Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính Phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019
Ngày cập nhật 21/02/2019

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019.

 

Theo đó, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định rõ việc quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

Trong trường hợp di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt đồng thời có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 1 quy hoạch di tích, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan.

Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định nhiệm vụ lập quy hoạch di tích gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; đề xuất phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch; đề xuất nội dung về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới; xác định kế hoạch thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể nội dung quy hoạch di tích, trong đó cần phân tích, đánh giá hiện trạng di tích và đất đai thuộc di tích gồm: kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm, giá trị di tích; tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phân tích đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, mối liên hệ di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực nghiên cứu.

Nghị định số 166/2018/NĐ-CP còn quy định cụ thể thời gian thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích như sau:

- Đối với di tích văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản đồng ý hoặc văn bản góp ý điều chỉnh, bổ sung;

- Đối di tích cấp tỉnh: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản đồng ý hoặc văn bản góp ý điều chỉnh, bổ sung;

- Trường hợp di tích có nguy cơ bị hủy hoại hoặc cần tu bổ, tôn tạo đột xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị đặc biệt thì thời hạn thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích là 07 ngày làm việc.

Tập tin đính kèm:
Thanh Hồng - Phòng VHTT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.777