Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dự báo tình hình sâu bệnh chính gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ vụ Đông xuân 2020 - 2021
Ngày cập nhật 21/11/2020

Vụ Đông Xuân 2020-2021, thị xã Hương Trà gieo cấy khoảng 3.150ha lúa, 890ha lạc, 650ha sắn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế tối đa những thiệt hại do sâu bệnh gây ra, chúng tôi đưa ra dự báo một số sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng chính và biện pháp phòng trừ sau.

 

Đối với cây lúa:

Ốc Bươu vàng: Ba trận lụt lớn liên tiếp trong tháng 10, 11/2020 đã dồn OBV vùng cao về vùng trũng, thấp, đặc biệt vùng ruộng bàu, ruộng nẩy của Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Phong. Đây là những vùng có khả năng OBV mật độ cao và gây hại nặng ngay đầu vụ đến giai đoạn lúa đẻ nhánh.

Bà con cần thu gom ốc và ổ trứng tiêu diệt để hạn chế mật độ ngay từ đầu vụ. Khi ốc gây hại với mật độ cao cần xử lý bằng các loại thuốc có độc tính thấp, ít ảnh hưởng đến môi trường và động vật thuỷ sinh.

Chuột: Tháng 10 và 11/2020, ba trận lụt liên tiếp xảy ra làm hầu hết diện tích cồn mồ, ruộng lúa trên địa bàn thị xã ngập sâu và ngâm dài ngày nên lượng chuột bị tiêu diệt khả năng rất lớn. Lúa chét, cỏ dại sau lụt không phát triển nên nơi cư trú, nguồn thức ăn của chuột cũng bị thu hẹp. Dự báo đầu vụ Đông Xuân tới chuột phát sinh và gây hại không đáng kể. Đến tháng 3, 4 giai đoạn lúa làm đòng- trổ chuột gia tăng mật số tại chỗ và di cư từ các vùng gò đồi xuống cắn phá lúa nhưng tỷ lệ gây hại cũng sẽ thấp hơn mọi năm. 

Mặc dù lượng chuột đầu vụ năm nay ít nhưng ngay khi xuống vụ nếu có chuột xuất hiện cần đặt bả tiêu diệt sớm để tránh lây lan. Tích cực đánh bắt đồng bộ bằng các loại bẫy, đặt bã thuốc vào tháng 3, 4 giai đoạn lúa đòng - trỗ vì đây là giai đoạn chuột gia tăng mật số trở lại. Tuyệt đối không dùng điện để đánh bắt chuột.

Sâu cuốn lá nhỏ: gồm các lứa chính sau:

Lứa 1: Vũ hoá từ 01/01- 07/01/2021, sâu non nở gây hại trên mạ, lúa sạ trà đầu giống dài ngày.

Lứa 2: Vũ hoá từ 30/01- 05/2/2021, sâu non nở gây hại lúa đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh.

Lứa 3: Vũ hoá từ 01/3- 06/3/2021, sâu non nở gây hại lúa đang giai đoạn đứng cái, làm đòng.

Lứa 4: Vũ hoá từ 27/3- 02/4/2021, sâu non nở gây hại lúa đang giai đoạn đòng- trổ.

Lứa 5: Vũ hoá từ 22/4- 01/5/2021, sâu non nở gây hại lúa trà muộn.

Chúng ta không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu còn thấp, đặc biệt giai đoạn từ 0-40 ngày sau sạ để giảm chi phí sản xuất và hạn chế mật độ sâu gây bộc phát vào thời điểm cuối vụ.

Thường xuyên thăm đồng để nắm chắc tình hình, giai đoạn sinh trưởng cây lúa nhất là giai đoạn lúa làm đòng-trổ và nắm giai đoạn phát dục của sâu để dự báo thời gian sâu nở, đánh giá mật độ, diện phân bố để chỉ đạo phun trừ nơi có mật độ cao (giai đoạn lúa đẻ nhánh: >50 con/m2; Giai đoạn đòng-trổ: >20 con/m2).

Rầy các loại:

Lứa 1: Phát sinh gây hại từ 10- 20/02/2021, gây hại trên lúa đại trà đang đẻ nhánh, mật độ thấp.

Lứa 2: Phát sinh gây hại từ 10- 20/3/2021, gây hại trên lúa giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng.

Lứa 3: Phát sinh gây hại từ 05- 15/4/2021, gây hại trên lúa giai đoạn làm đòng  trổ. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 nắng nóng xuất hiện với nhiệt độ từ 35- 37oC, xen kẽ có các đợt không khí lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho rầy gia tăng mật độ nhanh, diện phân bố rộng hơn. Rầy sẽ gây hại nặng cục bộ trên các giống nhiễm Nếp, Xi23, HT1..., diện tích gieo sạ dày, thâm canh cao.

Lứa 4: Phát sinh gây hại từ 01- 10/5/2021, gây hại lúa giai đoạn trổ-chín.

Cần tăng cường điều tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi rầy chặt chẽ nhất là các ổ rầy hàng năm, đánh giá mật độ để chỉ đạo phun trừ khi mật độ rầy >1.500 con/m2, rầy giai đoạn tuổi 1- 2.

Tùy theo giai đoạn phát dục của rầy để sử dụng các loại thuốc phù hợp, thường xuyên luân phiên các loại thuốc hóa học với nhau để hạn chế tính kháng thuốc của rầy. Trường hợp mật độ rầy cao, nhiều lứa gối nhau nên kết hợp biện pháp trộn thuốc với cát vãi phía dưới, phía trên phun trừ để tăng khả năng tiêu diệt rầy. Khi phun phải đưa nước vào ruộng, phun đảm bảo đủ lượng nước 25- 30 lít/500m2 (bình phun đeo vai).

