Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những tấm lòng thảo thơm xứ Huế
Ngày cập nhật 25/02/2020

So với các thành phố khác như Hà Nội, Sài Gòn…Huế không phải là vùng đất nổi tiếng với các hoạt động từ thiện, có nhiều mạnh thường quân hào phóng dám chi ra tiền trăm, tiền tỷ để làm việc thiện. Tuy nhiên, vốn mang trong mình tính cách trầm lặng, kín đáo, ít ai biết rằng, giữa lòng cố đô, ngày đêm vẫn có biết bao tấm lòng thiện nguyện lặng lẽ, âm thầm tô đẹp cho đời với những việc làm vô cùng ý nghĩa bằng tất cả cái tâm sáng trong, thương người như thể thương thân.

 

Mấy chục năm nay, có biết bao sinh viên đến trọ học ở Huế biết đến bà Huỳnh Thị Diệp ở trong con hẻm nhỏ đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, (TP Huế). Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, lớn lên trong tuổi ấu thơ nhọc nhằn, bà Diệp thấu hiểu nỗi vất vả của con nhà nghèo khó. Không chồng con, sống một mình nhưng không khi nào ngôi nhà bà Diệp thiếu vắng tiếng nói cười. Hơn 20 năm qua, bà Diệp đã cho hơn 200 sinh viên nghèo ở  trọ miễn phí trong ngôi nhà của mình. Nhiều sinh viên giờ đã trưởng thành, làm việc khắp mọi miền đất nước, mỗi lần trở về Huế đều ghé thăm bà với tiếng gọi mẹ thân thương và lòng biết ơn sâu sắc.

Nặng tình với trẻ nghèo, bà giáo Trần Thị Bê - một người dù chưa cầm trên tay một tờ giấy chứng nhận sư phạm nào vẫn tâm huyết với nghề gần 15 năm nay. Năm nay bà đã ngoài 90, tóc bạc màu thời gian nhưng nụ cười thì bao giờ cũng ấm áp, tươi tắn. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, bố mất sớm, bà phải vừa giúp mẹ đỡ đần việc nhà, vừa chăm lo cho các em ăn học, vì thế bà rất thông cảm và thương yêu học trò nghèo. Năm 1995, tại ngôi nhà riêng của mình ở số 7,  kiệt 68 đường Điện Biên Phủ bà quyết định mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo và lớp học ấy duy trì cho đến hôm nay. Lớp học của bà giáo Bê lúc nào cũng có trên 20 em học sinh. Bà vừa dạy Tiếng Ang, tiếng Pháp, vừa dạy lớp vỡ lòng cho trẻ nhỏ. Không chỉ dạy chữ, đến lớp học tình thương này, trẻ còn được bà giáo Bê nhẹ nhàng bày vẽ cho từng li từng tý kĩ năng sống, biết yêu thương mọi người. Đêm đêm, bà Bê vẫn miệt mài soạn bài cho  một ngày lên lớp tiếp theo. Bà tâm sự : “ Nhờ dạy cho các cháu mà bà khỏe hẳn lên. Nếu không dạy, bà buồn lắm. Các cháu rất dễ thương, bà sẽ dạy đến khi nào trời còn thương, còn cho sức khỏe”.

Không chỉ cưu mang sinh viên nghèo, mở lớp học tình thương, người dân Huế còn có nhiều nghĩa cử vô cùng cảm động khác. Đồng cảm, sẻ chia với người đi đường, người lao động, công nhân hay bác xích lô, người bán vé số rong ruổi khắp nơi ... người dân Huế tự lập nên nhiều điểm cấp nước uống miễn phí nhằm làm dịu đi cơn khát trong cái nắng oi ả ngày hè. Đó là điểm uống nước miễn phí của bà Nguyễn Thị Dưa đặt dưới bóng cây râm mát bên con đường lớn tại số nhà 279 đường Nguyễn Tất Thành- phường Thủy Dương, thị xã  Hương Thủy, hay của chị Hoàng Thùy An ở 39 Nguyễn Trãi, thành phố Huế... Những ly nước mát dành cho người qua đường thật ấm áp và xúc động.

