Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả giai đoạn ra hoa đậu quả
Ngày cập nhật 14/03/2021

Tổng diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn thĩ xã Hương trà năm 2020 là  414ha. Do ảnh hưởng của đợt lụt ngày 6-12/10/2020, cơn bão số 9 ngày 28/10/2020 đã làm thiệt hại lớn đối với cây ăn quả. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay diện tích cây ăn quả có múi của thị xã khoảng 370ha.  

 

Sự ảnh hưởng của bão lụt làm cho cây ra hoa, đâm chồi muộn hơn rất nhiều so với mọi năm. Hiện nay cây đang ra hoa rộ. Số lượng hoa tương đối nhiều, chồi non phát triển mạnh.

Qua điều tra theo dõi định kỳ, bệnh chảy gôm gây hại khoảng 220ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 5- 10%. Bệnh muội đen gây hại khoảng 150ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao 10- 20%. Sâu vẽ bùa gây hại khoảng 100ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%. Tập trung chủ yếu ở Hương Vân, Hương Hồ, Hương Thọ... Ngoài ra có rệp sáp, sâu đục thân, đục cành ... gây hại rải rác.

Dự báo thời gian tới, các đối tượng sâu bệnh trên sẽ tiếp tục gây hại gia tăng Đặc biệt bệnh sâu vẽ bùa, ruồi đục quả, bệnh chảy gôm… sẽ gây hại nặng nếu không thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc phòng trừ.

Để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sự lây lan và thiệt hại do sâu bệnh gây ra, chúng tôi xin hướng dẫn biện pháp chăm sóc và phòng trừ một số sâu bệnh gây hại trong thời gian tới như sau:

I. Công tác chăm sóc, vệ sinh vườn:

- Từ đầu năm đến giữa tháng 2, thời tiết mưa lạnh liên tục làm cho việc khắc phục sau lụt chậm tiến độ, cây không phục hồi được, nhiều diện tích bị chết hẳn. Diện tích đã trồng lâu năm thì ra hoa trể vụ. Hiện nay, thời tiết đang nắng ấm nên việc chăm sóc, bón phân đầy đủ kịp thời lúc này là rất cần thiết. Bà con cần:

 + Làm sạch cỏ dại trong vườn, cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh; khơi thông mương rãnh thoát nước để vườn nhanh chóng thông thoáng, đất ráo nước.

- Bón phân: Hiện nay cây đang giai đoạn ra hoa, đậu quả nếu chưa bón kịp cần bón bổ sung. Tùy thuộc vào tuổi cây để bón đủ lượng phân, đây là thời điểm bón phân đợt , trung bình bón khoảng 0,4- 0,8kg ure + 0,3- 0,6kg kali/cây kết hợp với bón phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma.(Hoặc khoảng 1,5kg NPK16:16:8 cho 1 cây).

* Lưu ý: Vì cây đang ra hoa nên tốt nhất là đào 4-6 hố chung quanh tán cây để bón phân.

II. Phòng trừ sâu bệnh:

1- Sâu vẽ bùa: Sâu vẽ bùa là loại bướm đêm, nhỏ mềm, dài khoảng 2mm, sải cánh khoảng 4mm, màu xám nâu nhạt, viền cánh sau có lông. Trứng được để từng cái rất nhỏ, khoảng 0,3mm như giọt nước nhỏ, dưới mặt lá gần đường gân ở giữa. Trong vòng 3-5 ngày sau thì trứng nở và sâu non bắt đầu gây hại, hóa thành nhộng khi hoàn toàn phát triển nằm ở gần mép lá bị vẽ bùa. Vòng đời của sâu vẽ bùa chỉ khoảng 2-3 tuần và có 3-4 thế hệ trong một đợt phát triển.

*Biện pháp phòng trừ:

Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, thúc cho lộc ra tập trung. Khi 25% cây ra lộc và 10% bị nhiễm sâu vẽ bùa thì có thể phun thuốc Dylan 2EC, Trigard 100SL,Newgard 75WP…vừa diệt sâu vừa bảo vệ được thiên địch.

2. Ruồi đục quả:

Đặc điểm gây hại: Ruồi cái trưởng thành sẽ chọc sâu vòi đẻ trứng vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng, vết chích trên mặt có mủ khô màu nâu. Trứng nở ra thành dòi sẽ đục sâu vào để ăn bên trong quả khiến quả bị nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh. Với vòng đời từ 20-30 ngày ruồi đục quả phá hại từ khi quả non đến khi chín.

Biện pháp phòng trừ: Bao quả từ khi còn non cho đến lúc thu hoạch là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn ruồi đục quả và các loại côn trùng gây hại khác như rệp, bọ xít....

Cách bao: Khi quả có đường kính 2,0-2,5cm (to bằng quả trứng gà) dùng túi nilon có đường kính 20-40cm, dài 30-60cm lồng bên ngoài quả theo chiều từ dưới lên, rút dây miệng túi phía trên lại. Đầu dưới túi để hở tự nhiên cho quả thoát nước, tản nhiệt.

Ngoài ra bao quả còn giúp quả tránh tiếp xúc trực tiếp ảnh nắng mặt trời làm da bị rám và nứt, làm màu sắc trái óng đẹp bắt mắt, cải thiện chất lượng quả và không gây hại môi trường. 

3. Sâu đục thân, đục cành: Luôn vệ sinh vườn sạch sẽ. Nếu sâu đã đục vào thân, cành lớn có thể dùng dây thép nhỏ (ruột phanh xe) để luồng vào đường đục diệt sâu hoặc dùng ống tiêm bơm thuốc xông hơi vào lỗ đục và bịt lại bằng đất sét hoặc bông gòn tẩm thuốc.

4. Bệnh chảy gôm do nấm Phytopthora spp

+ Triệu chứng và khả năng gây hại: Cây bị bệnh trên cành và thân có nhựa chảy ra, phần thân và rễ dưới mặt đất bị bệnh sẽ khô và thối, cây bị bệnh nhẹ sẽ giảm năng suất, nếu bệnh nặng cành khô và cây chết.

+  Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn, thu gom các cành, cây bị bệnh đem tiêu huỷ.

- Khi cây bị bệnh, dùng dao cạo sạch vết bệnh đến phần vỏ tươi và dùng một trong các thuốc như Aliette 800WP, Ridomil Gold 68WP, Vimonyl 72WP, ... hòa nước để bôi vào vết thương, bôi 3- 4 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày.

- Dùng Agrifos 400 pha nồng độ: 1 lít thuốc/1 lít nước tiêm vào thân cây. Dùng khoan với mũi khoan có đường kính 6mm, khoan trên thân ở độ sâu 2- 3cm, độ cao cách mặt đất từ 40- 50cm (đường kính thân > 10cm). Liều lượng tiêm 30ml dung dịch thuốc đã pha/xilanh tiêm, tiêm 2 lần cách nhau 30 ngày.

Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả có múi giai đoạn ra hoa đậu quả. Mong bà con tham khảo thực hiện để có một vụ mùa sản xuất thành công.

 

Bá Dũng-TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 1.924