Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Trung tâm DVNN: Thực hiện mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu Sâm Bố Chính với công ty SBC Hoàng Gia
Ngày cập nhật 24/03/2023

Năm 2023, Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà được sự thống nhất và chỉ đạo của UBND thị xã bám sát chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nghị quyết của thị uỷ Hương Trà đã triển khai xây dựng mô hình thí điểm liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu Sâm Bố Chính với công ty SBC Hoàng Gia. Địa điểm thực hiện mô hình tại xã Hương Bình và xã Bình Tiến mỗi xã 0,5ha/ 02 hộ tham gia sản xuất.

1. Kỹ thuật trồng

1.1. Thời vụ trồng

- Sâm Bố chính thích hợp trồng vào các thời điểm thời tiết mát mẻ, độ ẩm từ 65%-80%  hạt sẽ dễ nảy mầm. Tiết trời nắng nhẹ và có mưa nhỏ thích hợp cho việc gieo trồng sâm Bố chính.

- Thời vụ trồng tháng 01-02 dương lịch hàng năm.

1.2. Làm đất

- Sâm bố chính thích hợp với đất thịt pha cát nhẹ,  nhiều mùn, tơi xốp, có lớp đất mặt sâu, thoát nước, nhiều ánh sáng, độ ẩm trung bình, bố trí chọn những diện tích đất bãi bồi ven sông suối trước đây đã được người dân canh tác trồng hoa màu, nay có nhu cầu chuyển đổi sang trồng sâm có hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Đất trồng sâm Bố Chính phải cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, thực bì, xử lý đất bằng vôi bột rải và nấm Trichoderma trước tầm 15 ngày trước khi gieo.

* Đối với trồng Sâm bố chính trên luống:

  Lên luống cao 30 - 40 cm, mặt luống rộng 120cm, rãnh rộng 30 cm, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa.

* Đối với trồng sâm Bố Chính trong bao:

Chuẩn bị giá thể trồng trong bao:

- Bao xi măng cần giặt sạch, đục lỗ ở đáy bao để thoát nước, chiều cao bao  40 - 45cm

- Nguyên liệu làm giá thể gồm có:

+ 1 m3 đất thịt pha cát nhẹ tơi xốp, nhiều mùn

+ 1 m3 tấn vỏ trấu

+ 100kg phân chuồng hoai mục, tốt nhất là phân ủ bằng men vi sinh, phân chuồng càng nhiều càng tốt

+ 5kg vôi

+ 0.5 kg Nấm Trichoderma

+ 2kg NPK 5:8:5

- Trộn đều tất cả đem ủ đống khoảng 3-4 tuần sau đó cho vào bao.

1.3. Mật độ và khoảng cách trồng

- Lượng hạt giống: 5kg/ha; 0.25kg/sào

- Mật độ khoảng: từ 5.400 - 5.555 cây/sào 

- Khoảng cách: 30cm x 30cm (lưu ý: trồng trong 1 bao trỉa 2 hốc cách nhau 15-20cm, mỗi hốc 1-2 hạt)

1.4. Ngâm ủ

Vật liệu chuẩn bị: Rá, rổ, túi đen, khăn bông, xô hoặc chậu để ngâm hạt giống

- Bước 1: Phơi trong nắng nhẹ 1 - 2 giờ để kích thích nảy mầm

- Bước 2: Ngâm hạt giống trong nước ấm có nhiệt độ 45-500C ( 3 sôi 2 lạnh) trong 10 giờ, vớt ra rửa sạch chất chua, nhớt 2 - 3 lần.

- Bước 3: Cho hạt vào trong túi đen -> sau đó vặn miệng túi -> để vào rổ, trên để khăn bông thấm nước, vắt ráo, đạt rổ trên cái xô, tránh đọng nước.

- Bước 4: Ngày tưới nước 2-3 lần tuỳ theo thời tiết. Trong quá trình ủ, nếu thấy hạt  có nhớt và có mùi chua thì nên xả lại với nước rồi đem ủ tiếp.

- Bước 5:  Ủ trong túi vải khoảng 3 ngày 2 đêm. Khi hạt có hiện tượng nứt nanh trắng ngà đem gieo thẳng ra ruộng sản xuất dược liệu (lưu ý trong thời gian ngâm ủ những hạt chưa nứt nanh thì rửa sạch chất chua rồi phơi khô bảo quản lại).

- Lưu ý:

+ Gieo hạt thẳng: Ủ hạt nứt nanh trắng ngà thì mang ra trỉa với khoảng cách  30x30cm theo hình nanh sấu.

+ Trồng bằng cây con: Kích thước bầu gieo 6cm x 11cm đỗ đất, nén chặt kín bầu, gieo mỗi bầu từ 1-2 hạt sau cùng để lại còn 1 cây khỏe mạnh.  Trong quá trình ươm hạt trong bầu khoản 1 tuần đầu nên che mát , tưới đủ độ ẩm. Sau 20-30 ngày, khi cây cao khoảng 8-10cm lúc này cây cứng cáp và hình thành củ nhỏ có thể đưa ra trồng.

Thực hiện đào hố theo khoảng cách 30x 30cm, xé bỏ túi bầu ươm để tránh bị đứt rễ. Đặt cây thẳng đứng, sau đó lấp đất, ấn nhẹ đất quanh gốc cây, sau trồng nên tưới nước để giữ ẩm ngay cho cây.

1.5. Kỹ thuật trồng:

- Gieo hạt theo hình nanh sấu, mỗi hốc nên gieo 2-3 hạt-> phủ đất lên hạt, có thể kết hợp phủ rơm. Hàng ngày tưới nước giữ ẩm. Sau 7 – 10 ngày hạt mọc đều, dỡ rơm và chăm sóc.

