Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Xuất khẩu lao động
Ngày cập nhật 10/09/2018

Thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 09/02/2018 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động, cùng các Nghị quyết, Quyết định của HĐND và UBND tỉnh về chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020 và chương trình việc làm tỉnh, UBDN thị xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Giải quyết việc làm và Xuất khẩu lao động năm 2018, cụ thể:

 

1. Mục tiêu chung

Huy động tổng hợp các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng việc làm, phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, phát huy thế mạnh nguồn lực lao động của thị xã nhà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động từ nông nghiệp tăng dần lao động sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Đẩy mạnh việc đưa lao động trên địa bàn thị xã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

2. Chỉ tiêu

- Giải quyết việc làm mới cho 1.500  lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%.

- Phấn đấu đưa từ 80 - 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có ít nhất 60 lao động thuộc diện chính sách được hỗ trợ, ưu tiên các đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động thuộc hộ bị ảnh hưởng môi trường biển, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng.

3. Để thực hiện tốt những mục tiêu, chỉ tieu trên cần thực hiện tốt những giải pháp sau

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giải quyết việc làm, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt hệ thống truyền thanh tại các tổ dân phố, thôn..., thông qua hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giải quyết việc làm. Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động tích cực của chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức: bản tin, phóng sự,... về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Thường xuyên thông tin về các chương trình đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các chương trình do doanh nghiệp thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện tuyển chọn, quy trình đào tạo, chi phí xuất cảnh… để lao động biết đăng ký tham gia.

- Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm. Tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng cho cán bộ từ thị xã đến cơ sở, chú trọng việc đưa cán bộ và tuyên truyền viên về tư vấn xuất khẩu lao động trực tiếp đến với người lao động tại cơ sở xã, phường.

 Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp thuận lợi để thu hút đầu tư; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Thị ủy, Hội đồng nhân dân thị xã và Ủy ban nhân dân thị xã ban hành để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động.

- Phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế so sánh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

 Phát triển, tạo cơ chế mạng lưới doanh nghiệp, doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới

- Tiếp tục hỗ trợ việc thành lập mới và chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã kiểu mới, phát triển mạnh kinh tế tư nhân… Thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp; tiếp nhận, xử lý kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Hoàn thiện hệ thống thông tin doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, tổ hợp tác và người lao động được vay vốn để giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; cho vay tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng khác để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định và thu hút thêm lao động vào làm việc.

Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động trong nước và khai thác thị trường ngoài nước

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động cho người lao động, đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các công ty có chức năng xuất khẩu lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động trong thị xã.

-Phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chuyên đề để kết nối cung - cầu và tư vấn việc làm cho người lao động.

- Thực hiện tốt việc điều tra thông tin cung, cầu lao động; củng cố, nâng cao năng lực công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, cầu và cung lao động nhằm làm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm của người lao động và để định hướng cho việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực phục vụ đi lao động ở nước ngoài.

- Tập trung khai thác các thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh chính trị và kinh tế - xã hội ổn định và đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam vào làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, A rập Xê út,…

- Tham gia các Chương trình đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình Visa E7 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

- Làm tốt công tác định hướng, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, thu hút được nhiều người tham gia học nghề, tạo điều kiện cho người học được trang bị kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, thái độ nghề nghiệp, đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động trong nước và nước ngoài.

Tạo nguồn lao động để đưa đi lao động ở nước ngoài

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, giáo dục ý thức kỷ luật lao động nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ngoài nước.

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng cho người lao động học nghề, học ngoại ngữ để tham gia lao động nước ngoài.

- Thường xuyên tổng hợp nhu cầu đi lao động nước ngoài của địa phương từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng gặp gỡ người dân để tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng liên kết với các cơ sở đào tạo để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài yêu cầu. Việc đào tạo cần được áp dụng cả trước và sau khi trúng tuyển để người lao động có thể nhanh chóng tiếp cận với công việc mới khi sang nước ngoài.

- Thường xuyên, định kỳ tổ chức các Hội nghị về công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng với sự tham gia của các cấp chính quyền, các cơ sở đào tạo, đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và người lao động.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Tăng cường sự hợp tác giữa các phòng, ban, ngành có liên quan với các địa phương và với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Định kỳ tổ chức đánh giá kết quả công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng của địa phương; thường xuyên có chế độ trao đổi thông tin với các địa phương, doanh nghiệp để nghe các ý kiến phản hồi và có những giải pháp điều chỉnh phù hợp.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời khen thưởng, động viên các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này.

 

 

VP HĐND - UBND Thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 6.810