết bệnh màu nâu đậm hơn. Ở giống lúa kháng nhẹ, đốm bệnh hẹp, ngắn, màu nâu đậm có kích thước từ 2 - 10x1 mm; với những giống nhiễm bệnh, đốm bệnh dài và rộng hơn, có màu nâu nhạt hơn và ở giữa có màu sáng. Tổng thể đốm bệnh thường có màu nâu đỏ, ở mép lá màu nhạt hơn nên ruộng bị nhiễm nặng có màu đỏ rực. Vết bệnh gây hại trên hạt có màu nâu, sau biến màu đen. Nấm bệnh tồn tại trên hạt và là nguồn bệnh cho vụ sau.

Vết bệnh trên hạt

Vết bệnh trên lá

2. Nguyên nhân gây nên bệnh đốm nâu

- Bệnh có thể do vài loại nấm gây ra, nhưng chủ yếu vẫn là hai loài nấm có tên là Helminthosporium oryzae và nấm Curvularia lunata.

- Loài nấm thứ nhất gây ra triệu chứng là ban đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim màu nâu nhạt sau lớn rộng dần ra thành hình bầu dục nhỏ, gần giống như hạt mè, có màu nâu, nâu đậm ở cả hai mặt vết bệnh, xung quanh thường có quầng vàng rất nhỏ. Nếu điều kiện thuận lợi cho bệnh thì vết bệnh lớn hơn, ngược lại nếu thời tiết không thuận lợi cho bệnh thì vết bệnh có kích thước nhỏ hơn (trước đây gọi là bệnh tiêm lửa).

- Loài nấm thứ hai gây ra triệu chứng là vết bệnh hình sọc ngắn hoặc không định hình màu nâu tím hoặc nâu xám, cũng có khi là những chấm nhỏ gần tròn màu nâu, nâu tím hoặc nâu xám. Ở trên hạt, vết bệnh là những vết tròn nhỏ gần giống vết bệnh do loại nấm thứ nhất gây ra (trước đây gọi là bệnh đốm nâu hay vết nâu).

3. Điều kiện phát sinh bệnh đốm nâu trên cây lúa

- Do điều kiện phát sinh phát triển của hai loài nấm này rất giống nhau, mặt khác vết bệnh do hai loài nấm này gây ra lại nằm xen kẽ với nhau trên cùng một cây lúa. Vết bệnh do chúng gây ra trên lá tuy có khác nhau ở một số chi tiết, nhưng cũng có những nét tương tự giống nhau.

- Bệnh đốm nâu phát triển ở vùng đất nghèo chất dinh dưỡng như vùng đất phèn, vùng đất cát bán sơn địa ven chân núi hay ở vùng đất bị ngộ độc hữu cơ, nói chung là những nơi đất có vấn đề làm bộ rễ lúa phát triển kém. Bệnh cũng thường xuất hiện ở những vùng đất quá úng hay khô hạn làm cho cây lúa thiếu nước, khả năng hút dinh dưỡng của bộ rễ gặp nhiều khó khăn khiến cây lúa sinh trưởng kém. Những ruộng bạc màu nghèo dinh dưỡng, những ruộng lúa thiếu phân bón, những giống lúa phàm ăn, nhưng không được cung cấp đủ phân (nhất là phân đạm).... Bệnh phát sinh phát triển thích hợp trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ thấp.

4. Các biên pháp để phòng ngừa và hạn chế bệnh đốm nâu trên cây lúa

Để hạn chế tác hại của bệnh đốm nâu có thể áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là những biện pháp canh tác, đặc biệt là phân bón và điều tiết nước phù hợp giai đoạn sinh trưởng cây lúa nhằm tạo điều kiện thuân lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức chống chịu với bệnh từ đó hạn chế tác hại do bệnh gây ra. Sau đây là một số biện pháp chính:

- Cày bừa, xới xáo làm đất kỹ (trừ những chân đất có tầng phèn nằm cạn, dễ bị xì phèn khi làm đất), những ruộng đất bạc màu, đất cát cần bón nhiều phân chuồng để cải tạo và tăng cường chất dinh dưỡng cho đất.

- Không nên gieo sạ quá dày, dễ làm lúa thiếu thức ăn dẫn đến sinh trưởng, phát triển kém, bệnh dễ phát sinh.

- Những ruộng bị nhiễm phèn hoặc dư thừa xác hữu cơ cần tăng cường bón thêm vôi bột, phân lân... để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ và nâng cao độ pH cho đất, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

- Phải luôn cung cấp đầy đủ nước cho ruộng lúa, nhất là vào đầu vụ Hè Thu thời tiết khô hạn, nếu thiếu nước làm cho phèn từ tầng đất dưới sẽ xì lên tầng canh tác gây ngộ độc rễ làm cây lúa sinh trưởng kém, tạo điều kiện cho bệnh tấn công.

- Phải bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali (nhất là với những giống phàm ăn), tuyệt đối không được để cây lúa thiếu đạm, thiếu dinh dưỡng sẽ sinh trưởng phát triển kém.

- Sau khi thu hoạc lúa cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu dọn sạch tàn dư cây lúa để hạn chế nguồn bệnh ban đầu lan truyền cho vụ sau.

- Không lấy lúa ở những ruộng vụ trước đã bị nhiễm bệnh nặng để làm giống cho vụ sau. Trước khi ngâm ủ phải phơi khô, quạt thật sạch để loại bỏ hết những hạt lép lửng (là những hạt mang nhiều nấm bệnh).

- Do nấm bệnh tồn tại ngay trên vỏ trấu vì thế để diệt trừ một cách triệt để nguồn bệnh ban đầu lây nhiễm cho vụ sau, trước khi ngâm ủ phải xử lý giống bằng nước nóng 540C (3 sôi- 2 lạnh) sau đó vớt ra đãi sạch rồi đem ủ bình thường.

Cùng với những biện pháp trên, khi ruộng lúa có biểu hiện bị bệnh có thể sử dụng một trong các loại thuốc có tác dụng phổ rộng như Tilt Super 300EC, AmistarTop 325SC, Viroval 50WP, Hạt vàng 50WP,… để phòng trừ.

 

Phước Lễ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.612.913
Truy câp hiện tại 4.205