- Tỉa dặm: Sau khi cây con ra lá thật thì tiến hành bứng tỉa dặm, mỗi gốc nên để lại 1-2 cây con.

2. Phân bón

Lượng bón cho 1 sào 500m2

a. Bón lót:

- Xử lý đất trước khi xuống giống: cày ải đất với 500 kg phân chuồng hoại mục + 25-30 kg vôi + 25 kg phân lân + 30 kg phân vi sinh + 1kg nấm Trichoderma, sau 20-30 ngày mới xuống giống.

b. Bón thúc:

- Phân NPK 5:8:5 (25 kg/sào) chia làm 4 lần bón:

+ Bón thúc lần 1: 45 ngày từ khi xuống giống (khi cây đã ra lá thật)

+ Bón thúc lần 2: 90 ngày từ khi xuống giống (khi cây ổn định)

+ Lần 3: Khi cây bắt đầu giao tán làm củ vào tháng 3 sau trồng.

+ Lần 4: Vào tháng 6-7 sau trồng. Bón lần cuối trước khi thu hoạch ít nhất 25 – 30 ngày.

3. Chăm sóc

- Thường xuyên làm cỏ, xới xáo, phá váng. Chú ý không làm ảnh hưởng tới bộ rễ của cây.

- Bón thúc khi cây đến giai đoạn, khi bón cần rắc xung quanh gốc, kết hợp với tưới đủ ẩm để phân dễ hòa tan.

- Khi cây bắt đầu ra nụ, nếu không có nhu cầu lấy hạt giống thì nên định kỳ cắt nụ hoa để dinh dưỡng tập trung vào củ, tạo củ rễ nhiều và to. Cây thường ra hoa vào hai đợt tháng 4 và tháng 7 sau trồng.

- Thường xuyên đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, tưới nước 1 ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi chiều khi cây mới trồng và vào mùa khô hạn.

- Tỉa cành tạo tán: Sau khi cây giao tán ( khoảng 3 tháng sau trồng) thì tiến hành tỉa cành. Cắt dọn cành sát mặt đất, cành vươn, đan xen nhiều với tán cây bên cạnh, cành bị sâu bệnh… tạo độ thông thoáng cho cây, tránh sâu bệnh gây hại, tránh tranh chấp ánh sáng và dinh dưỡng.

4. Phòng trừ sâu bệnh

4.1. Sâu, bệnh gây hại chính:

Sâm bố chính chủ yếu bị bệnh nấm, rệp và sâu ăn lá gây hại.

+ Bệnh do nấm Fusarium sp: Khi biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau lớn làm cây thoát nhiệt không đều xuất hiện nấm ở cỗ rễ cây con, làm khô mao mạch cây, cây không vận chuyển được nước, chất dinh dưỡng lên nuôi thân, lá được; cây bị héo, cây bị nặng sẽ dẫn đến chết, thối; cây lớn có củ bị thối nhũn.

+ Rệp sáp: Rệp sáp gây hại trên nhiều bộ phận của cây như lá non, chồi non, chùm hoa, cuống quả, quả non, gốc cây gây hại bằng cách chích hút nhựa cây làm lá vàng và rụng, hỏng hoa, rụng quả, làm cho cây còi cọc dẫn đến chết khô cả cây nếu bị nặng. Rệp sáp sống tập trung thành đàn, gây hại hầu như quanh năm, nhất là các tháng mùa khô.

+ Sâu ăn lá( sâu tơ, sâu xanh): Sâu ăn lá non, ngon cây khi cây còn nhỏ

4.2. Biện pháp phòng trừ:

- Tăng cường vệ sinh vườn cây như cắt tỉa hết các cành sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn cây thông thoáng, dọn sạch cỏ rác, lá cây mục quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến, hạn chế môi trường sinh sống, lan truyền của nấm và rệp.

Đối với nấm:

Phun các loại thuốc trừ nấm như Anvil, Ridomin MZ, Alitette 800WG, Mataxyl 500WP… cách nhau 5-7 ngày phun lại lần 2 nếu bị nhiễm nặng. Phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Đối với rệp sáp:

Có thể dùng các loại thuốc sau đây: dầu khoáng (ví dụ Citrole 96,3EC; Vicol 80 EC); hoạt chất Buprofezin (ví dụ Applaud 10WP, 25SC; Map – Judo 25 WP, 800WP); hoạt chất Acetamiprid (ví dụ Actatoc 150EC, 350EC); hoạt chất Acetamiprid + Thiamethoxam (ví dụ Goldra 250WG). Phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở.

Đới với sâu ăn lá:

Sâu tơ, sâu xanh có khả năng kháng thuốc nhanh, để giảm bớt áp lực kháng thuốc của sâu cần sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc như: Silsau super 1.9,3.5EC; Tasieu 1.9EC; 5WG; TC-Năm sao 20EC, 35EC; Reasgant 3.6EC, Dylan...

5. Thu hoạch, sơ chế

5.1. Thu hoạch

- Sau khi trồng 8 - 9 tháng, cây bắt đầu vàng lụi, chọn những ngày nắng tiến hành thu hoạch, loại bỏ phần thân lá, lấy phần rễ củ. Nên thu hoạch trước mùa mưa.

5.2. Sơ chế

- Rửa sạch, ngâm với nước vo gạo 1 đêm vớt để ráo, dùng tươi hoặc phơi sấy khô.

- Để nguyên củ hoặc có thể cắt lát 0,3 – 0,5 cm theo chiều ngang củ (tùy theo nhu cầu của người sử dụng)./.

Bá Phú - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.612.913
Truy câp hiện tại 828