Bệnh đạo ôn:

Đạo ôn lá: Gây hại từ giai đoạn mạ- đẻ nhánh, khả năng bệnh sẽ gây hại nặng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 vì đây là giai đoạn lúa phân đốt, tượng khối sơ khởi gặp thời tiết ấm lên. Bệnh có xu hướng ngưng, phát triển chậm cuối tháng 3 đầu tháng 4 do nắng nóng xuất hiện với nền nhiệt từ 35- 37oC. Chú ý nhất các giống nhiễm như nếp địa phương, Xi23, BT7,... diện tích gieo cấy ở vùng ven đầm phá, chân ruộng có tầng canh tác mỏng, bón phân không cân đối, bón thừa đạm ...

Bà con cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khả năng phát sinh gây hại của bệnh, nhất là những ngày sáng sớm có sương mù, biên độ nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn, ẩm độ không khí cao để phun phòng bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm như Xi23, X21, nếp, BT7, ..., ở những vùng đất cát pha, tầng canh tác mỏng bằng các loại thuốc hoá học. Khi cây lúa đang nhiễm bệnh tuyệt đối không bón phân, nhất là phân đạm; giữ mực nước trong ruộng và tiến hành phun trừ.

Đạo ôn cổ bông, cổ gié: Gây hại giai đoạn lúa trổ trên các chân ruộng không phun phòng, phun phòng muộn hoặc phun không đúng kỹ thuật.

Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên tất cả các giống lúa trước khi lúa trổ vè thưa (lúa trổ 3- 5%) và phun lại lần 2 khi trổ xong (sau phun lần 1: 7 ngày) bằng các loại thuốc hoá học, chú ý phun ướt đẫm lá lúa và bông lúa.

Bệnh lem lép hạt: Bệnh phát sinh gây hại giai đọan trỗ chín trên tất cả các giống. Đặc biệt gây hại trên giống khang dân, các giống nhiễm nhất là các chân ruộng chua phèn, tầng đất canh tác mỏng, bón phân không cân đối, bón nặng đạm ở giai đoạn cuối.

Chú ý phun phòng trước và sau trỗ bằng Tilsuper 300EC, Anvil 5SC, Amistartop 325SC,…

Đối với cây lạc:

Bệnh lở cổ rễ, sâu xám thường gây hại đầu vụ.

Bệnh héo rũ do các loại nấm (mốc đen, mốc trắng, thối đen rễ,...): gây hại chủ yếu giai đoạn cây con đến ra hoa đâm tia.

Bệnh thối tia, thối củ (do nấm Pythium, Rhizoctonia,...) gây hại từ cây con đến củ già, hại nặng từ khi ra hoa đâm tia rộ đến quả vào chắc.

Sâu khoang, sâu xanh da láng, sâu cuốn lá thường gây hại giai đoạn phân cành, ra hoa đâm tia.

Bà con cần làm đất kỹ; bón lót 50% vôi trước lúc cày vở, 50% bón khi tàn hoa lứa 1 để hạn chế các loại nấm bệnh trong đất. Nên bón phân hữu cơ có ủ chế phẩm Trichoderma, sử dụng giống kháng, vệ sinh đồng ruộng, thâm canh tốt để cây khoẻ chống chịu tốt, luân canh cây trồng để hạn chế bệnh; thường xuyên theo dõi để phun thuốc hoá học khi bệnh mới xuất hiện.

Với sâu hại: làm đất, xử lý đất để diệt sâu, nhộng. Nếu phải phun thuốc nên phun khi sâu tuổi nhỏ, thay đổi thuốc để sâu không quen thuốc.

Đối với cây sắn:

Bệnh khảm lá sắn phát sinh gây hại nặng, nhất là trên các vùng đã nhiễm bệnh, hom giống lấy từ các vườn bị nhiễm bệnh để trồng. Bệnh gây hại từ đầu vụ đến cuối vụ. Lây lan mạnh giai đoạn phát triển thân lá và phình to củ.

Cần theo dõi chặt chẽ nguồn giống sắn trồng lấy từ các vùng xung quanh, nhất là các vùng có dịch bệnh để chủ động phòng ngừa. Các diện tích có điều kiện nên chuyển đổi cây trồng như đậu đỗ, rau màu, ngô…

Thường xuyên kiểm tra ruộng sắn để phòng trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh), đặc biệt các vùng đã từng nhiễm bệnh bằng các loại chuốc hóa học như Chess 50WG, Cheestar 50WG, Alika 247SC,... phun khi bọ phấn mới nở hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường công tác cày lật, nhất là ở các vùng cao; bón vôi 25- 30kg/sào để tiêu hủy nguồn sâu bệnh, cải tạo độ chua phèn của đất. Sử dụng giống lúa xác nhận, không gieo sạ dày. Bón cân đối đạm, lân, kali ngay từ đầu vụ; nên bón lót và bón thúc kịp thời, đúng thời gian sinh trưởng cây lúa và theo phương thức “nặng đầu nhẹ cuối”. Điều tiết nước hợp lý phù hợp các giai đoạn của cây lúa để tiết kiệm nước, tăng khả năng chống đổ, khai thác phân bón…

Trên đây là những dự tính dự báo sâu bệnh chính để các địa phương và bà con nông dân tham khảo, có kế hoạch chủ động phòng trừ ngay từ đầu vụ. Trong quá trình sản xuất, căn cứ vào diễn biến thời tiết và dịch hại xuất hiện trên đồng ruộng, chúng tôi sẽ đưa ra những dự báo cụ thể vào các thời kỳ dịch hại phát sinh cao điểm, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Chúc bà con có một vụ mùa sản xuất thành công.

 

Bá Dũng-TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 2.036