Với quan niệm sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, nhiều người dân sống trên đất Huế đã không ít lần cho đi giọt máu nóng của mình để cứu không biết bao nhiêu là bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Trong phong trào hiến máu tình nguyện nhiều người đã trở thành tấm gương điển hình được ghi nhận, tôn vinh trên phạm vi toàn quốc. Trần Long Anh – cán bộ trẻ của trường Đại học y Huế hay gia đình ông Nguyễn Phước Bửu Thanh ở đường Trần Huy Liệu - Huế là những tấm gương như thế. Chỉ mới qua tuổi 32 nhưng Trần Long Anh đã có hơn 25 lần tình nguyện hiến máu nhân đạo. Những lúc có bệnh nhân cấp  cứu hay phẫu thuật cần cung cấp máu, nếu phù hợp với nhóm máu O của mình thì Anh sẵn sàng hiến giọt máu đỏ  cứu người bệnh kịp thời, nếu không phù hợp nhóm máu của mình thì Long Anh tích cực động viên, huy động những tình nguyện viên khác.  Trần Long Anh được cử tham gia Hành trình đỏ xuyên Việt dành cho những tình nguyện viên đã có thành tích trong việc tham gia hiến máu nhân đạo toàn quốc. Cũng như trái tim chan cứa yêu thương của giảng viên trẻ Trần Anh Long,  giọt máu của cả gia đình ông Nguyễn Phước Bửu Thanh bao gồm 12 người con đã hòa chảy trong cơ thể của biết bao người bệnh để cứu họ ra khỏi lưỡi hái tử thần. Thật xúc động khi biết rằng gia đình ông đã có trên 200 lần hiến máu với hàng chục nghìn đơn vị máu cho bệnh nhân nghèo. Riêng chị Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tâm- con gái ông Thanh, trong 14 năm có 40 lần hiến máu. Trong đó 15 lần ở thành phố Hồ Chí Minh và 28 lần ở Huế. Chị được Hội Chữ Thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế tặng Huy chương Bạc và Vàng để khen ngợi hoạt động nhân đạo. Anh Nguyễn Ngọc Tuyến, Chủ tịch Hội chữ tập đỏ thị xã Hương Trà (53 lần) hay anh Trần Viết Én ở xã Hương Phong (Hương Trà) đều có hơn 40 lần hiến máu. Với họ,  phần thưởng lớn nhất chính là được nhìn thấy nụ cười trở lại của bệnh nhân nghèo từ nỗi đau dày vò mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

Với tấm lòng thảo thơm, nhân ái, người Huế đã sáng tạo ra nhiều hoạt động khác nhau, tất cả với mục đích mang ngọn lửa yêu thương sưởi ấm phần nào những cảnh đời kém may mắn. Đó là cửa hàng hạt gạo yêu thương ở địa chỉ 47 Lê Văn Hưu, thành phố Huế của anh Trần Nam Trung. Cửa hàng gạo yêu thương ra đời vào tháng 12 năm 2013 với mục đích 100% lợi nhuận từ việc kinh doanh được mang đi làm công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo trong và ngoài địa bàn Thừa Thiên Huế. Quán cơm xã hội Huế ở số 72 A Đào Táo, phường Trường An, Huế là địa chỉ của những học sinh, sinh viên nghèo. Một bữa ăn chỉ có 5000 đồng, quán cơm đã đồng hành với bao bạn nghèo từ 13/2/2019 đến nay. Rồi nhiều quán cơm giá rẻ khác dành cho sinh viên, cho người lao động nghèo, những nồi cháo nghĩa tình phát cho bệnh nhân trong bệnh viện, những suất cơm chay cho sĩ tử trong chương trình tiếp sức mùa thi do các chùa ở thành phố Huế đảm nhận...là những nghĩa cử nhân ái, trao gửi biết bao yêu thương luôn tồn tại trên đất Huế nhiều năm nay..

Còn đó, những con người ngày đêm lặng lẽ làm việc thiện. Cô Lệ Hằng sau khi nghỉ hưu, dành toàn bộ thời gian làm việc thiện từ đồng lương ít ỏi; thầy giáo trẻ Trần Văn Anh dạy nhạc ở trường THCS Phong Hòa (Phong Điền) dành cả tuổi thanh xuân đem yêu thương đến bao cảnh đời. Chương trình bao gạo nghĩa tình, tết vì người nghèo…luôn được duy trì. Bàn chân thầy đã đi khắp nơi, từ những vùng sâu đến vùng cao hẻo lánh. Cô giáo Minh Hương dạy ngoại ngữ ở trường Quốc Học Huế cùng nhóm thiện nguyện của mình giúp đỡ cho biết bao cảnh đời. Cô giáo Quỳnh Dương 10 năm sống cùng các con ở nhà nuôi học sinh nghèo hiếu học ở Phú Thượng (Phú Vang)…

Một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, bàn tay có rộng mở trao ban tâm hồn một tràn ngập vui sướng. Vâng, cho đi yêu thương để  thấy lòng thanh thản, cuộc sống trở nên ý nghĩa. Mong sao ngày càng có thêm nhiều nghĩa cử đẹp, những việc làm thiện nguyện, những tấm lòng thảo thơm trên đất Huế. Đó chính là sự nối tiếp và phát huy truyền thống Lá lành đùm lá rách có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trân trọng và đẹp sao những tấm lòng thảo thơm xứ Huế đã đem niềm vui đến những mảnh đời bất hạnh, thắp lên trong mỗi chúng ta tình yêu, niềm tin  thiết tha vào cuộc sống dù còn lắm thăng trầm của hôm  nay và ngày mai.

 

Xuân Trường
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.700