Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch Thực hiện Chương trình việc làm năm 2020
Ngày cập nhật 04/04/2020

Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 19/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Chương trình việc làm năm 2020. Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm năm 2020, với những nội dung sau:

 

 

I.Chỉ tiêu

1. Giải quyết việc làm cho 1.700 lao động.

2. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

3. Phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 1,5%.

II. Giải pháp thực hiện

1. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm

- Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước góp phần tạo thêm việc làm mới cho lao động.

- Phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

2. Phát triển mạng lưới doanh nghiệp, doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới

- Tập trung mọi nguồn lực, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Phát huy các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, tổ hợp tác và người lao động được vay vốn để giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động và các hoạt động kết nối cung - cầu lao động ở trong nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

- Thực hiện tốt việc điều tra thông tin cung, cầu lao động năm 2020, đa dạng hóa các hình thức hoạt động kết nối cung - cầu lao động, để tăng khả năng tiếp cận thông tin và kết nối người lao động với chủ sử dụng lao động.

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động giúp người lao động, đặc biệt là thanh niên, sinh viên lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp.

- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kết nối cung - cầu lao động và các hoạt động kết nối đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các hội nghị, hội thảo, sàn giao dịch việc làm… Phát huy vai trò và sự tham gia của giáo dục nghề nghiệp trong việc liên kết với doanh nghiệp hoạt dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tổ chức đào tạo cho người lao động về tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

4. Đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nghề góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Gắn kết giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các hoạt động tăng cường mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ở trong nước và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

         5. Truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, phóng sự, tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt mạng xã hội: facebook, Zalo, hệ thống truyền thanh tại các tổ dân phố, thôn, bản...,

- Thường xuyên thông tin các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các chương trình do doanh nghiệp thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện tuyển chọn, quy trình đào tạo, chi phí xuất cảnh… để lao động biết đăng ký tham gia.

- Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở các địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để kịp thời phát hiện và giải quyết những phát sinh tiêu cực cho người lao động.

III. Kinh phí thực hiện

1. Nguồn Ngân sách nhà nước, được bố trí trong dự toán ngân sách của các đơn vị theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

2. Huy động các nguồn vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội có hiệu quả góp phần hỗ trợ người lao động có thêm việc làm.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Thực hiện tốt công tác phân tích, dự báo, phổ biến và kết nối thông tin cung, cầu lao động.

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hành Chính sách xã hội thị xã phân bổ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay tạo việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

3. Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch phát triển gắn với tạo việc làm, thu hút lao động. Chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương đề xuất những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, mất việc làm, có việc làm không ổn định; tạo thêm việc làm mới.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nghiên cứu thị trường; tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, đổi mới công nghệ theo hướng tăng năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm bền vững cho người lao động đặc biệt tăng cường việc làm có thu nhập cao.

- Khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận lao động tại địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp, đặc biệt là lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động chuyển đổi nghề nghiệp,...

4. Ủy ban nhân dân các xã, phường

- Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nội dung của Kế hoạch này, chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm 2020 ở địa phương. Tổ chức thực hiện lồng ghép Kế hoạch này với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác để giải quyết việc làm có hiệu quả.

- Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động của Chương trình việc làm.

- Phối hợp với Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội thu thập thông tin về các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kịp thời giới thiệu đến người lao động.

5. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã

- Hướng dẫn, thẩm định, giải ngân cho vay từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó ưu tiên các dự án vay vốn tạo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các dự án vay vốn để xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng nguồn vốn không có hiệu quả, sai mục đích.

6. Các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động

- Thông tin đầy đủ, chính xác về điều kiện tuyển chọn như: Giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khoẻ, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí người lao động phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài đồng thời phải cam kết với người lao động về thời gian được tham gia đào tạo, thi tuyển; chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển.

- Theo dõi, giám sát việc thực hiện Hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời các phát sinh vượt quá khả năng tự giải quyết của người lao động hoặc khi người lao động yêu cầu trợ giúp.

- Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các Ngân hàng Thương mại tiến hành thu hồi nợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị có vay vốn.

V. Chế độ báo cáo

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và nội dung Kế hoạch này, UBND các xã, phường và các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương trước ngày 29/03/2020; định kỳ 06 tháng (trước ngày 20/06) và 01 năm  (trước ngày 30/11) báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã kết quả thực hiện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Văn phòng HĐND&UBND thị xã có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã về tình hình, triển khai thực hiện Kế hoạch này.

 

Phòng LĐ-TB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.565.894
Truy câp hiện tại 6.205